Bài 3- Đông Hồ: Có một dòng tranh kháng chiến
Còn nhớ hồi kháng chiến chống Pháp có bốn câu nửa thơ nửa khẩu hiệu ai cũng biết (chỉ không nhớ tác giả là ai) :Ruông đất là chiến trường/Cuốc cày là vũ khí/ Nhà nông là chiến sĩ/ Hậu phương thi đua với tiền phương. Chưa ai coi nghệ nhân dân gian là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa cả, mà chỉ coi nông dân là chiến sĩ cày cuốc. Vậy mà những nghệ nhân này vẫn tình nguyện vào cuộc làm chiến sĩ văn hóa như ai, mà chẳng cần vận động, chẳng cần mời mọc hứa hẹn. Như vậy, xét ra thời cách mạng, công tác tuyên huấn cũng có lúc quan liêu ra phết!
Tôi nói như vậy là có chứng cứ cụ thể chứ chẳng phải là chuyện vô sở cứ. Những người tình nguyện đó chính là những nghệ nhân làng tranh Đông Hồ . Họ đã chọn cái chỗ cách mạng chờ đợi nhưng lại chưa được anh tuyên huấn mời gọi. Mà là chọn theo tinh thần cụ Hồ “Toàn dân kháng chiến/ Toàn diện kháng chiến”. Họ lầm lũi vẽ và khắc, lấy tiền bán tranh làm lương, lấy niềm tin vào cuộc kháng chiến kiến quốc làm động lực. Bao nhiêu tranh cổ động thời chống Pháp, chống Mỹ bây giờ cất vào tủ lưu trữ làm kỉ niệm thì những tranh kháng chiến của các nghệ nhân Đông Hồ thời ấy bây giờ vẫn bán trên sạp tranh và còn trân trọng được ra nước ngoài nữa kia.
Cô Huyền, một người con dâu của Đông Hồ, chủ cửa hàng tranh Đông Hồ ở 17 phố Chân Cầm, Hà Nội khoe với tôi: Có một khách du lịch Mĩ đến, lục trong bộ tranh Đông Hồ cả trăm bức, chỉ để mua có mỗi một bức bắt giặc lái Mỹ nhảy dù. Không kiếm được nhiều nhặn gì ở bà du khách nọ nhưng cô ấy vui, bảo đó là tranh của bố chồng cháu (ông Nguyễn Đăng Chế) làm đã trên bốn mươi năm. Chẳng lẽ tranh đó lại kém giá trị vì nó là dân gian! Xem tranh của các họa sĩ xịn vẽ về chiến tranh chán rồi, bà ấy muốn được thấy nghệ nhân dân gian vẽ về chiến tranh như thế nào!
Đặc điểm của tranh thời kì chống Pháp phản ánh rất rõ lòng dân tin yêu tuyệt đối vào cụ Hồ, vào Đảng và nhà nước: Vang lừng tiếng hát tiếng hô/ Việt Nam độc lập Bác Hồ muôn năm! Tất cả phục vụ đường lối kháng chiến vô điều kiện. Nhiều bức tranh vẽ về bình dân học vụ, xóa mù chữ diệt giặc dốt như lời Bác kêu gọi. Hãy xem tranh vẽ buổi biểu diễn văn nghệ, hai cô gái nông dân múa sòn la, có đủ dàn nhạc trống phách, chũm chọe. Trên cùng là cờ Tổ quốc và cờ Đảng búa liềm và câu ca dao như hát“Cùng nhau múa hát mấy bài/ Khải hoàn ngợi khúc xây đài vinh quang”.
. Những tranh dân gian thời kì này giản dị, giàu chất cổ động hơn là suy ngẫm gửi gắm. So với những tranh xuất hiện cách nay bốn năm trăm năm thì vắng đi chất thâm thúy đồ nho, trội lên là sự hòa nhập xã hội với nhưng cái mới nảy sinh trong cuộc sống bình dị bộc lộ khá rõ tinh thần cộng đồng lên mặt tranh. Điều đó cho thấy rõ lớp nghệ nhân mới so với lớp có chữ thời xưa thì họ suy tư đơn giản hơn nhiều.
Những năm hòa bình lập lại ở miền Bắc và giai đoạn chống Mỹ, những tranh dân gian vẫn được lớp nghệ nhân kế cận tiếp bước một cách tự nhiên như trách nhiệm công dân, nhưng lại được đẩy lên cao hơn trong cộng đồng với niềm tin mãnh liệt hơn vào chính quyền.Tranh chủ yếu tập trung cho đề tài sản xuất và chiến đấu: Đào mương chống hạn kịp thời/ Thuổng mai cuốc xẻng thay trời làm mưa hoặc truyền bá khoa học kĩ thuật với khẩu hiệu đơn giản dễ hiểu: Dùng công cụ cải tiến,nuôi lợn lấy phân bón để đạt chỉ tiêu 5 tấn thóc một hecta. Các bức tranh phần lớn kèm theo những câu ca dao tục biên được khắc luôn vào ván bằng chữ Quốc ngữ cho dễ thuộc dễ nhớ như lời vận động “Phân nhiều thóc hẳn đầy kho/ Cải tiến công cụ đỡ cho sức người”, hoặc “Hoan hô phụ nữ Việt Nam/ Sản xuất chiến đấu đảm đang anh hùng”. Những tranh này vừa phản ánh vừa ca ngợi động viên mọi người hăng hái đóng góp cho Tổ quốc giàu mạnh với niềm tin sắt son vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Tất cả những tranh sáng tác trong giai đoạn trên có thể coi là đặc biệt. Đó là dòng tranh kháng chiến của người Đông Hồ. Các nghệ nhân hồ hởi tham gia một cách lặng lẽ khi lắng nghe lời hiệu triệu sản xuất chiến đấu ở trên loa đài. Vẽ tranh dưới tiếng động cơ phản lực có thể bị chúng choang bom bất cứ lúc nào. Vẽ tranh không có đầu tư đặt hàng như các họa sĩ ngày nay, vậy mà vẫn luôn kịp thời có ngay.. Không ai nhắc nhở và để mắt nhưng những sáng tác vẫn đi đúng lề đường. Một khi niềm tin đã có thì đúng là muôn việc trở nên dễ dàng. Đóng góp ấy của nghệ nhân Đông Hồ không thể coi là nhỏ nhưng họ chưa bao giờ được ghi danh trong tổng kết, báo cáo hoặc đánh giá về đóng góp trong kháng chiến còn nói chi đến được ghi nhớ trong nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Tranh thời kì này do ảnh hưởng của giao lưu với cái mới ngoài lũy tre làng, nghệ nhân vẽ không đơn sơ ngộ nghĩnh như thời kháng chiến chống Pháp, mà là quá chú ý đến bắt chước lối bố cục trường sở, nét vẽ rối rắm như thể là muốn vươn lên đẳng cấp cao hơn. Cho nên, cái khôn chưa thấy, nhưng chất dân gian hồn nhiên nhạt nhòa, bị mai một đi khá nhiều. Nhưng về vai trò của nó với một bộ phận xã hội nông thôn vẫn là có ý nghĩa thực sự. Tôi nghĩ rằng cần nhìn nhận đến giá trị đặc biệt này để vinh danh nghệ nhân Đông Hồ như là một hiện tượng đặc biệt gắn bó với cuộc đấu tranh độc lập dân tộc. Họ thực sự có công! 22/6/2009. doduc