Ngày xưa

doduc

Gọi là ngày xưa thôi, nhưng ngày ấy cũng chẳng xa xôi gì, mới chỉ ngót bốn mươi năm, tôi thường ru con bằng những câu ca dao đọng trong trí nhớ. Những câu ca đó trôi vào trong đầu tôi chẳng biết từ lúc nào, nhưng chắc chắn đó là thời chưa có truyền hình, chưa có phim hành động. Nhưng câu ca dao dù còn tanh mùi bùn thì vẫn đầy chất hành động; “Ngủ đi cho mẹ đi mò/ Tôm rang đầy chã cá kho đầy nồi/ Ngủ đi cho mẹ đi hôi/ Cá nấu đầy nồi mẹ múc con ăn”… “ Cái cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về/ Cò về thăm quán cùng quê/ Thăm cha thăm mẹ, cò về thăm anh”. Cái tình thật cảm động nhưng cũng thực day dứt não nề vì những trói bó của cuộc sống làng quê, một cuộc sống đầy sự cam chịu .
Tôi đã từng ru con bằng những câu ca dao ấy. Có lúc lời ru cũng lẫn trong nước mắt. Tôi đã ru và nước mắt cứ tự chảy ra. Vì trong lúc ru, câu ca lặn đâu mất. Trước mắt chỉ còn là khung cảnh đồng nước mênh mông, người mẹ tanh mùi bùn, mò mẫm nhặt nhạnh từng con tép hoẻn mà nghĩ về miếng ăn trong bữa cơm chiều của con sao cho có chút vị mặn mòi. Hạnh phúc có nước mắt của sự chăm lo cho đứa con nhỏ là tất cả của các mẹ ta xưa.
Tôi cũng đã hát ru như vậy với người bạn đời vào những ngày cuối trước khi nhà tôi ra đi. Lời ru nhẹ nhàng gió thoảng và nhàu trong nước mắt, bởi đó là lời ru chung của vợ chồng tôi với các con. Tôi muốn nhà tôi biết trước lúc đi xa rằng, tôi không thể quên ân nghĩa vợ chồng con cái một thời cua ốc… Điều mà bất cứ người mẹ nào cũng đều sợ bị mất mát, tan vỡ.
Bây giờ những câu ca dao đó đang dần trôi vào dĩ vãng, dần chỉ còn là kỷ niệm của người một thời. Bây giờ là thời đại nối mạng, thời số hóa toàn cầu, trẻ con được ru bằng nhạc hip-hop và có trò chơi gêm kích hoạt mạnh mẽ cho bộ não. Kế tiếp có phim hành động, phim bạo lưc, phim sex sẽ dạy cho chúng cách ứng xử để tồn tại. Đó là ru ngủ (hay dạy) bằng nhìn. Người mẹ phố phường thời nay lăn lóc trong cuộc sống bằng những bức xúc lớn hơn nhiều và quyết liệt hơn nhiều. Có thể là thương trường, có thể là tình trường, leo cao và đi xa để giành giật cả thế giới chứ đâu vì vài con tôm riu, vài con tép hoẻn. Mối gắn bó quan hệ mẹ con không dính mùi bùn đất mà là màu xanh đôla, mùi thơm son phấn và cơ mưu để tồn tại. Vậy nên làm gì còn chuyện tiếng à ơi mệt mỏi rũ người như ngày xưa. Chuyện đó là buồn hay vui còn là tùy ở tâm thái từng người, từng lứa tuổi. Còn thời đại mới thì nghe nói đã tìm ra tiếng ru phù hợp, chẳng hạn: Có con mà gả chồng gần /dù có canh cần cũng chẳng nên ăn/ có con mà gả chồng xa/ con ngoan thì cứ đôla càm về. Tiếng ru của thời đại mà cuộc sống đang giống như một phim hành động sẽ diễn biến với tiết tấu nhanh, sẽ không thể rầm rề như cánh cò mỏi mệt trên cánh đồng làng năm xưa, ru cái thấy ngay, như mì ăn liền.
Một tầng Văn hóa của thời đại mới đang dần hình thành chấm dứt thời của những câu ca dao quá khứ. Những giọt nước mắt vì thế mà sẽ không còn chảy nữa.
22/4/2008 Ngày trái đất.

Vĩ thanh
Nhưng đó chỉ là câu chuyện phố phường của ngày hôm nay thôi. Trước mắt chúng ta vẫn còn cả một làng quê rộng lớn và cả chốn rừng sâu núi thẳm mênh mông. Nơi ấy vẫn cua ốc như xưa. Nhưng tệ hơn, bây giờ thời đại thuốc sâu tràn lan, con tôm con tép cũng vì thế mà hiếm hoi dần, nên muốn tôm đầy chã cá đầy nồi có khi cũng chỉ là khát vọng. Nhất là vùng quê mà đất đai rơi vào qui hoạch sân gôn và chế xuất thì còn đâu ruộng đồng mà cua với cáy! Sự phát triển với phố thị có thể là thiên đường, còn với nông thôn có khi lại là thảm họa. Tệ hơn nữa là ma túy-sida, món quà tặng tàn nhẫn của sự phát triển đã nối mạng toàn cầu đang gậm nhấm phần tốt lành còn lại của nông thôn. Những câu ca dao xưa còn đấy nhưng vì thế mà sẽ héo mòn dần trên bờ diệt vong. Bi kịch của thời đại rồi sẽ không tha thứ bất kỳ ai!