Hương bồ kết

Doduc
Nông thôn xưa có thứ nước gội đầu trên mọi thứ dầu gội công nghiệp hiện nay, đó là nồi nước gội bồ kết. Bồ kết  nướng vài quả, bẻ ra cho vào nồi cùng cỏ mằn trầu, vài mảnh vỏ bưởi hoặc nắm lá bưởi tươi. Gội đầu nước bồ kết cho mùi hương thơm đồng quê, thoang thoảng như thi vị mùi con gái, mát lành chứ không gắt gao như một số nước hoa thời nay. Khi không có lá bưởi, vỏ bưởi thì người ta thay bằng nắm lá sả, hoặc lá cứt lợn, hương xả bồ kết còn ngạt ngào hơn. Người nhà quê ai cũng biết cỏ mằn trầu thì dưỡng tóc, làm tóc xanh mượt, chân tóc chắc mà không dễ gãy rụng và khô xác .
Bà Các, người xóm tôi lúc tuổi mười tám mỗi khi gội đầu xong hong tóc phải đứng lên ghế đẩu mà đuôi tóc vẫn chạm mặt sân. Cả xóm ai cũng trầm trồ với mái tóc đen nhánh hạt na và dài trong trí nhớ mọi người! Bà Các mất đi ở tuổi gần chin mươi nhưng mái tóc xanh thời con gái của bà  vẫn sống trong câu chuyện của những lớp người sau chưa dứt. Cũng bởi người thôn quê ít dịp giao du, cũng chẳng sẵn tiền mà mua đồ kịp thời đại, vẫn chỉ quen dùng những thứ có quanh mình, trên mảnh vườn nhà nên lưu giữ  những câu chuyện xóm làng như giữ đồ cổ để bây giờ mới có người còn biết. Lứa con cháu chúng tôi ở thành thị thì nước gội bồ kết với chúng chẳng để lại ấn tượng gì, chỉ như thứ chuyện cổ tích nhợt nhạt so với những tranh truyện hành động sắc sảo của Tây Tàu!…
Thời chưa có xà phòng nước bồ kết còn dùng để giặt đồ len dạ. Thuở ấy , nước bồ kết là thứ nước tẩy hàng đầu. Một chậu nước bồ kết âm ấm, áo len hay dạ ngâm xuống, để chừng nửa giờ đồng hồ rồi bóp xúc một lúc, chậu nước đục ngầu, bao nghiêu cặn bẩn bám vào kẽ áo thôi bằng sạch. Ngoài đồ len dạ, thì giặt rũ bất cứ áo quần gì bằng nước bồ kết cũng đều sạch sẽ thơm tho thế cả. Nông thôn xưa bồ kết là nguyên liệu số một dùng để tấy uế và xua đuổi ám khí. Đốt bồ kết cho ấm nhà , lùa sạch tà khí mà lại không độc hại. Liệu có gì thân thiện với môi trường hơn quả bồ kết.
Chỉ khi không có bồ kết người ta mới phải dùng bồ hòn. Nhưng bồ hòn thì chỉ dùng để giặt rũ chứ không đa năng như bồ kết.
Cả tuổi thơ tôi sống trong hương bồ kết mỗi khi mẹ và các chị gái gội đầu sấy tóc. Mà sao thuở ấy thấy ít người bị gàu bám da đầu. Phải chăng bồ kết là thứ tẩy rửa mạnh nên gàu không thể sinh sôi?
Sở dĩ nhớ lại câu chuyện nước gội đầu bồ kết ở quê một thời vì mới đây tôi được nghe chuyện Sài gòn có người phụ nữ đã sáng kiến sản xuất nước bồ kết cô đặc mà cạnh tranh được với các loại dầu gội đầu công nghiệp đang tràn ngập khắp đất nước. Một cân bồ kết khô nướng xém rồi cho vào nồi, ninh bốn giờ đồng hồ, mười lít nước còn năm lít đóng chai. Nước bồ kết cô đặc ban đầu chỉ bán cho người xung quanh. Rồi câu chuyên thứ nước gội hiền hòa với môi trường được mọi người biết đến đã gây cảm hứng cho một số những người tuổi trẻ. Họ biết dùng nó không chỉ nước gội bồ kết thân thiện với môi trường mà có còn cứu lấy mái tóc xanh cho phụ nữ! Vâng, một nồi nước với nắm xả hoặc nắm lá cứt lợn hay lá bưởi đun sôi để ấm rồi chiết xuống một cốc nước bồ kết đã qua chưng đặc thế là có nồi luôn chậu nước gội đầu thơm tho tinh khiết đượm hương vị quê hương.
Dù câu chuyện nước bồ kết cô đặc đóng chai giữa một Sài gòn rộng lớn đang chỉ là đốm cháy nhỏ, nhưng tôi mơ ước ngày nào đó nước bồ kết chưng đặc đóng chai được thành một thương hiệu trên toàn cõi và xuất ra nước ngoài! Sao lại không thể nhỉ, hương bồ kết quê ta tuyệt lắm! 17/8/2017