Nghĩ vào ngày nghỉ ( 3)

NGHĨ VÀO NGÀY NGHỈ (2)

dongngan
Hôm nay tôi nghĩ đến công cuộc giảm tô và cải cách ruộng đất, cố lí giải về câu hỏi nặng mãi trong đầu: Tại sao lại thế?
Vâng, ruộng đất chia cho dân cày thì cứ cho là được đi, nhưng sao phải bắn giết, sao lại gây mâu thuẫn xã hội, chia rẽ cùng cực đến mức con tố cha vợ tố chồng, họ hàng anh em thành thù nghịch. Là cái trò gì đây nhỉ.
Và hôm nay, câu chuyện ồn ào trong quan hệ Việt Trung làm cho câu hỏi đó thức dậy và tôi đã tìm thấy câu trả lời, vấn đề đã sáng ra.
Xin lui lại vài dòng kí ức
Khi giảm tô cải cách ruộng đất năm 1956 tiến hành, tôi 11 tuổi. Những câu chuyện xảy ra tôi còn nhớ đến hôm nay.
Lúc ấy buổi tối, đội thiếu nhi được cắt cử đi trông nhà cho các cốt cán đi họp, để Đội cải cách “ bắt rễ xâu chuôi”.
Trẻ con biết gì, được tụ bạ chơi với nhau, lại do người lớn giao việc thì sướng lắm.
Được một thời gian thì bỗng tôi bị gạt ra khỏi nhóm trông nhà. Lí do đơn giản: gia đình vừa bị quy lên thành phần phú nông, là dính vào bóc lột nên không còn cùng giai cấp với người nghèo nữa.
Không được đi trông nhà ban đêm cho cốt cán đi họp, đó là điều tổn thương tinh thần đầu tiên, cũng là lớn nhất trong đời tôi  .
Năm 1943 bố tôi một mình từ Bắc Giang theo chân người quản lí cho chủ đồn điền Bùi Huy Khuê, lên Bản Ngoại , Đại Từ , Thái Nguyên nhận 7 mẫu ruộng phát canh, nộp tô cho chủ đồn điền.
Năm 1945 cách mạng về, chủ đồn điền bỏ chạy. Từ đấy thuế má nộp cho kháng chiến, gọi là thuế nông nghiệp.
Năm 1946, bố  được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.
Văn hóa lớp 3 xóa mù trong thời bình dân học vụ 1946. Đảng viên như bố tôi thực chất là đầu sai chứ trình độ kiến thức lí luận thì chẳng có gì.
Ông được giao làm Trưởng ban giao thông xã.
Làm trưởng ban giao thông có một việc khá quan trọng là trách nhiệm đưa đón cán bộ Việt Minh qua địa bàn sao cho an toàn.
Ông Giáp qua nhà tôi vài ba lần, cụ Hồ cũng qua một hai lần gì đấy. Là nghe bố  lào thào với bạn bè chứ tuyệt nhiên không bao giờ nói với bất cứ ai trong nhà.
Việc là đón các ông lúc sáng sớm đưa về nhà, dọn cái buồng để đoàn cán bộ nghỉ. Đến chiều tối lại dẫn đoàn ra cuối xã, lại có người đón, đưa đi tiếp.
1954, Kết thúc cuộc chiến.
Bắt đầu cải cách ruộng đất thì bố  được đi theo một đội ở nơi khác cũng để làm cải cách, thì ở nhà gia đình bị quy lên Phú nông, thành giai cấp bóc lột. Ông lập tức bị khai trừ khỏi Đảng, đuổi về nhà.
Cũng là may mắn để ông không dính vào tội ác.
Mấy năm ông già lẽo đẽo đi theo cách mạng có khác gì bật mã ôn, thế mà say sưa bỏ việc ở nhà. Mấy mẫu ruộng nhận của chủ điền thì việc cày bừa mẹ phải thuê người trong xóm. Đôi cải cách vội nhìn ngay ra đó là bóc lột, là đối tượng bóc lột và gắn luôn mác Phú nông luôn. Lần đầu tiên gia đình được xác định thành phần giai cấp.Trước đó như tất cả mọi người, đều chỉ là nông dân thôi.
Từ hôm ấy con cái mất quyền lợi họp hành. Những láng giềng thân thiện xưa nay, bây giờ nhìn gia đình tôi thù địch. Những người không thù nghịch thì ngại không giao tiếp sợ liên quan với giai cấp bóc lột.
Đội cải cách do chuyên gia Trung Quốc chỉ đạo tài thật, có mắt thần giúp mọi người nhìn ra địch-ta , mà trước đây mọi người cứ lẫn lộn! May mà ở vùng kháng chiến, bố tôi không mua thước đất nào, nếu có ruộng thì ăn chắc địa chủ. Cứ có 3 mẫu (1ha) là dựa cột ăn đạn rồi.
