dongngan
Đã bao nhiêu mùa tết qua
Từ ngày lấy vợ, tôi mới bắt đầu biết đến quà tết, và hiểu thế nào là trách nhiệm nội ngoại
Những năm Bảy mươi, bao nhiêu là cái tết nghèo khó. Khi ấy vợ chồng còn ở Thái Nguyên, nên tết nào tôi cũng phải đi xe lửa mang quà về cho ông bà ngoại ở Hà Nội từ sau ngày công táo. Mình là con rể, việc tết ông bà ngoại là không bao giờ được thiếu, kể cả khi khó khăn nhất..
Qùa tết cho bố mẹ vợ cũng đơn sơ thôi: một gà sống thiến trên 2kg, chai rượu nếp ngon, gạo nếp cũng chừng ấy, cộng thêm bao thuốc, gói chè và dứt khoát phải có hộp mứt đỏ rực đặt lên bàn thờ. Không quên một cái tết nào kẻ cả khi còn chiến tranh.
Những năm sau đó làm ăn được thì quà tết cho ông bà ngoại dần dần biến sang tiền để ông bà muốn mua gì tùy thích. Tuy vậy cũng kèm thêm vài thứ quà cáp vặt cho có hình khối.
Nhưng từ ngày phát hiện ra, được con gửi quà tết bằng tiền thì ông bà chỉ cất đi. Ngày tết vẫn đạm bạc đơn sơ. Tôi đi đến một quyết định mới là tiền chỉ gửi để gửi minh họa ít thôi, tất cả biến sang các món ăn được như giò chả bánh trái. Tôi không mua túi quà tết có sẵn, mà mua lẻ những thứ ngon nhất như bánh kẹo đặc biệt, mỗi thứ một tí đóng vào thùng caton to ngất ngư chở sang. Chỉ có thế ông bà mới có được ăn miếng ngon và có cái ngon đãi khách. Tôi biết các cụ đã bị thời bao cấp nó làm cho thói quen đề phòng, quen dự trữ đã phát huy hết tầm cao, lúc nào cũng sống tiềm tiệm thôi, còn thì bao gói cho chặt, đề phòng cơ nhỡ!
Bây giờ vẫn thế, nếu con cái gửi tết bằng tiền!
Mấy hôm nay, hàng bán bánh kẹo và rượu tết bắt đầu đóng túi.Đây chỉ là quà bình dân để biếu tết trong các mối quan hệ xã hội. Vẫn thưa nhặt người mua lắm vì năm nay khó khăn, miếng ăn còn khó nói chi chuyện quà. Nhưng nhiều ít gì vẫn phải có. Vì vài chục năm nay người ta đã quá quen dùng quà biếu trong các mối quan hệ làm ăn, dễ đâu gột rửa được cái thói quen đám cưới chuột!
Nhưng riêng chuyện tết cho bên ngoại thì vẫn là việc phải nghĩ đến trước tiên, luôn luôn phải có đàng hoàng. Qùa tết cho bên ngoại không bao giờ là lạc hậu mà luôn là mẫu mực trong ứng xử của người Việt, và là trách nhiệm lớn một năm một lần với những chàng rể có trách nhiệm.
Đó là vẻ đẹp Việt Nam, biết cung kính với tứ thân phụ mẫu. 6/1/2014