doduc
1- Có thể nói Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) là người mở lối đi đầu tiên cho tranh lụa Việt nam. Trước đó người Việt Nam cũng đã vẽ trên lụa. Những bức tranh chân dung của những quan chức hoặc những ông tổ dòng họ thờ trong từ đường.
Nguyễn Phan Chánh với những bức tranh lụa nhắm đến những sinh hoạt trong cuộc sống bình thường như chơi ô ăn quan, rửa rau cầu ao, buổi sớm ra đồng, chơi chim…đã mở màn để lụa trở thành một chất liệu cho hội họa đầy sức thuyết phục. Và tiếng tăm bức tranh chơi ô ăn quan dự đấu xảo ở Paris năm 1931 được trao giải và bán được tại hội chợ năm… ở Pháp đã vang lên như phát pháo báo hiệu khiến những người quan tâm đến nghệ thuật tạo hình bắt đầu chú mục vào chất liệu khá mới mẻ này.
Với lối vẽ giản dị dùng những mảng lớn và lưu ý đến những chi tiết cần nhấn mạnh, chất liệu lụa mềm mại cho ấn tượng đầy hư ảo hấp dẫn những công chúng yêu nghệ thuật. Sự quan tâm ấy như liều thuốc kích thích cho các họa sĩ cùng thời lao vào tìm hiểu và thể nghiệm. Sau nguyễn Phan Chánh, người ta viết đến Nguyễn Tường Lân, Hoàng Lập Ngôn, Lê thị Lựu, và sau này là Trần Đông Lương, Lương Xuân Nhị, Mai Văn Hiến, Nguyễn Bích , Mộng Bích, Kim Bạch, Lê Kim Mĩ và Nguyễn Thụ…là những bên cạnh các chất liệu khác họ cũng là những người đeo đẳng với lụa dẻo dai nhất.
Trong chặng đường dài phát triển, tranh lụa Việt Nam cũng đã có những chuyển hóa về kĩ thuật và cách nhìn. Nếu như Nguyễn Phan Chánh và các họa sĩ lớp kế cận vẽ tranh sinh hoạt bó gọn bốn góc tranh thành một không gian khép kín kéo dài trong nhiều thập niên thì sau này Nguyễn Thụ đã dần từng bước buông bốn góc, mở không gian tranh ra bốn phía cho người xem tưởng tượng cuộc sống ra ngoài khuôn khổ bức tranh. Tuy chỉ là một đổi thay nho nhỏ thôi nhưng cũng trả giá bằng mấy chục năm miệt mài của người nghệ sĩ.
Tranh lụa vào những năm tám mươi thế kỉ trước trong thời kì mới mở cửa rất được những người sưu tập nghệ thuật nước ngoài ưa chuộng lưu ý và tranh lụa trở nên rất có giá. Đó là cái may mắn lớn nhưng nó cũng chứa đựng mối rủi ro lớn cho môi trường nghệ thuật còn khá non nớt, khi các họa sĩ chúng ta có người chẳng có kiến thức vẽ lụa lại thiếu thông tỏ về thị trường, thấy lụa đắt khách thì đổ xô theo vẽ lụa .
Trong khi họa sĩ chuyên lụa đếm trên đầu ngón tay thì những người vẽ “ăn theo” nhiều gấp ba gấp bốn lần. Họ bị lút dần đi sau những người làm ăn chộp giật. Những người vẽ lụa ăn theo dùng màu bột vẽ không thèm rửa, thậm chí lấy cả tempera cúng quèo trát lên mặt lụa mềm mại và tự coi như một sự sáng tạo(!) Rồi chấp nhận bất cứ giá cả nào…Sự xô bồ ấy không che giấu được mắt người sưu tập tinh tường. Chỉ vài năm cuối thập kỉ chín mươi, tranh lụa trở nên ế ẩm vì người ta phát hiện ra sự thoái hóa của chất liệu này. Và khi thị trường tranh lụa dần mất chỗ đứng, những họa sĩ ăn theo cũng lặng lẽ lủi mất, tìm cách kiếm ăn khác để lại sự trống vắng đáng tiếc cho chất liệu này trong các galery. Kiếm củi ba năm thiêu một giờ, là do cách làm ăn thiếu tính chuyên nghiệp của người họa sĩ không có tầm nhìn, chỉ quen hớt váng là như vậy.
