Nhớ

( Viết sau ngày giỗ mẹ)
Doduc
Ở đời có những chuyện chỉ gặp một lần mà nhớ mãi không quên.
Câu chuyện thời học vỡ lòng tôi đã từng có lần kể trong một bài viết. Ngày giáp tết, bố bảo cầm bánh thuốc lào Vĩnh Bảo bọc lá chuối khô và một chai rượu sang biếu ông Giáo Nhâm. Ông là giáo làng, người khai tâm chữ nghĩa cho tôi .
Tôi nhanh nhảu ôm đồ lễ sang nhà ông giáo… Nhận quà biếu xong, bỗng thấy ông cầm cái roi mây lên dứ dứ: Về mặc quần vào! Lúc ấy tôi giật mình hóa mình cởi truồng.
Những năm ấy, nông thôn nghèo lắm. Cả năm vào dịp tết mẹ mới may bộ quần áo mới, có chiếc quần dài, còn quanh năm quần cộc hoặc cởi truồng! Câu thành ngữ “Gìa bát canh, trẻ manh áo mới” với lứa tuổi lớn lên trong cách mạng, chẳng ai quên, giờ nhắc lại vẫn cay sống mũi vì cái nghèo.
Lúc sang học cấp hai, lớp 5, từ nhà đến trường xa 5 cây số. Cả đi về chục cây một ngày với cặp chân ngắn tũn. Nhiều hôm mệt nhão người. Tuổi ăn tuổi học, ăn xong một giờ là đã thấy đói. Một hôm như thế, tôi đi về trong cái nắng oi lả lướt. Bỗng có tiếng lọc xọc phía sau, rồi giọng cất lên : lên xe tao đèo về. Tôi ngước mắt lên nhận ra ông Khánh, bạn của bố người ở xóm Đồng Giữa với chiếc xe đạp cà tàng. Tôi được ông giúp ngồi lên pooc ba ga, chỉ thoáng cái đã thấy đến nhà! Nếu quải bộ, chắc chắn mất cả tiếng đồng hồ nữa. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy giá trị của phương tiên đỡ chân con người tuyệt vời như thế nào. Có lẽ cảm giác của tôi khi ngồi sau xe ông Khánh còn sung sướng hơn Phạm Tuân ngồi sau Go rơ bát cô bay vào vũ trụ.
Đấy là vào khoảng năm 1956 . Có lần thày hiệu trưởng Đỗ Như Hiện kể chuyện phố huyện. Thày bảo, cả thị trấn huyện có mỗi nhà ông Phúc kẹo là có chiếc xe đạp đầu tiên.
Những năm ấy cũng lần đầu được nghe đài tiếng nói Việt Nam trên hội trường Uỷ ban Huyện. Đài được chạy bằng điện lấy ra từ chiếc đèn treo có bầu giống núi khế, thắp bằng dầu hỏa.
Rồi hết cấp ba năm 1964, thi tốt nghiệp xong về nhà đi cày. Năm 1966 bắt đầu thoát ly đồng ruộng đi học trung cấp mĩ thuật. Trước ngày đi, anh rể cho miếng vải caki để may chiếc quần âu đầu tiên trong đời. Anh là công nhân nhà máy Gang thép Thái nguyên, ăn gạo phiếu và có phiếu vải 5 mét. Trước đó chỉ mặt quần áo vải chúp bâu ( còn gọi là vải vuông, dệt tay, khổ 40 phân, thành tấm dài) nhuộm nâu, nhấn vỏ só.
Một lần từ trường sơ tán trong Khe Mo ra cửa hàng gạo Đồng Bẩm vác gạo tiêu chuẩn hàng tháng. Việc đó học sinh tự phải làm. Chờ lấy gạo, đang lúc đói tôi ghé vào hàng phở định mua bát phở “không người lái”giá ba hào. ( phở không có thịt)
Bỗng có người gọi tôi: có phải cậu Đức không? Tôi nhận ra ngay thày Khánh, thày dạy tôi hồi lớp ba. Hóa ra thày chuyển về dạy trường Đồng Bẩm, còn vợ thày là nhân viên bán phở mậu dịch. Thầy gọi tôi vào nhà. Một lúc sau vợ thày bê vào hai bát phở. Có lẽ đấy là bát phở to nhất trong đời tôi lần đầu thấy. Nó đầy ú hụ và được đắp đến 1/3 là thịt sỏ. Thày đãi tôi đích đáng! Lần đầu trong đời ăn bát phở ngon đến thế. Sau này về Hà Nội ăn phở xếp hàng phố Bát Đàn, phở Tư lùn phố Hai Bà cũng chẳng thấy ngon như vậy.
Với mẹ, tôi có bốn kỉ niệm để nhớ, mà có nhẽ sẽ nhớ suốt đời
Kỉ niệm một : chắt bóp từng xu
hồi năm bảy tuổi, có lần được mẹ cho theo đi chợ. Rau muốn bán hào hai một mớ, người ta trả hào mốt, bà vẫn không bán, bảo đúng hào hai xu, không nói thách đâu. Bà ấy bỏ đi, tôi bảo mẹ: hào mốt bán được rồi, sao mẹ không bán. Mẹ nín lặng, không nói gì. Tối đến , trong bữa ăn mẹ bảo, mẹ không bán hào mốt vì sao con biết không, có 9 xu, thiếu một xu không thành một hào đâu con ạ! Mãi sau này tôi mới hiểu sự chắt bóp từng xu nuôi cả gia đình là việc nặng nhọc với mẹ, khi kiếm tiền chỉ trông vào vườn rau muống.
