Doduc
1 – Tôi biết câu ca dao này từ mẹ, khi nghe còn chưa hiểu gì : “Tò vò mày nuôi con nhện/ Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi/ Tò vò ngồi khóc tỉ ti/ Nhện ơi nhện hỡi mày đi đằng nào”. Đó là câu ca dao ví von về việc nuôi dưỡng không công của tò vò với giống nhện, giống như chuyện loài chim “nuôi chim tu hú” là con của kẻ khác, lớn lên nó bay biến về với nòi giống nó.
Chơi quanh nhà, bên cối giã gạo, cối xay thóc, góc chuồng trâu chuồng lợn hay phên liếp nhà thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp một xác tổ tò vò cũ, hoăc cái tổ mới mới xây áp vào góc vách tường. Tổ tò vò xây ở những chỗ rất bất ngờ nửa khuất nửa hở, ít người ngờ tới.
Thành ngữ “ Cái tổ con tò vò” là một cách nói tế nhị về một bí mật bị hé lộ, có thể đó là chuyện ông thêm phong nhì, có thể là chỗ bà đi đêm, hoặc là một địa chỉ làm ăn bí hiểm của ai đó mới lộ ra thanh thiên bạch nhật… Nói chung chuyện “cái tổ con tò vò” không phải là chuyện tốt đẹp của bất kì một ai đó.
Xưa kia , thời chưa có ngành Y bảo vệ sức khỏe cho người dân, khi bị ốm sốt, người ta còn dỡ tổ cũ con tò đem đốt, rồi thả vào nước đun sôi lên , lấy nước uống hạ nhiệt. Thế mà cũng khỏi.
Cũng may đó là thời ít bệnh tật nan giải như ngày nay.
2 – Tò vò là côn trùng nằm trong loài ong. Nó có tên hẳn hoi là tò vò. Ngoài ra không có tên nào khác. Tò vò sống đơn côi. Chưa bao giờ thấy tò vò đi đôi. Gioongs như ong vang, tò vò cũng đơn thân xây tổ, chuyên chú và cần mẫn. Có lần tôi ngồi hàng giờ xem nó mải miết với công việc. Mỗi lần bay đi mươi phút, tò vò tha về một cục đất nhỉnh hơn hạt đậu xanh đã được nhào nhuyễn kĩ. Nó đặt hòn đất lên miệng tổ, khéo léo dùng miệng dàn đất, vừa xây vừa rì rèo theo nhịp dàn đất theo miệng tổ, vui vẻ như đang hát. Tôi khôngbiết dùng từ nào để nói về âm thanh phát ra trong lúc đang xây tổ của tò vò. Nó cứ ve ve đều đều như một bài dân ca. Khi dàn xong đất , thì tiếng rì rèo đó cũng chấm dứt, tò vò lại bay đi lấy đất.
Tổ tò vò xây xong to bằng nửa con ốc nhồi bám vách. Mỗi tổ có ba hoặc bốn năm ngăn buồng. Buồng là ống nhỏ. Xây xong, tò vò đẻ trứng vào đó, rồi bắt nhện và sâu bọ tiêm nọc cho chúng chết lâm sàng rồi đưa vào tổ làm thức ăn dự trữ cho ấu trùng tò vò khi phát triển. Nọc độc của tò vò có tác dụng ướp cho nhện hay sâu bọ trong thời gian dài không bị thối rữa.
Câu chuyện tò vò nuôi nhện là thế! Tò vò bắt nhện về nhốt trong tổ là để làm thức ăn nuôi ấu trùng của nó chứ đâu bắt nhện về nuôi ! Thế mới biết dân gian cũng thật hài hước
Sau khi bịt kín các miệng các ngăn tổ, là tò vò đã làm xong nhà hộ sinh cho thế hệ mới. Nó coi như hoàn thành trách nhiệm và không ở lại đó nữa. Những con tò vò trong tổ trưởng thành cứng cáp tự đẩy nắp tổ chui ra bước vào cuộc sống tự lập.
Tôi không bao giờ trông thấy tò vò con cắn tổ chui ra bao giờ, mà chỉ thấy tổ đã bật hết nắp, tò vò ra ràng đã bỏ đi..
3 – Tò vò thân màu vàng, trên mình có vằn nâu, hai mắt to trong veo hình cầu và cặp râu ngắn oai vệ. Nó là loài có cái eo lưng nhỏ nhất trong các loài ong. Một cơ thể cấu trúc tuyệt đẹp dù thân hình nó chỉ nhỏ bằng đầu đũa. Khen người con gái đẹp có eo “thắt đáy lưng ong”có lẽ người ta lấy mẫu từ con tò vò. Eo nối thân với bụng nó chỉ nhỏ như một cọng tăm! Còn nhỏ hơn cả eo ong vang
Tò vò gần gũi quen thuộc với con người, vào đến ca dao, vẻ đẹp của tò vò đọng lại trong thành ngữ, tổ tò vò còn làm thuốc chữa bệnh cho người, thế nhưng con người lại biết quá ít về đời sống con tò vò. Nó với người như hàng xóm liền kề nhưng chẳng bao giờ có trao đổi chuyện trò với nhau, hoặc biết gì về nhau, mặc ai nấy sống. Cũng phải thôi, một bên là con người cao cấp có trí tuệ, một bên chỉ là côn trùng sống theo bản năng.
Bây giờ vẫn thế, tò vò vẫn đơn côi độc hành trong đời của nó, và vẫn luôn rì rèo cất lời ca trong lúc xây tổ!1/4/2020