2- Cách đây bốn năm, vào năm 2008, Cục Mĩ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam có tổ chức một triển lãm tranh lụa toàn quốc để thử “kiểm kê” lại về số người sáng tác trên chất liệu này thì cho một con số khả quan: có hàng trăm họa sĩ gửi tác phẩm tham gia. Tuy vậy đẻ tìm ra người thật sự có kĩ năng vẽ lụa chiều sâu thì cũng không thấy. Nhiều tác giả vẽ là để hưởng ứng cuộc vận động triển lãm hơn là những người chuyên về chất liệu này. Nếu những người vẽ lụa thời khai sáng như Nguyễn Phan Chánh, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Tường Lân đạt đến độ cổ điển thì lụa của triển lãm này vẽ khá hời hợt, vẫn là thói quen đại trà mà thiếu hẳn sự tinh tế cần thiết. Rõ ràng tranh lụa Việt Nam đã sa cơ mà chưa sẵn sàng tìm lại chỗ đứng của mình trên thị trường nghệ thuật.
Những triển lãm cá nhân khắp trong Nam ngoài Bắc hàng năm có đến vài trăm cuộc trưng bày nhưng tuyệt nhiên không có triển lãm cá nhân nào chuyên chất liệu lụa!Mối qua tâm của họa sĩ chuyển gần như hòan toàn sang chất liệu sơn dầu của Âu châu hoặc chất liệu sơn mài truyền thống. Điều đó như báo hiệu một cuộc ra đi không trở lại của tranh lụa Việt Nam!
Chờ đợi mãi, vào tháng Mười năm 2011 tại Viet Arrts center 42 Yết Kiêu tôi bất ngờ gặp một triển lãm chuyên lụa của nhóm 5 họa sĩ thuộc thế hệ sau 1975. Thức ra những họa sĩ này cũng sáng tác trên nhiều chất liệu chứ không hẳn chuyên về lụa, nhưng họ đã cùng gặp nhau ở ý tưởng đưa tranh lụa trở lại với cuôc sống sáng tác, đó là các họa sĩ Trần Xuân Bình, Phạm Thanh Vân, Vũ Đình Tuấn, Trần Lưu Tuấn và nguyễn Đức Toàn.
Cũng không thể bàn gì nhiều về sáng tác trở về với lụa của các họa sĩ vào lứa tuổi trung niên này vì mỗi người chỉ dăm bảy bức. Nhưng tuyên ngôn của họ là đang tìm đường trở về với chất liệu truyền thống này và quan trọng bước đầu là trong số này, các họa sĩ đã tìm hiểu và thử thay đổi khi xử lí chất liệu. Trước đây vẽ lụa thường người vẽ hay mua loại lụa có sẵn trên thị trường thì bây giờ họ đã tìm nơi sản xuất đặt lụa sợi to bé theo ý muốn để tạo hiệu quả thị giác. Nếu ngày xưa vẽ lụa khâu đặt màu, cọ rửa cho màu bắt sâu vào thớ lụa tạo lớp màu chìm bí ẩn sâu thắm thì bây giờ họa sĩ chỉ rửa chỗ cần thiết, còn có chỗ để nguyên màu sấy khô vì thích gợi khối và nhấn sâu vào chi tiết màu tươi. Tranh lụa thế hệ đầu, họa sĩ đi vào chân dung nghiêng về trang trí với việc gợi khối nhẹ nhàng hoặc đưa hình ảnh vào trung cảnh với cách nhìn mơ ảo sương khói trữ tình thì bây giờ mạnh mẽ khai thác trang trí với màu sắc va đập mạnh(Vũ Đình Tuấn), hoặc khước từ mơ ảo (Trần Xuân Bình) bằng cách đưa một gương mặt nhân vật gần choán hết mặt tranh. Hoặc đi sâu vào cái ảo hơn so với các bậc tiền bối ở gam màu mạnh (Phạm Thanh Vân)…
Cách xử lí sau vẽ cũng khác. Nếu trước đây bồi biểu lụa như là cách duy nhất cho bức tranh hoàn hảo thì bây giờ họ căng lụa lên mặt toan. Bồi biểu thường làm cho mặt tranh bị lì đi, dễ bị ẩm mốc và hỏng dần theo thời gian vì lí do thời tiết thì cách làm này bảo vệ cho bức tranh lâu bền và mặt tranh sinh động. Nói chung về cách nhìn và kĩ thuật cũng có chút xê dịch và đang ở giai đoạn tìm hiểu trong thể nghiệm.Chưa thể nói đó là cái mới thực sự. Chỉ có thể đây là những sáng tác đang tìm cách hướng tới thị trường tiêu thụ do vậy mà sự tâm huyết cho từng bức tranh còn có những hạn chế. Nhưng dầu sao thì sự tâm huyết quay trở về của một một nhóm họa sĩ với chất liệu truyền thống này là rất đáng trân trọng và khích lệ.
25/10/2011