Bạn thời trẻ
( nhớ Vũ Duy Thông)
doduc
Những năm 1970 tôi làm báo Việt Nam độc lập thì Vũ Duy Thông là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Thái Nguyên đóng ở đồi thông, cạnh dinh thự ông Chu Văn Tấn, bí thư Khu ủy khu tự trị Việt Bắc. Sau Thông hết nhiệm kì thì Trương Đức Anh thay thế.
Chúng tôi tuổi xêm xêm nhau. Từ hồi ấy Thông đã cùng Hoàng Hữu ( nhà thơ đã mât) đến chơi với rôi ở căn hộ sau lưng Hội trường Đoàn văn công Việt Bắc. Thông và cô vợ xinh đẹp nhỏ nhắn của anh cũng đã đến nhà tôi. Lúc ấy cô con gái đầu tôi mới mấy tháng tuổi. Thoáng cái, thế mà đã 49 năm.
Chúng tôi thăm nhau vài lần, chè xuông thuốc cuốn. Thời ấy không có tiền bia rượu thù tạc mặn mà như thời nay. Thông Khoe với tôi đã in thơ. Có thơ được giải, bài ” Bè xuôi sông La”. Tôi thấy bạn mình giỏi quá, vừa là phóng viên vừa la nhà thơ, anh ấy cao hơn mình mấy đầu. Tình bạn bảo nhạt cũng không phải, vì đã có lúc nào mặn đâu. Nhưng bạn vẫn là bạn, vẫn nhớ dù chút nhớ có hoang sơ. Hình ảnh vợ chồng Thông đầu những năm 1970 dừng phim ở đó, mờ nhạt dần trong kí ức. Rồi nghe Thông có con trai đầu lòng, cũng chẳng biết ở đâu mà gửi lời mừng, hình như gia đình anh vẫn ở Vĩnh Phú…Rồi sau đó tôi chuyển công tác sang ngành xuất bản. Thông hết nhiệm kì 3 năm chắc về Hà nội… hàng chục năm không gặp nhau và cũng chẳng biết bạn mình đang ở đâu nữa.
Năm 1986 tôi có triển lãm tranh đầu tiên bày ở 16 Ngô Quyền. Bữa ấy đúng đón khách ở cửa thấy một người tất tả chạy vượt qua đường nhao sang nhà triển lãm. Tôi nhận ra Vũ Duy Thông. Anh tay bắt mặt mùng, rối rít chúc mừng trong hơi thở gấp. Mà mừng ra mặt thật. Thời ấy bày tranh như một sự kiện và khẳng định đẳng cấp người làm nghệ thuật. Tựa như nhà văn nhà thơ có sách xuất bản. Óach lắm. Chuyện của mình mà thông vui như chuyện của anh ấy, mới thấy quý hóa làm sao!
Thông viết lời cảm tưởng rằng bất ngờ sau gần chục năm gặp lại, bạn mình đã có thành quả đáng mừng thế này là rất đáng tự hào. Với lời chúc thành công thật hào sảng.
Sau đấy biết nhà, tôi đến thăm Thông ở đâu ngõ phố Hàng Bột. Vẫn là câu chuyện những năm 80. Lúc ấy nhà Thông cũng đã khang trang rồi.
Rồi ai việc nấy. Chúng tôi hầu như không gặp nhau. Sau nghe Thông chuyển từ Thông tấn xã sang làm tổng biên tập tạp chí “Diễn đàn văn nghệ” của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, rồi học lên phó tiến sĩ… rồi chuyển sang vụ trưởng Vụ báo chí xuất bản của Ban tư tưởng Trung ương thời ông Nguyễn Khoa Điềm làm thủ lĩnh. Có lần tôi gặp anh cả ở những buổi tọa đàm họp hành của hội mĩ thuật. Tôi đùa: ông quản cả cánh tôi à? Thì Thông cười hiền tự trào: À, mình đi lấy phong bì thôi chứ quản được ai! Mà thật, chẳng bao giờ thấy anh dự hết buổi, anh đến như lấy lệ.