Lúc làm cách mạng thì tíu tít với công việc cách mạng, nhưng khi lâm nạn thì chẳng ai cứu giúp.
Nhưng rồi sau đó hai năm có chuyện sửa sai. Bố  cạy cục lên tỉnh khiếu nại, chờ mất một năm thì nhận được một tờ giấy sửa lại thành phần có dấu triện hẳn hoi. Thành phần được sửa xuống trung nông, báo về xã, bây giờ nhà tôi không còn nằm trong giai cấp bóc lột nữa. Nhưng ba năm ở cái thành phần được gán ghép, cả gia đình bị tổn thương tâm lí nặng nề. Anh giai tôi từ đấy như trầm cảm, nhìn thấy bất cứ cán bộ nào là đều căm ghét. Sau này tôi đi công tác, anh ấy cũng ghét cả tôi. Tổn thương tâm lí với anh ấy thật quá lớn khi thấy cha mẹ mình bị xỉ nhục vô lối.
Ở ta, ai bị bắt nhầm dù chỉ một lần, giam một ngày cũng coi là bị bắt và coi như là đã có tội. Đó là cái nhìn khá chung của xã hội. Thành phần giai cấp cũng vậy, dù đã sửa sai có giấy má rõ ràng nhưng dân xóm xã lứa ấy vẫn coi gia đình tôi là thành phần phú nông. Chết tiệt thật.
Tám năm sau tôi mới biết thêm một chuyện nữa do ông tổng biên tập tờ báo Đảng nơi tôi nhận công tác sau khi học xong trung cấp, kể lại. Năm 1966 ông cùng bộ sậu tìm lên nhà định tuyển tôi về đào tạo phóng viên cho báo. Khi lên ủy ban xã hỏi lí lịch gia đình, họ thuật lại chuyện khi sửa sai, Đảng bộ xã có mời lên để nhận lại Đảng tịch, thì ông ấy đứng giữa hội trường  Ủy ban nói lớn: Tao đút buồi vào cái Đảng cúa chúng mày, rồi cắp đít ra về.Tổng biên tập nghe vậy sợ quá, rút lui êm re, không còn đặt vấn đề tuyển dụng tôi nữa: ” Cậu nghĩ xem, bố cậu nói vậy thì làm sao chúng tớ dám lấy người nũa”. Một con người hiền lành ít học, chí cốt đi theo một niềm tin, nhưng qua cuộc cải cách ông đã biến thành thô lỗ cục cằn. Một đảng viên như bố tôi có hay không trong Đảng không quan trọng cho sức mạnh của Đảng lắm, nhưng đánh mất một niềm tin, triệt tiêu một hi vọng trong một con người trung thực đó là sự mất mát không bao giờ bù đắp được. Nhưng câu chuyện ấy tuyệt nhiên bố chẳng bao giờ nói trong nhà, chẳng có ai biết.
Chuyện chỉ có thế nhưng tinh thần gia đình tôi u ám trong thời gian khá dài. Sự tổn thương không thể khắc phục nổi, nhất là mỗi lần có việc gì liên quan đến lí lịch phải khai báo.
* * *
Đến đây , xin trích dấn một đoạn ghi nhớ của Trương Quang Đệ trong bài viết :’ – Bối cảnh lịch sử của phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm” mà tôi cho là khá trung thực:
“…Có điều nghịch lý khó tin là trong một vài tuần lễ vào năm 1956, Đảng đứng chung trận tuyến với những kẻ bất mãn và quảng đại quần chúng đối diện với hệ thống chỉ đạo cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, kẻ nắm quyền thực sự được các cố vấn phương Bắc hỗ trợ. Giáo sư Trần Văn Giàu, dạo đó là bí thư chi bộ (hay Đảng ủy?) đại học, được mời nói chuyện trước sinh viên về chính sách sửa sai của Đảng. Ông Giàu cho biết trong một thời gian dài Đảng bị tê liệt, hễ đội cải cách đến địa phương nào là chính quyền và Đảng nơi đó bị vô hiệu hoá, kẻ thì đi tù, kẻ thì lánh sang địa phương khác hay trốn lên miền núi, kẻ thì ngồi đó chờ số phận định đoạt. Ngay các lãnh tụ của Đảng như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Văn Hoan…vì thuộc thành phần bóc lột mà bị các đội cải cách địa phương và bần cố nông gửi giấy triệu tập về quê chịu tội. Tướng Giáp khi công cán qua Quảng Bình bị dân quân vây bắt, may mà cận vệ nổ súng đẩy lùi đám cuồng tín hung hãn. Các tên tuổi trong Ban chỉ đạo cải cách như Hồ Viết Thắng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, làm sởn tóc gáy ngay cả Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông Giàu thì Cụ Hồ hai lần bị các vị kia “uốn nắn” vì đã do dự khi hành quyết những phần tử mà Cụ cho là tốt, không có tội gì. Ông Giàu kết thúc buổi nói chuyện bằng lời kêu ca rằng đám cải cách làm đất nước lụn bại, làm đời sống nhân dân và cán bộ lâm vào cảnh cùng cực. “
Vấn đề ở đây là: mục tiêu cải cách ruộng đất là người cày có ruộng nhưng khi làm xong thì hóa ra không phải thế, mà kết quả chính của nó là đã phá vỡ toàn bộ, toàn diện khối đại đoàn kết dân tộc được có từ khi cuộc kháng chiến chống Pháp được phát động. Khối đại đoàn kết đó đã tạo nên sức mạnh vô bờ bến giành chiến thắng trước đối thủ đầy sức mạnh. Đó là di hại thứ nhất có thể trông thấy ngay.
