Ba miếng mỡ bụng

Doduc
Đây là câu chuyện buồn, đáng ra chẳng nên kể vì nó đính đến miếng ăn. Nói ra thành nhỏ mọn. Nhưng, nếu ở góc nhìn nhân văn khác thì lại không nên quên. Vì biết chuyện này, con người sẽ lớn lên, cao thượng hơn trong cuộc sống, bởi biết được quá khứ mệt mỏi của một thời đã qua.
Năm 1972 , chuyến công tác lên Nà Hang , Chiêm Hóa và đến Khuổi Súng, một xã giáp Hoàng Su Phì.
Chuyến đi có ba người: Sếp trưởng là một Ủy viên biên tập, một phóng viên và tôi. Hôm nay cả hai bậc huynh trưởng đã khuất núi.
Đấy là thời cơm tem gạo phiếu.
Thời ấy, đi công tác phải mang theo tem gạo. Đến nhà ăn Huyện báo cơm nộp tem như khách qua đường. Bữa cơm trưa ở huyện vàng rực như trộn với lòng đỏ trứng gà. Đó là cơm độn loại ngô tẻ chăn gia súc. Ở thị xã thì độn là bột mì, còn các địa phương thì ngô xay mảnh, bữa cơm ba phần gạo bảy phần ngô.
Bữa trưa đó có một bạn cũ cùng trường. Ra trường cậu ấy được phân công về huyện làm công tác ở phòng văn hóa.Cậu có một mình. Gặp bạn vui quá, bảo, thôi để góp gạo ăn cùng bữa cho vui.
Bữa cơm trưa ấy tôi nhớ mãi đến bây giờ.
Sếp lúc ấy trên 40, còn phóng viên thì ít hơn một chút.Tôi là em út chưa tới 30. Nói chung chỉ có tôi và bạn tôi là thanh niên.
Cơm ngô nấu thiếu nước đã rắn lại khô, trên bàn ăn, thức ăn là bát bí ngô già xào khan, bát canh bí ngô thì lều bều ba miếng mỡ bụng như ba cái phao câu dập đềnh trên mặt nước. Mà nước canh biết là nhạt hoét vì chẳng có gì ngoài tí váng mỡ.
Lúc ấy ai cũng thèm mỡ. Thiếu ăn đến mức nhìn thấy miếng thịt như thấy món đặc sản. Ấy nhưng bốn người có ba miếng mỡ thì ai ăn ai đừng!
Ba anh em nhìn nhau, còn bạn tôi chỉ nhìn miếng mỡ trắng nhợt bập bềnh trên bát canh.
Rồi nhát chao môi canh đầu tiên, cái phao câu thứ nhất nằm gọn trong bát cậu ấy.
Nhìn mọi người ăn như bò nhai rơm. Còn tôi đang sức trẻ mà cũng trệu trạo như bò nhai rơm khô, khó nuốt quá.
Còn hai miếng mỡ lèo nhèo bập bềnh trên sóng nhưng nhìn nhau chưa ai muốn ra tay.
Tôi nhìn sang ánh mặt bạn mình, nó vẫn muốn ăn thêm miếng mỡ mà hơi ngại ngùng. Nhưng rồi không gìm được cơn thèm, nhát chao thứ hai thì miếng mỡ như vô tình nằm trong bát nó. Nó lặng lẽ ăn ngon lành dù dáng vẻ như sượng sùng . Nhưng thôi mặc đời.
Bữa trưa chậm rãi trôi qua trong từng cơn nghẹn của mỗi người bởi cơm khô và món thức ăn lễnh loãng nhạt hoét. Kết cục là Lỵ chén luôn miếng mỡ thứ ba khi bữa ăn sắp kết thúc.
Sếp tôi lầm lì, phóng viên thì ít nói nhưng tôi nhìn qua ánh mắt thấy đúng các bậc đàn anh của mình thật sự bao dung dù cái thiếu cái thèm làm cho người ta dễ mất kiểm soát dù cũng có lúc biểu hiện trong ánh mắt các ông. Bạn tôi chắc không thể hiểu điều đó , hoặc không thể biết điều đó.Cậu ấy trẻ quá, đang sức ăn sức ngủ, cơ thể đòi hỏi cao hơn nhiều theo bản năng..
Lại một cái nhớ nữa khi lên đến Khuổi Súng. Nhà bí thư Đảng ủy xã người Dao La Qúy Vãng tôi đếm có 8 cái bằng chiến sĩ thi đua toàn quốc, kèm theo cả huy hiệu đeo ngực như đồng tiền bạc để đầy một khung trong rối bời mạng nhện. Đêm ấy ngủ nhà Bí thư. Thấy cô gái lớn trong nhà bế một thằng bé chừng chục tuổi đang sốt nóng vào buồng. Cô gái mặc áo chàm dài , vạt chéo buộc thắt lưng, thấy hai bầu vú tròn căng, trắng ngần lòi ra. Ông Thuận hỏi chuyện mới biết đó là con dâu của Bí thư Vãng. Còn thằng bé là chồng nó, con trai ông,.
Loanh quanh lại vẫn chuyện dụ dân định canh định cư nhưng mãi không thành. Định canh định cư là vào hợp tác xã, ghi công ghi điểm khác lối làm ăn tự do giữa rừng giữa núi. Vào hợp tác xã đã gò bó lại thiếu thốn hơn khi du cư tự do nên đâu dễ vận động.
Hôm sau Bí thư đãi bữa cơm có thịt gà nhép băm vụn nấu với nấm gỗ, nhưng vừa ăn vừa nhằn sạn đất…
Ở nhà bếp huyện nhớ cảnh 3 miếng mỡ bụng, đến Khuổi Súng lại canh thịt gà băm vụn nấu nấm. Tiếp đó là câu chuyện của Bí thư Đảng ủy xã La Qúy Vãng khi ông nhắc lại câu thành ngữ “ Keo kin Tày/ Tày kin xả/ xả kin phéc” nghĩa là người Kinh ăn người Tày, người Tày ăn người Mán, người Mán ăn rau bí! Khắc phục được định kiến đó đâu một sớm một chiều, đâu chỉ nói là xong.
Nặng nề lắm đời sống lầm than bao đời. Cứ nghĩ hôm nay sự áp bức bóc lột sau khi có Đảng lãnh đạo sẽ được xóa bỏ đi. Nhưng rồi cuộc sống lai vẫn khó khăn dưới một hình thái khác, khốc liệt hơn về tinh thần. Đó là cái vòng luẩn quẩn khi mà tham sân si của con người trỗi dậy hoành hành.
17/1/2020