Bác là con thứ tám trong nhà, nên được bố đặt tên là Tám.
Bây giờ nghe ai có ba con người ta đã lè lưỡi. Nhất là đám dân thành thị và sau là cánh công chức. Nhưng ngày xưa chuyện sinh con nhiều thì thường lắm. Ngõ nhà tôi ra, anh Lập loẻo khoẻo mà có đến mười bốn con chả gẫy đốt nào. Làng xóm bảo sinh con như giòi. Anh chị cười khì:Trời cho thôi chứ tài cán gì. Bốn mươi lên ông, sáu mươi lên cụ. Chưa tới tám mươi mà khi khuất núi anh Lập đã có hai ba khăn đỏ đưa tiễn.
Bác Tám nhớn lên trong lúc Toàn quốc kháng chiến, theo bình dân học vụ xóa mù chữ thời cụ Hồ kêu gọi diệt giặc dốt đó. Được cái bác sáng dạ, học vào, nhớ dai, chả mấy đọc thông viết thạo. Bác chịu đọc sách và chịu mua sách. Nhưng bác đọc sách như đọc báo, cốt lấy diễn biến câu chuyện. Còn việc ngẫm ngợi để tìm ý tứ sau câu chuyện thì quá khả năng. Cho nên truyện bác thích chỉ là loại Tam quốc,Thủy hử đánh đấm nhau…Bác nhớ chương hồi, ngồi đâu cũng đọc vanh vách, mọi người nể lắm gọi bác là nhà văn. Với thôn xóm, nhà văn là người biết nhiều chuyện, đơn giản thế thôi. Còn viết lách tí ti thì hay được phong luôn nhà báo.Dù nhà báo chẳng bao giờ có bài đăng. Viết của bác chỉ là dạm ra giấy vài câu vè hoặc mấy câu lục bát chẳng ăn vận gì với nhau. Viết xong bác dán ở đâu đó hoặc gài lên bờ rào, rình xem có người nào qua đường cầm đọc không hay là lại đem vò để dùng khi vào nhà xí.
Khi trưởng thành được xóm phân công việc gì bác đều tận tụy vì được tin tưởng chứ có đồng lương mẻ nào khích lệ như bây giờ đâu. Người như bác trong xóm có rất nhiều. Được coi là quần chúng đáng tin cậy! Bây giờ người ta nhận diện đó là anh thiên lôi, chứ hồi ấy là mẫu người trung thành. Được giao việc gì là làm chí chết.
Thời ấy làm lãnh dạo dễ lắm. Cấp dưới chỉ cần biết phục tùng, không cần bàn cãi .Bàn cãi, giờ gọi là phản biện lại cấp trên đồng nghĩa là ương bướng cãi lại thì dứt khoát không được dùng, và đương nhiên rất dễ được liệt luôn vào phần tử có tư tưởng phản động.
Hồi ấy bố tôi làm Trưởng ban giao thông xã, ông cũng nhiệt thành như bác tôi. Một hôm đưa đoàn cán bộ Việt Minh qua địa phận về, ông khoe với bác: anh biết không, trong đoàn tôi đưa có ông Cụ, mắt hai con ngươi nhá, là ông Thánh chứ không phải người thường.
Nghe chuyện câu được câu chăng, tôi nghĩ, mắt có hai con ngươi thì khác gì con chó đốm có bốn mắt nhà vẫn nuôi. Tôi khẽ nói với bác thế . Ông vội bịt mồm tôi :láo nào, bố mày mà nghe thấy thì vả cho vêu mõm. Sao lại nghĩ bậy bạ thế, dám ví người với chó hả! Mà toàn là các ông Cách Mạng. Láo thật! Tôi còn gân cổ cố cãi : bốn mắt chả chó là gì! bác gầm gừ” có câm hay không thì bảo!
Trong xóm có cô Lúy, người đen như củ súng. Khi cười thì chỉ thấy hai hàm răng trắng bốc. Trông cô như tây đen, không ai lấy. Đi chăn trâu trên rừng Tàu Bay, hai người ngủ với nhau. Cô Lúy có chửa.Cả xóm xôn xao, nhưng cô không khai ai. Đứa con đẻ ra người trong xóm bảo giống bác ấy lồn lột! Bà bác lồng lên nhưng không làm gì được vì cô Lúy không nhận.Vụ ấy rồi cũng qua. Nhưng từ đấy bác chả được bổ bán vào công việc nào nữa. Hồi ấy hủ hóa là chuyện bị lên án là xấu xa vô đạo đức- cái chuyện mà bây giờ phổ biến ở hàng ngũ quan chức chả sao. Thế là đường thăng tiến trong xóm của bác bị chặn lại!
Bác thôi việc lăng quăng làng nước, nhưng vẫn sống vui vẻ. Vẫn chăm mua sách, đọc sách. Vẫn đọc sách như đọc báo lấy tin, và vẫn được một số nể vì gọi là nhà văn. Kể cũng vui!
Hôm nay thì bác đã về với tổ tiên, Cuộc đời bác suôn sẻ nếu không vướng cái án hủ hóa dù chỉ là dư luận. Nhưng cô Lúy cũng may mắn mà có đứa con dựa dẫm lúc về già. Còn hơn khối cô có chồng mà không biết đẻ. Cô Lúy bảo chả ai cười được mãi, cười hở mười cái răng. Trên ấy trời lạnh hơn dưới xuôi, cười lắm buốt răng chứ báu gì! 11/1/2014