Phận nhà quê
Doduc
Đã mấy năm nay cái chợ xanh Nhật Tân bám mép bờ đê được xây lên vuông vức. Một số sạp hàng với những mặt hàng thiết yếu hình thành định vị. Những người không sạp thì bám vào bên thềm chợ như khoai mẹ cõng khoai con. Theo thời vụ, họ luôn có những thứ hàng rau quả biến đổi theo mùa. Tôi, đi chợ đều và để ý thấy điều đó.
Ở một góc thềm chợ có một bà ngồi riết quanh năm với khoai luộc, ngô luộc, củ rong giềng và củ hoàng tinh rồi cũng chỉ luộc! Tóm lại tất tật là đồ luộc. Nhưng có một thứ đến hẹn lại lên vào cữ tháng mười này không thấy có ở quầy bán hoa quả hay bất cứ người bán bưng nào khác đó là những mẹt hồng nhỏ cỡ chén uống nước có màu cam nhạt. Đây là thứ hồng giống nội không hạt, tròn mọng, giống hồng giấm trấu chứ không phải loại hồng ngâm.
Trông thì xấu mã nhưng khá ngọt. Đặc biệt khi chín nẫu có thể bóc lớp vỏ bên ngoài mỏng như giấy.
Tôi hỏi bà bán hồng xem giống này xuất xứ từ đâu nhưng bà bảo không biết. “Ôì dào , chú hỏi cái giống nhà quê này làm gì” bà bảo tôi thế.
Bà có cái lí của bà. Trong khi các loại hồng đỏ Đà Lạt, hồng ngâm Lạng Sơn danh tiếng giá cao ba bốn chục ngàn một cân thì loại hồng này lép vế , giá chỉ mười, mười lăm và chạm trần hai mươi là đỉnh cao. Không ai để ý đến nó chỉ vì khi chín mã không bắt mắt thì chả nhà quê là gì!
Không rõ rồi vài mùa nữa liệu nó còn không.
Có rất nhiều giống cây trồng thân phận tựa như giống hồng này. Ở vùng núi Thái Nguyên quê tôi xưa có giống lúa tám đỏ, xay giã kĩ nấu lên bát cơm có màu hoa đào ăn ngọt và dẻo, giống lúa tròn tròn hạt trắng và bầu nấu rất dôi cơm, giống lúa mạy thì dẻo thơm nhưng năng suất không cao…Tất cả đã đi vào dĩ vãng khi các giống lúa lai xuất hiện năng suất vượt trội.
Giống như hạt lúa, giống nhà quê như loại hồng giấm trấu kể trên đang lụi theo thời gian. Nó không bền như ca dao tục ngữ mà mới chỉ dừng ở thành ngữ! Thành ngữ thì biến đổi như tấm áo mặc, cái cũ còn nhưng model luôn bổ sung theo thời gian. Nghĩ vậy nên cầm túi trái hồng trên tay mà lòng lại thấy bâng khuâng về thân phận nhà quê của nó.
1/11/2011