Xuyên sơn giáp

Doduc
Đất trung du trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp ruộng bảy thì bờ chiếm ba phần. Những khái niệm vườn cây chưa có. Dân làm nông thì ruộng quây sau lưng nhà, kề trước sân nhà. Bây giờ nói thế chắc không ai tưởng tượng nổi cấu trúc của điền thổ của thời cách đây mới một thế kỉ ở vùng trung du.
Trời sáng trăng suông, con chó mực gầm gừ đánh tiếng vì nó nghe thấy tiếng động. Bố và anh giai rút gậy cầm dao bước ra nghe ngóng…
Bõm bõm bõm…tiếng bước chân buông trong ruộng lúa trước nhà đều đều cho biết có một con thú ăn đêm đang qua đường. Châm vội bó đuốc, anh tôi xắn quần bước về phía tiếng động phát hiện ra con tê tê đang rảo bước. Không chần chừ, anh vung gậy đập xuống lưng, nó nhanh chóng tự vệ, vo tròn như quả mít. Trao bó đuốc cho bố, anh ôm con tê tê lõng bõng nước tròn vo bước thốc lên sân.
Có cái vại để không, tê tê được bỏ vào đó và chiếc thớt nghiến tướng đại, nặng cỡ chục cân được làm nắp đậy. Chuyện gì thì mai xử lý, có mà giời chạy.
Ấy nhưng chỉ mười lăm phút sau, nghe tiếng đổ rầm, con tê tê chừng bảy tám cân vảy óng ánh vàng đã hất vung cái thớt, rướn người phóng qua miệng vại chạy trốn.
Giải pháp duy nhất để quản lý tê tê là bố dùng chạc trâu buộc xốc nách mấy tao, rồi treo trên cọc cao. Thế là chú chàng chịu cứng.
Trung du thời kháng chiến, ruông cũng liền rừng như nhà liền ruộng. Dân thưa, chỉ khai phá ruộng còn chưa hết, nên rừng gần như không bị xâm hại. Dưới thảm cây rừng nguyên sinh, thú hoang các loài từ bò sát đến động vật có vú đến thú ăn thịt cho đến sâu bọ muỗi vắt trăm giống ngàn loài đều hiện diện… Tê tê lúc ấy không hiếm, nhưng cũng không dễ gặp vì nó chỉ thức dậy mò đi ăn đêm. Con tê tê bắt đêm qua cũng chỉ là lối khai thác ngẫu nhiên chứ không phải săn bắt có chủ đích.
Bố kể: Tê tê còn gọi là xuyên sơn giáp. Nó là con thú đi xuyên rừng núi sông ngòi chẳng gì ngăn được nó nên mới có biệt danh đó. Bộ giáp trụ bằng sừng bọc toàn thân, vảy lợp như sóng nước, lại giống ngói vảy cá lợp mái nhà, không chỉ giữ cho nó được an toàn phong thủ trước mọi kẻ thù, mà còn là vũ khí lợi hại tấn công đối thủ nữa.
Giống như lửng lợn, thức ăn của tê tê xuyên sơn giáp cũng là kiến mối và sâu bọ côn trùng. Tê tê có lưỡi dài và sở hữu thứ nước bọt đặc sệt. Chỉ quét một cung com pha là kiến mối dính tất vào cái lưỡi dài và dẻo, nhanh chóng dồn xuống dạ dày. Hai chân trước của nó có vuốt cứng như móc sắt, khi đi cụp lại, bước bằng mu có vảy cứng, khi kiếm ăn thì hai chân duỗi ra trở thành móc sắt, xà beng mai thuổng! Đã đánh hơi thấy mồi thì chẳng tổ kiến, ụ mối nào thoát khỏi móng vuốt nó. Chuyện xuyên sơn giáp phá tổ ong đất xơi nhộng mới li kì. Tấn công ong đất, cơ thể nó cũng dàn binh bố trận, cũng gài bẫy chọn thời cơ như binh pháp Tôn Tử!
Đàn ong thấy tổ bị phá, chúng vù vù xông ra như đám mây đen xúm vào tấn công tưởng hạ gục đối thủ trong chốc lát. Lúc ấy tê tê xuyên sơn giáp lặng lẽ doãi mình dựng hết vây lên. Những chiến binh ong bu chịt lấy cái thân hình đơn độc mềm yếu cỡ quả bí xanh dài chừng bốn năm gang tay. Đàn ong dúi đầu vào kẽ vảy loay hoay tìm chỗ mềm tiêm nọc độc. Chỉ đợi thế, tất cả các vây sập xuống kẹp chết những chú ong đất can trường khi chưa kịp nhả nọc. Cứ lặp đi lặp lại lối đánh bẫy mà chú ong đất ngay thẳng không bao giờ nhận ra! Mỗi lần sập xong bẫy, tê tê lại lặng lẽ rùng mình rũ vây hất đám ong chết ra. Kết thúc trận chiến, nó ung dung nhấm nháp no nê xác ong mà nó rất thích đó.
Còn ngẫu nhiên gặp và đuổi bắt tê tê khi nó kịp chui vào hẻm đá chỉ còn hở tí đuôi thì tốt nhất nên bỏ cuộc. Vì không ai có thể túm đuôi kéo ngược được tê tê ra, khi vây trên toàn thân nó đã giương lên như những ngạnh gai vững chắc như thép níu giữ toàn thân bất động.
Tê tê là loài thú đơn độc, sống xa loài người. Dù tê tê nuôi con, cho con bú và cuộn con nhỏ vào lòng trước kẻ thù theo bản năng để bảo vệ nòi giống nhưng chúng sinh đẻ không nhiều. Chỉ sau một đến hai năm bên mẹ, là tê tê con trưởng thành, thành cá nhân đơn lẻ, sống tự do giữa đại ngàn với biệt danh Xuyên sơn giáp mà ít con vật khác bì kịp! 30/3/2020