Kỉ niệm 2: lời nói dối của mẹ
Đó là lần đi học sớm thấy một gói giấy nhỏ rơi trên đường. Tôi nhặt lên mở ra thì đó là gói tiền. Lúc ấy tôi chưa biết dùng tiền và không biết giá trị tiền thế nào. Tôi về khoe và đưa cho mẹ. Bà giở gói tiền ra đếm trước mặt tôi, rồi bảo, hơn bốn đồng rưỡi, tiền này bán cả gánh rau đấy con. Để mẹ đem trả người ta/ tôi thật thà bảo: biết ai mà trả? Mẹ bảo nhìn gói tiền mẹ biết là của ai rồi. Đây là của bà bạn hay đi chợ với mẹ.
Hôm sau đi chợ về, mẹ cho một tám mía, một cái bánh tẻ, bảo: trả tiền bà ấy mừng quá, khen con ngoan và bà mua quà gửi cho con đây này.
Tôi đinh ninh là thật. Sau này mẹ không bao giờ nhắc lại chuyện ấy. Nhưng lớn lên rồi mới dần hiểu bà đã dạy cho tôi bài học không tham lam, không dùng thứ không phải của mình, chứ làm sao biết được gói tiền của ai khi nó rơi trên đường.
Kỉ niệm 3: Tha thứ
Bà Xứng, một cố nông trong thôn là một láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau. Nhưng thời cải cách rưộng đất, bà được bắt rễ xâu chuỗi vào thành phần cốt cán. Bà ấy từ đó trở mặt và theo mớm lời từ đội cải cách lên đấu tố điêu ngoa, góp phần đưa nhà tôi vào thành phần bóc lột. Sau đó bà thường vênh vác nạt nộ theo tinh thần đừng để phú nông địa chủ ngóc đầu dậy. Ba năm sau, đến năm 1959 sửa sai, gia đình được giải oan, hạ thành phần, Bà ấy xấu hổ đi đâu cũng tránh mặt. Mẹ tôi chẳng nói gì. Đến khi bố chết, một lần tôi về quê ăn giỗ, thì thấy bà ngồi cùng mâm với mẹ bà mấy người bạn già ngang tuổi. Tan cuộc mọi người ra về, tôi hỏi mẹ: bà Xứng còn dám sang nhà ta ăn giỗ cơ à. Mẹ nín lặng, hồi lâu bảo tôi: Nhà mình có việc mời, người ta phải sang là muối mặt lắm rồi, là biết lỗi rồi, còn chấp gì nữa. Hàng xóm tắt lửa tối đèn con ạ. Với lại bà ấy vốn là người tốt, chỉ vì ngu nên bị người ta xui dại thôi con . Bỏ qua đi.
Tôi gai người, kẻ có học như tôi có khi không đối xử được nhân ái như mẹ.
Kỉ niệm 4: Không ăn của người khác
Lại có hàng xóm tên Bằng. Ông ấy cũng là cố nông một thời xưng hùng xưng bá, chửi bới tục tằn hơn cả đàn bà. Tôi nhớ một trưa hè phơi thóc thì đàn gà túa vào mổ thóc. Bố tôi cầm cây sào nứa lao vào giữa bầy gà. Chúng chạy tan tác. Không may có con gà trúng phải cây sào gẫy cổ giãy đành đạch. Bố đi ra nhặt con gà ném vào góc chuồng lợn rồi bảo trôi ngồi coi gà, ông đi ngủ.
Chiều, thức dậy ông lẳng lặng nhặt con gà xuống bếp đun nước vặt lông rồi chặt rang gừng thơm nức mũi. Tôi rỏ dãi nghĩ đến bữa ăn có thịt. Mâm cơm bày ra chỉ còn xới ra bát thì bên hàng xóm ông Bằng chửi mất gà, lão cứ chõ qua rào mà tru lên. Mẹ cảnh giác nhìn bố: Nhà thịt con gà nào? Bố nhìn đi chỗ khác giọng biết lỗi: nó vào sân thóc, tôi ném cái sào, chẳng may nó gãy cổ, có mang trả thì nó cũng chửi, mà bỏ thì tiếc…
Mẹ không nói gì, chỉ buông một câu: Ai ăn thì ăn, tôi không ăn không ăn hỏn của người khác.
Câu nói đó đóng đinh vào đầu tôi cho đến tnj bây giờ.
Những kỉ niệm không quên đó nó vào đầu tôi tự nhiên và không dứt ra được.
Năm tháng trôi qua, bao nhiêu sự kiện thay đổi cuộc sống nhưng những kỉ niệm không quên đó như hành trang đeo sát bên người chẳng bao giờ rời. Nhất là những kỉ niệm về mẹ nó như cái barie chặn lại những ý nghĩ đen tối khi nó chớm xuất hiện.
Có lẽ cũng vì cuộc đời tự chéo chống chẳng bờ vịn ai, hai tay làm lấy cái ăn đưa lên miệng nên tôi hay nói thẳng , thấy gì nói luôn ngay cả với thủ trưởng của mình hồi công tác. Tôi chẳng giấu gì sau lưng, chẳng hiểm ác với ai được.
Có ai như tôi không nhỉ? Với những cái nhớ không bao giờ quên ???
29/11/2017