Kại chuyện tiền nong

Doduc
1- Viết lách giống nghề đi câu, kiếm sống gần với giang hồ nên không phải lúc nào cũng tuần tự nhi tiến, vì thế mà đời sống bấp bênh. Chuyện này chẳng mới, thời cụ Nguyễn Tuân còn sống cụ đã từng đem nhuận bút qui ra phở để đánh giá mức sống của nghiệp cầm bút. Nhưng đấy là nhuận bút viết văn
Tôi bắt chước cụ Nguyễn và cũng hay đem nhuận bút qui ra phở ra bún, nên biết lâu nay đông tiền quá bạc với mình. Sự tăng giá hàng vô tội vạ như làm cho mình có cảm giác bị trấn lột. Đầu năm, bát phở 15 thì hôm nay mới giữa năm đã trèo lên 25 ngàn. Bài báo trung bình 250 ngàn qui ra được trên 16 bát phở nay chỉ còn 10 vì giá phở lên 25 ngàn rồi. Chỗ tôi ở xa trung tâm thủ đô cả chục cây số nên mới được thế, chứ ở ba sáu phố phường thì có mà ba sáu cái lênh đênh nữa. Tôi không tin thống kê trên phương tiện thông tin bằng tin giá phở, lạm phát bao nhiêu thì gần như giá phở nó báo động cho biết cả rồi.

2- Thu nhập viết báo lại cũng có vẻ giống với nghề đạp xích lô, cứ ráo mồ hôi là túi nhẵn. Chịu khó động não một tí là lại có tiền, dù chẳng bao nhiêu nhưng cũng đủ sống.
Có người nói nghề báo dễ làm giầu, rằng khối người làm báo có xe hơi xịn. Kể cũng có, nhưng số ấy đâu có nhiều, mà tiền ấy chắc chắn kiếm ngoài báo chí. Nhuận bút báo chí cũng chỉ đủ đê trang trải đời sống đạm bạc thôi, lấy đâu tích lũy, đấy là nói về người chịu viết, chứ còn viết ít, viết chậm thì còn khuya.

3- Nói viết báo giống nghề câu, lại nhớ hôm đi Berlin thấy có ông già ngồi lì cầm cần câu dứ trên nắp cống, loại nắp vỉ có những thanh sắt ngang, trước mặt để hộp cacton giấy, hóa ra ông câu giả vờ để xin tiền người qua lại. Ai nhìn cũng thấy buồn cười và đặt vào đó mấy đồng xu. Lại nghĩ nghề viết có cái gì giống ông già nhặt nhạnh… Thời buổi lạm phát này, chữ nghĩa cũng mất giá nhanh hơn các loại hàn hóa khác…
Chung qui lại thì vẫn là chuyện tiền nong. Trên thế giới này, mọi chuyện vui hay buồn, ích lợi hay tai ương đều qui về tiền nong cả. Tiền nong luôn là mấu chốt của mọi vấn đề.
25/7/2011