Tha thứ
1 – Chuyện của tôi
Thời kháng Pháp
Năm tôi 10 tuổi, lúc chiến dịch Điện Biên sắp kết thúc, đi chăn trâu giữa đồng không mông quạnh, tôi bị một máy bay khu trục của Pháp trên đường từ Tuyên quang bay về, sà xuống đuổi theo và xả một băng đum đum. Con trâu lồng lên, đạn bắn chiu chíu, nước ruộng tung tóe, các- tút đạn rơi lõm bõm, sắc- sờ văng xoèn xoet. Rồi chiếc phóng pháo ngóc đầu vút thẳng về phía núi Pháo, không cần biết kết quả.
Số chưa hết, nên tôi không hề hấn gì chỉ một phen hú vía, . Con trâu cũng vô sự, chỉ hoảng hốt nhất thời.
Năm 2004 sang Bordeaux trong một chuyến trao đổi nghệ thuật, tôi kể chuyện ấy cho những người bạn Pháp trong buổi tọa đàm. Một vị giáo sư Đại học Bordeaux cười cười, nói : Phi công Pháp lái khu trục ít khi bắn trượt, chắc anh ta trẻ tuổi, và nghĩ về tương lai nước Pháp nên cố ý không bắn trúng anh, để hôm nay anh có mặt ở đây với chúng tôi trò chuyện…
Mọi người cùng cười, tôi cũng cười, tiếng cười giữa tôi và họ hòa làm một, không thấy ranh giới.
Thời chống Mỹ
Năm 1972, trên đường từ tòa soạn báo đem ma két đi nhà in. Mọi lần đến gốc cây sui già bên đường từ Vân Hữu đi Phú Lương tôi thường nghỉ chân . Hôm đó vừa đi vừa nghĩ chuyện gì không rõ, đạp xe qua mà quên không dừng nghỉ . Bỗng từ phía Tây gầm gào, ba chiệc Thần Sấm xuất hiện đột ngột. Một chiếc tách ra, nghe xoẹt xoẹt, dưới bụng chiếc máy bay lóe sáng. Thì ra đó là tiếng rít của hai quả tên lửa “ Rắn đuôi kêu”được phóng ra rít lên, bay qua đầu tôi và tuiếp đó là hai tiếng nổ đoành đoành. Phía xa một đụn khói bốc lên…
Hôm sau quay về, chỗ tôi hay ngồi nghỉ tránh nắng, hai quả rốc két khoét lên hai hố sâu. Nếu cứ thói quen nghỉ chân ở đấy thì hôm nay tôi không ngồi viết được những dòng này.
Tôi không quên chuyện này, nhưng cũng không thấy gì quá nghiêm trọng dù suýt mất mạng. Đó là chiến tranh mà…
3 – Chuyện của bạn
Nhà báo Nguyễn Thông, bạn tôi viết “Nhắc chuyện Tào Tháo. Sau khi bắt được Trần Lâm, quân sĩ đưa Lâm vào cho Tháo hạch tội. Tháo mắng, thằng hủ nho kia, mày tha hồ chửi tao, nhưng sao mày lôi cả tổ tiên ông cha tao ra, phải băm vằm mày ra cũng chưa đủ hả giận. Lâm nói thừa tướng trận mạc đã nhiều, thừa biết người lính trong chiến tranh, nhất lại là kẻ bề tôi, như mũi tên đã đặt lên cung, chả thể khác được. Tháo cười, tha cho Lâm.”( trích)
4 – Chuyện của Mẹ
Sau chiến thắng Điện biên, vùng quê Đại Từ, Thái Nguyên từ lâu đã là “ vùng tự do” . Đó là vùng đất Việt Minh kiểm soát. Đến năm 1956, Cải cách ruông đất, đội cải cách có cố vấn Tàu về phân loại dân tìm “cốt cán” .
Chỉ sau một tháng thậm thụt “ bắt rễ xâu chuỗi” những người nghèo nhất gọi là cố nông, xây dựng lực lượng cốt cán. Mục tiêu là tìm đủ số phần trăm phú nông địa chủ.
