Trang phục của người Phụ nữ Pà Thẻn
ĐỖ ĐỨC
Mỗi dân tộc đều có một lịch sử hình thành. Cũng như vậy, văn hóa vật chất được tạo nên trong cuộc đấu tranh sinh tồn của mỗi tộc người đều có chứa đựng những giai thoại giải thích về nguồn cội. Dù rất mù mờ, và đôi khi rất phi lý nhưng đều là những giá trị tinh thần để giúp cho con cháu có dịp nhìn lùi sâu vào lịch sử để biết mình là ai khi cắt nghĩa các giá trị đó.
Về bộ trang phục của phụ nữ Pà Thẻn có một truyền thuyết khá lạ: thuở xa xưa, có một người đàn bà Pà Thẻn lấy chó, sinh ra được một đứa con. Nhưng đứa bé mệnh yểu, sống chẳng được bao lâu. Người mẹ vì thương nhớ con, nên sau ngày con chết, luôn bế ẵm một con chó trong lòng cho khuây khỏa. Con chó lớn dần, một lần trong lúc bà bế, chó tung chân đạp mạnh, làm rách mất một bên váy. Thấy váy bị rách, bà liền vá lại theo hình chân chó đạp, bằng những sợi chỉ màu. Vá xong miếng vá, bà thấy nó đẹp lạ lùng như hình hoa. Mỗi lần nhìn vào miếng vá đẹp như hoa ấy, bà lại thấy vợi đi trong lòng nỗi nhớ thương con. Kể từ đó, mỗi lần may váy, phụ nữ Pà Thẻn đều nhớ thêu hình chân chó như để nhắc nhở lòng nhớ thương về đứa con xấu số. Đó là hoa văn có tên tá leo ở chân váy ngày nay.
Người Pà Thẻn ở Việt Nam có khoảng trên 5.000 người cư trú chủ yếu ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, một số lượng ít hơn ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Nằm trong nhóm ngôn ngữ Mông –Dao, sinh sống ở vùng núi cao , giống như các dân tộc trong cùng nhóm ngôn ngữ, họ cũng du canh du cư, sống dựa vào rừng, dọn đồi làm nương rẫy, trồng bông kéo sợi, dệt vải. Dân tộc Pà Thẻn có nghề dệt thâm hậu với các bộ khung dệt hoàn hảo. Phụ nữ Pà Thẻn không chỉ biết dệt, mà còn giỏi may vá thêu thùa. Bộ sắc phục của người Pà Thẻn đỏ rực màu cờ. Màu đỏ thống lĩnh toàn bộ bộ trang phục ấy đựợc làm ra từ cây pa xí mung. Họ đem chặt nhỏ thân gỗ, cho vào nồi nấu kỹ rồi dấn vải mộc vào, đem phơi. Nhuộm đi nhuộm lại dăm lần, vải chuyển sang sắc đỏ cờ.Sau đó họ còn pha thêm cánh kiến vào những lần nhuộm cuối cùng để được màu đỏ sẫm và bền lâu.
Người Pà Thẻn không phân biệt trang phục ngày thường với hội hè như một số dân tộc khác. Nhìn họ ăn mặc giống nhau nên cũng khó nhận biết được giàu nghèo hay sang hèn. Đàn ông khi hành lễ vẫn mặc bộ quần áo thường ngày. Phụ nữ trong ngày cưới cũng vẫn mặc bộ sắc phục tự làm giống như ngày thường, nhưng là bộ váy áo mới . Bộ cánh duy nhất ấy có tên là ke ơ pơ, váy được gọi là két tanh. Trong đám cưới, khách khó phân biệt đâu là cô dâu, đâu là phù dâu.
Chiếc khăn đội đầu của phụ nữ Pà Thẻn cũng khá đặc biệt. Khăn được chia thành hai phần. Lớp trong là cả một tấm vải nguyên khổ rộng chừng ba mươi centimet, dài chừng năm mét, nhuộm chàm gọi là ke sọ. Khi đội khăn, họ gấp nhỏ lại còn chừng năm đến sáu phân rồi cuốn khoanh nhiều vòng trên đầu để giữ tóc. Quấn ngoài cùng là tấm khăn màu đỏ tươi có thêu hoa văn, gọi là sừ chỉ dài chừng mét rưỡi. Tấm khăn đội xong có khi to như một vành nón.
