Bầu trời và đồng xu.
Doduc
Thanh minh trong tiết tháng Ba, có ngày tết Hàn thực giỗ Giới Tử Thôi bên Tàu, cũng đi vào đời sống tâm linh của làng xã ta. Ông là người nước Tấn thời Đông Chu liệt quốc theo phò Trùng Nhĩ, ông vua bị soán ngôi trốn chạy. Trong một lần túng quẫn, Giới Tử Thôi đã cắt thịt đùi của mình nấu cháo dâng vua. Đến ngày Trùng Nhĩ vừa trở lại ngôi báu thì hàng loạt người đến xin kê khai công để lĩnh thưởng. Họ khai từ những việc cỏn con hoặc kê khai gian lận, và đều được lĩnh thưởng. Còn ông không có ai nhớ kể cả vua. Giới Tử Thôi là người nghĩa khí, thấy tình đời khinh bạc như vậy, lại không muốn lẫn với bọn gian thần bèn dắt mẹ lên núi ở ẩn. Có người bạn tốt thấy vậy bèn làm bài vè gợi lại chuyện xưa hát trong dân gian. Chuyện đến tai vua, vua vội hạ chiếu gọi về mà vẫn bặt tin ông. Những quan cận thần như Hồ Uyển, Hồ Điệt sợ ông về triều sẽ có vị trí cao hơn mình bèn tung lời rèm pha. Rồi chúng qui cho ông là kiêu ngạo, không chịu tiếp chiếu là phạm tội khi quân… xui vua cho đốt cháy cả quả núi thì ông sẽ phải chui ra chứ chẳng cần tìm kiếm. Vua nghe lời, kết cục Giới tử Thôi ôm mẹ cùng chết cháy dưới một gốc cây. Người nghĩa khí như Giới Tử Thôi ở bên Tàu tưởng như hiếm hoi nhưng cũng chẳng thiếu ở đất ta. Người mẹ, người chị , người anh kể trên sau giải phóng lại trở về với đời thường như muôn người dân thường . Họ không khai công lĩnh thưởng vì lẽ gì. Có phải họ nghĩ đã có công thì sao lại phải xin ai. Có phải vì cái cơ chế khai báo thiếu tế nhị gây khó? Cũng không ít người chẳng thích kê khai nhận công theo kiểu ban phát xin cho, đã lặng lẽ sống như một công dân gương mẫu mà không cần than thở. Họ đã coi việc đánh giặc như trách nhiệm giữ nhà rồi thì nay kể công với ai. Có người bị mất giấy tờ đành lặng lẽ chịu thiệt. Có nhà hai ba người con đi hoạt động, ăn cơm tù và mang theo bệnh tật từ nhà tù về, có ốm đau chết bệnh cũng đành tự chịu. Cũng bởi cái cơ chế xin cho nên có nhiều chuyện kê khai gian lận để lĩnh thưởng đã xảy ra. Nhưng có một chuyện tôi nghe kể mà thấy lòng quặn đau: mẹ có ba người con trai thì 2 hy sinh trong chiến đấu, 1 vướng mìn chết. Còn lại duy nhất trong nhà cô con gái bị dở người. Có lần trong cơn quẫn trí bà bảo với hòn máu duy nhất còn lại bên mình rằng sao mi không chết đi để tau được công nhận là mẹ Việt Nam anh hùng! Thì ra tiêu chuẩn Anh hùng là vậy. Nếu nhà nhiều con thì phải có từ ba liệt sĩ. Những qui định tiêu chuẩn gì mà đau đớn thế.
Những câu chuyện trên tôi đã chứng kiến hoặc nghe kể ở Đà Nẵng và nhiều nơi khác, nhưng tôi không nghĩ rằng nó là chuyện riêng của họ. Sau ba mấy năm thống nhất chính quyền đã làm được nhiều việc lớn kể cả việc đền ơn đáp nghĩa cho những mất mát của rất nhiều gia đình. Một thế hệ rưỡi đã ra đời đang nối tiếp gánh vác việc xây dựng cơ đồ họ cần phải nhớ và làm nốt những gì mà thế hệ đàn anh làm đang dở hoặc để sót. Xin đừng vô cảm để lại tiếng xấu cho cái chính quyền mệnh danh từ dân, do dân và vì dân như tinh thần của Đảng đã tự nhận.
Một văn hào Pháp nói một câu đại ý rằng khi ta cầm một đồng xu kéo sát vào mắt mình thì bầu trời nhỏ đi. Còn khi đã dí sát vào mắt, thì nó cũng che luôn cả bầu trời. Trong sự phát triển hôm nay, tôi mong chúng ta vẫn cần có đồng xu nhưng hơn ca vẫn cần có bầu trời. Nhất là bầu trời tự do bao nhiêu năm ta mới giành được, ta không thể bị lấy mất vì mấy đồng xu dù đồng xu đó đúc bằng vàng ròng nguyên khối..25/72010