Rồi nghe anh về nghỉ…anh thân với anh Đào Duy Quát, nên được mời sang làm phó, quản trang web của Đảng…Không biết anh chính thức hưu năm nào. Chỉ biết với tôi anh ít giao du dù biết nhau từ thời trẻ nhưng về đến Hà Nội thì mỗi người mỗi phận.
…
Nhớ đến Vũ Duy Thông là tôi nhớ đến Nhà thơ, dù anh chưa lần tặng thơ cho tôi.
Thật tình tôi luôn nghĩ Thông là nhà thơ, hơn là người làm lãnh đạo. Thời trẻ, Thông có cái nhiệt huyết, cái quyết liệt của người làm báo chân chính. Thời là phóng viên cũng có những phóng sự nảy lửa. Người thế dân yêu nhưng khó được làm lãnh đạo ở vị trí đứng đầu. Lãnh đạo phải biết đi giữa hàng quân, nói mạnh, giải quyết thì nhìn trước ngó sau. Còn anh thì luôn nhô lên hàng đầu như người lính chiến. Nói thế cho dễ hiểu.
Đã thế lại yêu thơ, mê mẩn với thơ!
Thơ của Thông nắm lại trong lòng người đọc đây, xo xuyến đầy tình người: “Nắng còn mải nắng ngoài sông/ Gió còn bận gió trên đồng cỏ may/ Tôi đi ra phố chiều nay/ Vừa đi vừa đếm đốt tay tính mùa”. Lời thơ yêu thế, yên bình thế.
Có lúc anh tự nhủ :”Thôi cứ như cau vườn/ Nhích lên từng đốt một/ Trời đã cho một búp/ Gắng gỏi mà xanh tươi…”
Anh yêu cuộc sống đến cả thời tương lai :” Mai sau trên những bãi cồn/ Đừng tìm tôi dưới cỏ non xanh dày/ Bởi tôi dẫu thoáng phút giây/ Từng theo đàn sếu xoải bay trong mù…”
Thông là thế đấy. Đời làm báo mà có đến chục tập thơ. Người ta biết đến một Thông Nhà thơ từ khi 23 tuổi với bài thơ: “ Bè xuôi sông La”(1967) được giải
Hôm sang nhà Tuấn Dũng chơi , anh ấy khoe: Tao đang vẽ Thông mày ạ, tao bảo nó, mày giàu lắm, trả công tao cây toan. Nó cười, gì chứ chuyện vặt ấy lo gì. Và rồi đánh xe chở đến thật. Tôi xem bức vẽ dở thốt lên: giống quá! Rồi đùa: cái khỏe miệng trông điêu thế. Tuấn Dũng cười phá: Chú mày tinh quá, dẻo mồm đọc thơ mà….
Tôi chắc Thông mãn nguyện với bức chân dung Tuấn Dũng vẽ.
Hôm nay nghe tin Vũ Duy Thông mất. Cũng bất ngờ vì xưa nay mình biết Thông là người có thể chất tốt, khung người vạm vỡ và không bệnh tật mãn tính .
Nhưng lại nghe là bệnh tim. Tim thì chịu rồi.
Tôi là người bạn đặc biệt của Vũ Duy Thông, nhưng có thể anh không hề biết. Bạn mà ít chơi với nhau, chỉ gặp nhau vài lần thời trẻ. Bạn ở chỗ này nữa: Cả hai đều quý công việc mình làm, hết lòng vì nó. Rất giống nhau trong hành xử độc lập. Dù ít gặp nhau nhưng hôm đến bảo Tuấn Dũng vẽ chân dung, Dũng nhắc đến tên tôi, Thông hẹn luôn: Hôm nào anh bố trí đi, tay ba chúng mình ngồi với nhau nhé!
Nhưng rồi cuộc gặp ấy chưa tiến hành được thì hôm nay…
Vài dòng nhớ lại Vũ Duy Thông, người bạn thanh khiết thời trai trẻ, làm báo mà vẫn mơ màng thi ca viết về những dòng sông, những chuyến đò. Hôm nay về nơi thiên giới, nơi không còn buồn vui lo nghĩ bon chen. Vui nhé Thông. Làm thơ tiếp đi nhá !29/5/2021