Tản mạn mùa cưới

Doduc
Ở ta, mùa cưới thường vào khoảng cuối năm. Chẳng biết do thời tiết đẹp hay lý do gì mà sớm nay đứng bên sạp báo, thấy chủ sạp róng to như thông báo lại với xung quanh: Ngày mai chủ nhật tốt ngày 5 đám, không biết đi thế nào đây. Tôi buột miệng đùa, đám ma hay đám gì mà bức xúc thế ? thì bị phản công: phỉ phui cái mồm ông, người ta nói đám cưới chứ còn đám gì ở đây nữa.

Lại nhớ tuần trước đi ăn cưới con một ông bạn vong niên. Ông có ba thằng con trai, thằng cả gần bốn mươi. Nay mới xong thằng giữa. Ông thì râu tóc bạc rũ cả rồi, răng rơi một nửa lọm khọm đi giữa hàng quan khách cười tươi mà trông như mếu: “Ba lô cốt, mới công phá được một cái,còn hai đang lù lù ra kia! ” Tôi bảo xong một thằng rồi thì mọi việc sẽ thông thoáng ngay mà, rồi chúng sẽ lên xe hoa cả thôi…Nghe thế ông lại than thở tiếp,”vâng, xe đấy nhưng là xe bánh vuông, có xe nhưng bánh không lăn được. Ai đời cưới con trai mà người không biết lại tưởng mình đến đám cưới cháu cơ, hẹ hẹ!”
Thời nay không còn như thời xưa. Cái thời con trai con gái cứ nhấp nhỉnh hai chục là xong đoạn dựng vợ gả chồng. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Bây giờ chuyện ấy chỉ còn đọng lại ở nông thôn vùng sâu vùng xa. Thành phố bây giờ đám con trai còn mải lập nghiệp, lo kiếm tiền mua căn hộ, dư dả chút thì mới nghĩ chuyện vợ con. Con gái có tay nghề khá thì lửng con cá vàng đến 30, cái tuổi xưa toan về già thì bây giờ ở phố phường chúng vẫn phềnh phàng! Bây giờ là thời con đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy rồi!
Quê tôi ven nội, về ăn đám cưới bay giờ vẫn thế, vào mâm là chính, đôi khi chẳng biết mặt dâu rể mà chỉ gặp bố mẹ chúng gật đầu chào cái là xong. Đám cưới thành phố thì khách sạn dựng thành sân khấu, có người dẫn chương trình nói thạo đọc thạo những câu lục bát giống nhau như ở mọi đám, chỉ mất công tí chút ghép được tên dâu rể như lối ghép chữ lồng ở nhà quê trên phông đám cưới. Sau đấy là màn dâu rể trao nhẫn trong dáng vẻ mệt nhoài. Một ông bạn tếu táo vào tai tôi” ôi hệt khóc mướn đám ma, đám nào cũng giống đám nào”. Kể cũng đúng, một kịch bản giới thiêu hai họ, dâu rể chúc rượu bố mẹ thay cho việc quì lạy song thân, sau thêm tiết mục chồng li thành tháp rót sâm banh bốc khói. Có đám hiện đại thêm màn hôn nhau trước bàn dân thiên hạ như Tây, sau thì kèm pháo hoa phun và bắn hoa bùm bụp…Khách đến hãi nhất vẫn là việc ăn trong tiếng loa choang choang và âm nhạc xả loa hết cỡ. Công suất ấy chỉ hợp vói cánh thanh niên… Đúng là đám cưới trình diễn thời kinh tế thị trường có khác. Nên nếu là đám thông thừng thì đến gửi phong bì chúc mừng trước, chỉ thân tình lắm mới đi để chịu tra tấn thôi, hu hu…
Hỏi về chuyện tổ chức đám cưới như thế, hầu hết các bậc phụ huynh đều lắc đầu ngán ngẩm rằng bày vẽ quá ầm ĩ, không thích. Có vị còn tự chê là có cái gì đó quá lố, nhưng rồi lại mệt mỏi chậc lưỡi bảo,thôi thì nhà hàng vẽ sao thì mình theo thế, miễn là có cục tiền trao gọn, không phải mó tay vào việc gì là tốt rồi.
Từ chuyện đám cưới mới thấy đúng là dân mình quen sống theo sự sắp đặt sẵn, ngại nghĩ. Mọi việc đã có tiền nghĩ cho, mình thì ki cóp tiền trả cho cái nghĩ ấy dù cũng chưa hợp với mình. Cốt là cho xong việc. Hẳn nào mà sự phát triển văn hóa trong cuộc sống cứ chầm chậm, chầm chậm, dù vẻ ngoài tưởng như đang có thay đổi lớn.2014