Như mọi dân tộc khác, từ tấm bé các em gai Pà Thẻn đã được chỉ bảo may vá thêu thùa. Bộ váy áo của các em giống như người lớn, chỉ riêng phần hoa văn là đơn giản hơn. Khi thành thiếu nữ giỏi giang họ gửi gắm sự sáng tạo trên bộ váy áo cho mình bằng cách dùng màu và hoa văn riêng biệt, trừ những hoa văn truyền thống có ý nghĩa như một tín hiệu thì họ vẫn giữ nguyên. Nên các bộ váy áo của phụ nữ Pà Thẻn chỉ đồng nhất về cấu trúc, còn tiểu tiết thì mỗi người mỗi vẻ, luôn tạo nên sự phong phú về đường nét.
Chiếc váy két tanh bằng vải bông màu đỏ ở phần giáp cạp được chíp thành nhiều nếp, trang trí cầu kỳ. Ngoài phần ghép vải đen và các miếng ghép trắng đỏ, thì xen kẽ ở đó là hàng loạt những dải thêu hoa văn cầu kỳ theo các hình vuông, hình thoi, tam giác gọi là pa lình, hình chữ A gọi là tăng go, hình sao, hình lược gọi là lo ví, hình cây cầu gọi là ta chơ, hình nghé con gọi là tọ vẹ, hình chân gà gọi là tơ la ke, hình mặt cua gọi là khung mí di, hình con tằm là tơ bơ cơ, còn tá leo là hình con chó theo một truyền thuyết đã nói ở trên…Tất cả các mô típ hoa văn đều xuất phát từ những gì gắn bó với cuộc sống thường ngày của người Pà Thẻn.
Một đơn nguyên duy nhất không dính dáng gì đến màu đỏ trên bộ váy áo Pà Thẻn đó là chiếc thắt lưng tơ hê to dài từ mét rưỡi đến hai mét. Thắt lưng có hai loại đen và trắng. Thắt lưng đen dùng thường ngày, thắt lưng trắng dùng trong ngày tết hoặc lễ hội.Trên mặt cả hai loại thắt lưng đều không thêu hoa văn, nó chỉ có ý nghĩa bó chặt thân áo cho gọn gàng trong sinh hoạt.
Đi liền với bộ áo váy Pà Thẻn là đồ trang sức. Những chiếc vòng bạc đeo tay và trên cổ luôn là vật không thể thiếu của người phụ nữ. Nó vừa để làm đẹp, vừa là tài sản quí giá khẳng định sự giàu có, danh giá. Có người đeo đến dăm bảy chiếc vòng. Nhiều phụ nữ còn thích bọc răng vàng- thường chỉ bọc một chiếc răng nanh thôi- để nụ cười thêm duyên đáng đáng yêu!
***
Trong nhóm ngôn ngữ Mông –Dao, người Mông và người Dao rất giàu có các kiểu thức hoa văn. Họ thêu thùa tỉ mẩn các chi tiết hoa văn với hòa sắc khá tinh tế từ cổ áo, tay áo vạt áo, thắt lưng, khăn đội đầu, chân quần, thân váy. Riêng người Pà Thẻn thì khác hẳn. Bộ váy áo của họ được làm theo phương thức chắp ghép vải kết hợp với thêu chỉ màu. Cách làm ấy không có ở người Mông- Dao. Các hoa văn trên thân váy và ngực áo được sắp xếp theo dải ngang, không đơn lập, mà xen kẽ giữa các màu trắng xanh vàng đen trên nền đỏ tươi, tạo nên một sắc thái khác biệt khiến người ta có thể nhận biết được từ xa. Các mảng miếng màu đều mang tính khái quát , các tiểu tiết hoa văn chỉ có tính phù trợ cho sắc đỏ vĩnh cửu – đó chính là sự khác biệt – khiến bộ sắc phục Pà Thẻn trở nên giàu chất biểu cảm, độc đáo và mang dấu ấn hiện đại nhất trong các bộ sắc phục của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
05/9/ 2007