Đỗ Đức
Năm Vàng Thị Sính được tuyển về làm phát thanh viên tiếng Mông ở Đài, chị mới ở tuổi mười sáu, đang học dở lớp tám trường vùng cao. Ở Lao Chải quê chị, tuổi mười sáu là tuổi lấy chồng. Con gái Mông ở tuổi đó đã rất thạo se lanh dệt vải, nhuộm chàm in sáp. Chị được gửi đi học sớm vì bố mẹ nghe vận động học chữ để tiến bộ, để biết nhiều cách làm ăn. Thế là chị bỏ vườn lanh trồng dở, để lại sợi lanh tước dở trong lòng quẩy tấu cho các anh chị, ra học ở tỉnh. Lúc ấy cán bộ dân tộc có nhiều chữ rất hiếm hoi, chỉ lớp tám đã là của quí, nên còn đang học, Đài đã tuyển dụng đi làm việc. Trên bảo đi thì đi, làm cán bộ cũng tốt. Thế là chỉ sau tờ quyết định, Sính được biên chế về Đài làm việc thành cán bộ luôn.
Sau một thời gian không dài lắm đào tạo tại chỗ, Sính đã trở thành phát thanh viên chính thức, thành thạo với công việc mới. Rồi chị lấy chồng thị xã, sinh con và trở thành người của phố phường. Tuổi trẻ hoà nhập rất nhanh. Như mọi phụ nữ khác, chị cũng quần phăng áo hoa, khi váy ngắn, lúc áo dài, đầu tóc lúc duỗi, lúc sấy, lúc cắt ngắn, lúc để dài cuốn búp cầu kỳ. Chị như bông hoa cố khoe đủ sắc, hoà hẳn vào dòng người thị thành. Nếp sống ở đô thị đã đi vào người Sính từ hình thức đến nội dung. Có lẽ Sính chỉ còn một phần rất nhỏ chất người Mông trong mỗi lần nghỉ phép về thăm quê Lao Chải. Mà việc đó cũng đâu có đều đặn hằng năm.
Lần này Sính về dài ngày. Không phải đi nghỉ phép mà là trên quê có việc hiếu. Gặp chị lúc trở về tôi mới biết mẹ chị đã ra đi vì tuổi già. Chưa kịp nói lời chia buồn chị đã rơm rớm nước mắt “Sắp đến tuổi hưu, lần này về làm ma cho mẹ thấy bộ váy áo lanh bà ngoại đưa cho mẹ ngày đi lấy chồng được đem ra để khâm liệm em mới giật mình xót xa thương bà, thương mẹ và còn tự thương mình nữa…”
Chuyện của Sính lại làm tôi chợt nhớ tới ngày cưới chị ở cơ quan. Tiệc cưới ấy tôi được dự. Đám cưới đời sống mới do công đoàn cơ quan đứng ra tổ chức có đủ hoa đủ kẹo, thủ trưởng cơ quan làm chủ hôn. Họ hàng hai bên đều như khách mời, không có nghi lễ gì giữa hai họ, dâu rể không cần lễ bái. Chúng tôi thấy vui, còn Sính cho thế là mới mẻ, gon nhẹ không phức tạp rầy rà như cách thức cưới ở bản. Đến nay thời gian đã lùi xa vài bốn chục năm, từ cô gái ngây thơ Sính đã thành bà mẹ chững chạc, mái tóc mỏng đi điểm đôi sợi bạc. Tôi trôi theo dòng tâm sự của chị “liệu tôi có còn là người Mông không nhỉ. Là người Mông mà không biết trồng lanh, tước lanh, se lanh, dệt vải, không biết nhuộm chàm in sáp… Đến cả bộ áo váy để về với tổ tiên cũng không có trong hòm…”. Tôi chưa biết cất lời thế nào để an ủi thì chị lại tiếp “Anh không hiểu người Mông chúng tôi đâu. Anh đã nghe câu hát này chưa: đói đến chết cũng không ăn thóc giống/ Rách cũng phải có tấm áo lanh mặc lúc chết. Đấy, tổ tiên tôi bảo thế. Không có váy lanh áo lanh mặc lúc chết thì hồn người Mông sẽ lạc mất tổ tiên. Giờ tôi mới thấy buồn vì không được mẹ trao cho bộ váy áo lanh trong ngày cưới như phong tục…”
Tôi ngồi lặng bên chị. Ngoài kia phố xá ồn ào, tiếng nhạc i eo vang vọng mà ở đây không gian đóng băng. Tuổi trẻ đã qua đi, những vất vả đời thường đã lùi về phía sau. Tất cả Sính đã vượt qua không suy tính. Nhưng hôm nay, sau ngày trở về Lao Chải, trong lòng chị lại thức dậy những tín điều tưởng như đã vuột mất từ bao giờ. Hóa ra trong mỗi con người, hồn quê luôn chiếm giữ một vị trí thiêng liêng, chỉ không biết nó sẽ thức dậy vào lúc nào…Ngày 22.12.2003