Di hại thứ hai rất cơ bản là các giá trị văn hóa truyền thống nghìn đời như tình cha con, láng giềng, thân tộc , thày trò bị dày vò, bị cày xới cho nát như tương bần. Một bó đũa bị thảy ra tung tóe bẻ cái nào cũng được.
Tổn hại thứ ba là Đảng đã lao đao suýt bị đánh sập khi chơi con dao hai lưỡi cố vấnTàu…
Hậu quả làm cho người ta sống bất an, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ một cái gì đó giáng xuống bất ngờ. Tạo nên sự khủng bố tinh thần thường trực. Dai dẳng đến bây giờ vẫn vậy. Từ đó đẻ ra sự dối trá lớp này chồng lên lớp khác, thành căn bệnh xã hội nặng nề khó chữa lành.
Cho đến bây giờ mối di hại ấy chưa tan. Chưa tan vì chưa minh bạch chuyện này sai đến đâu , đúng đến đâu, đảng ta chưa bao giờ làm sáng tỏ, chưa đánh giá kết quả cải cách ruộng đất thật sự về giá trị vĩ mô, mà chỉ chung chung là người cày có ruộng là thắng lợi lớn. Bậy bạ hết sức. Như thế thì sẽ còn tiếp tục sai lầm và tổn thất sẽ lại tiếp tục thôi.
Và câu hỏi lớn vẫn treo lơ lửng: Tại sao?Tại sao lại thế , có thế lực nào ngăn trở? để rồi lại tiếp tục bị cuốn vào rắc rối sâu hơn nữa. Và bây giờ lại dính nhựa những lời hứa hão bằng những cái tình hữu nghị thủy chung chẳng bao giờ có thật.
* * *
Tôi nghĩ cái nợ tàn phá văn hóa truyền thống, phá tan sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc chỉ bằng việc làm cái cách có một hai năm, cái ác đó không khác gì đất nước bị dội bom nguyên tử. Những lãnh đạo Trung Hoa thâm độc thời ấy phải chịu trách nhiệm này cùng với lớp cán bộ của ta. Đó thực sự là một chủ trương, một âm mưu thủ tiêu tinh hoa cách mạng Việt Nam lâu dài để nhằm biến nước ta thành chư hầu.
Cho nên cuộc kháng Mĩ, dù viện trợ bao nhiêu thì cũng chứa thể trả được cái nợ máu xương tinh thần do các cố vấn Tàu gây ra cho dân tộc Việt Nam ta trong cải cách.
Ai hôm nay lấy khẩu súng, tấm áo mẩu lương khô cái mũ cối để hàm ơn lãnh đạo Trung Hoa thì họ cứ hàm ơn, còn tôi khách quan đứng xa nhìn nhận thấy lãnh đạo Trung Hoa nợ dân tộc ta cái nợ ngàn đời khó trả. Chứ ta nợ họ súng ống áo quần tiền bạc thì vài đời con cháu sẽ trả gọn, nếu cần. Còn món nợ do họ gây ra họ sẽ chẳng bao giờ trả nổi, chỉ có vạch ra rõ ràng cho dân tộc cùng biết cùng hiểu mà đề phòng miệng hùm nọc rắn thôi.
Đó cũng là trách nhiệm thật nặng nề và khó khăn của các thế hệ tiếp theo.
Nhưng phải nói thêm, nếu minh bạch thế thì lãnh đạo đất nước phải chịu trách nhiệm. Liệu chúng ta có nhận thức ra không. Và nhất là có đủ dũng khí nhận trách nhiệm không?
10/9/2011

  5 comments for “Nghĩ vào ngày nghỉ ( 3)

Comments are closed.