Trọn đời thành đạt
Tên anh là Lu. Nhưng nhắc đến anh người ta gọi là Lu táu. Đó là biệt danh, người ta gọi anh thế ví cái thói quen ăn nói láu táu. Một thời ở cơ quan, anh là cái loa di dộng, một nhà điểm tin thời sự sốt dẻo từ tin thế giới động trời đến tin chó chết ở đầu đường cuối xóm.
Bạn bè một thời còn nhớ mãi câu nói quen mồm của anh “Một ngày không đọc báo Đảng (ý nói là báo Nhân Dân) là ăn không ngon ngủ không yên”. Giá câu nói đó của một bí thư hay chức sắc gì đấy thì sức loan tỏa sẽ mạnh mẽ vô cùng. Nhưng tiếc thay anh lại chỉ là anh nhân viên hành chính quèn, còn cách xa người cảm tình Đảng cả tầm tay với, nên nghe xong người ta chỉ mỉm cười. Vì một lẽ thời trai trẻ, anh có đận mấy tháng xỏ nhầm giầy. Cũng chẳng làm sao được vì ở vùng tề, trai tráng đến tuổi là bị bắt đi lính. Cái dáng cò hương dặt dẹo của anh khi khoác bộ lính dõng thì vẫn như con cà cưỡng lên cạn, nào làm được gì đâu. Nghe bảo có một lần đi càn cùng đám lính lê dương, anh nổ một phát súng duy nhất trong đời cày nát mặt đất trước mặt ba mét vì súng cướp cò khi trượt ngã. Vì tiếng súng báo động ấy một cơ sở cách mạng được cứu thoát. Sau này truy nguyên, phát súng của anh được đánh giá cao, được tính giá trị ngang chiếc mề đay công trạng. Chỉ sau này trong cuộc rượu say bí tỉ, Lu Táu nói ra mới biết phát đạn là do súng cướp cò. Còn trước đó, khi được ca ngợi vì lòng dũng cảm không quản ngại cái chết để đánh động cho cơ sở bí mật của Việt Minh, anh cứ ậm ờ để mọi người hiểu là mình như một điệp viên ngầm…
Nhưng chuyện ấy chỉ là ghi công trên miệng. “Khẩu thiệt vô bằng” (miệng lưỡi không có bằng cớ), ai mà tin mãi nếu không có cái giấy chứng nhận. Hòa bình lập lại, đi xin việc Lu Táu khổ vì cái đận ba tháng xỏ nhầm giầy và người ta lại quên mất công trạng của phát đạn cướp cò. Nhưng rồi cũng may là chị gái của anh ta xinh xắn, lấy được một ông cốp. Thế là có cửa xin việc. Đi làm rồi, vẫn có người xói móc sau lưng là đồ Việt gian bán nước. Chuyện có đến tai, Lu coi như không biết. Anh chỉ còn biết dốc sức cho công việc.
Cái tính láu táu lại có dịp phát huy thời công sở. Hồi ấy điện thoại chưa quay số tự động như ngày nay mà phải qua tổng đài với loại máy từ thạch quay như quay maniven ô tô nhưng không phải ai cũng thạo.Thế là Lu táu được thể phát huy năng lực. Cứ thấy ai đến gần máy điện thoại là anh đã nhanh tay quay trước cho, bất kể là ai, rồi phía tổng đài trả lời thì anh trao máy cho người ấy. Anh nghiện điện thoại như trẻ con ngày nay nghiện chơi gêm. Có lúc chẳng có việc gì, anh cũng lảng vảng cạnh cái máy. Rồi bất chơt vồ lấy điện thoại quay cho một người quen với một câu muôn thuở: Có việc gì mới không? Chẳng biết đầu bên kia người ta nói gì, chỉ thấy anh lắng nghe tí rồi tiu nghỉu cúp máy. Nỗi đam mê điện thoại bám lấy anh anh suốt cả cuộc đời.
Anh sung sướng vì rồi người ta cũng bầu anh vào Ban chấp hành công đoàn. Chức thư kí chưa đến tay vì chưa là Đảng viên, anh chỉ là ủy viên để sai vặt thôi. Nhưng như thế cũng là mãn nguyện. Anh xăng xái đủ thứ việc thư kí giao cho dù chỉ là giao liên hơn là giải quyết việc cụ thể. Vì văn hóa chỉ đạt trình độ đọc thông viết thạo nên công việc cũng chỉ dưa cà mắm muối, không được giao việc gì ra hồn. Anh mài đít miết ở ngạch hành chính lôm nhôm. Chẳng bao giờ có khuyết điểm hay ưu điểm nổi trội, nhưng gọn ghẽ một đời công tác hơn bất cứ tay có học nào. Mới đây được biết anh đã về hưu. Hôm rồi tôi bất chợt bắt gặp anh ở ngoài đường, thấy khoe luôn: “Trước khi về hưu mình được kết nạp. Bây giờ về sinh hoạt Đảng ở tổ hưu cũng vui. Vẫn đóng góp ý kiến thường xuyên”
Tôi cười chúc mừng anh: Vâng thế là trọn đời thành đạt. 28/2/2009