Bà X hàng xóm tốt của gia đỉnh tôi được vào danh sách cốt cán. Cốt cán có trách nhiệm lên tiếng đấu tố tìm ra địa chủ. Và bây giờ thì bà nhìn gia đình tôi với con mắt thù địch vì có đời sống khá hơn. Đang là hàng xóm tử tế thì giờ bà giở mặt, gọi bố mẹ tôi là thằng nọ con kia. Bà nhớ lại một lần chồng bà sang nhà tôi xúc trộm thóc. Đến lần thứ hai thì bắt được , phải đổ lại thóc vào cót . Không đòi lại thúng thóc trộm hôm trước, thế mà bà tố: đói qua, lấy có thế mà nhà nó bắt đền cả gánh thóc làm cho hai đứa con tôi chết đói ( bà có mất hai người con thật, một chị bị sốt bệnh, còn một anh con giai, xấp xỉ chín mười tuổi , ngồi trên lưng trâu bị ngã xuống sừng, con trâu lắc đầu hất xuống thì bị xiên vào cọc chết). Ấy thế mà bằng đủ mọi cách đấu tố điêu toa bịa thêm chuyện cho lâm ly để đưa được gia đình tôi lên thành phần Phú nông, nghĩa là thành phần bóc lột tàn ác mới hả. Và họ đã thành công vì lúc đó những nhà bị quy là bóc lột không có quyền cãi!
Sau ba năm kiện cáo kêu oan, thì năm 1959 được sửa sai, được hạ thành phần, thoát khỏi vị trí “bóc lột”. Tất nhiên từ đấy bà X. xấu hổ, đi đường bà luôn tìm cách tránh mặt.
Rồi bố tôi mất trước ngày thống nhất
Tôi đi học, thoát ly gia đình. Một lần về nhà giỗ bố, tôi về, phát hiện ra bà X. đang ngồi trong mâm cỗ hỉ hả chuyện trò với xung quanh, khi về còn lấy phần cho cháu. Để bà qua khỏi cổng tôi hỏi mẹ:
-Giờ bà X còn dám vác mặt sang nhà ta hả mẹ?
Mẹ nhìn tôi giây lát với vẻ mặt đượm buồn:
-Ờ thì nhà mình có việc, mình mời, người ta đã sang là muối mặt lắm rồi, còn trách cứ gì nữa.
Mẹ nói tiếp
– Với lại, bà ấy cũng là người tốt, chỉ vì ngu, bị người ta xui dại mới thành ra thế con ạ.
Làng quê đối xử với nhau như thế đấy.
Mẹ tôi không biết chữ, bà sống hơn một thế kỉ, 104 tuổi mới mất. Bà từng biết khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1930, nạn chết đói 1945, rồi tiêu thổ kháng chiến 1946 và cái thời “ Mỗi người một cuộn dây thừng, một cái gậy đi bắt Việt gian” giết người như ngóe. Rồi Cải cách ruộng đất, chiến tranh leo thang của Mĩ và gần bốn mươi năm yên hàn xây dựng “chủ nghĩa xã hội”… Nó tóm lại mẹ sống qua ngũ hành, được tao luyện trong chảo lửa của một kiếp người lao động chân tay, không có tí lộc nước nào ngoài việc làm hai tay lấy cái đưa lên miệng.
Hôm nay nghe câu chuyện người ta phản đối việc Cựu binh Mĩ, cựu thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey được cử giữ cương vị chủ tịch hội đồng quản trị trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) cơ sở giáo dục 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động không vì lợi nhuận sắp được khai trương, khiến tôi lại nhớ chuyện về mẹ với câu nói tha thứ tuyệt vời của người không biết chữ và rất ít kinh nghiệm ngoại giao : “Ờ thì nhà mình có việc mời, người ta đã sang là muối mặt lắm rồi, còn trách cứ gì nữa.”
Bà đã xử với thù hận như thế đấy.
Ông ta có thể có việc ở chỗ khác, nhưng giờ dám quay về nhận việc ở nơi thời trẻ mình đã gây tội ác để làm việc, đó là sự đối diện khắc nghiệt của con người dũng cảm để có cơ hội sửa sai cho những gì mà tuổi trẻ đã phạm phải.
Ông Bob Kerrey viết thế này : “Tôi đã xin lỗi người Việt về những gì tôi gây ra trong chiến tranh và giờ tôi xin lỗi lại một lần nữa. Một cách chân thành và cùng những nỗi đau của ký ức mãi mãi ám ảnh, tôi xin lỗi những người mà tôi đã gây hại tới.”
“… Những đau đớn và chịu đựng tôi gây ra vào năm 1969 sẽ không bao giờ biến mất. Nó sẽ không chấm dứt chỉ vì tôi xin lỗi. Nhưng có trốn chạy, bằng việc tránh né Việt Nam hay tránh né người Việt, thì nó cũng sẽ không mất đi. Chúng ta đang tạo dựng hoà bình và điều này đồng nghĩa với việc đối mặt với nó một cách thẳng thắn giống như chúng ta đối mặt với tương lai.”
Thế mà vẫn còn những người không chịu hiểu, vẫn muốn tiếp tục nuôi hận thù !
Sao suy nghĩ của người thất học như mẹ tôi lại sâu sắc đến thế nhỉ. Tôi từng lăn lộn cả đời kiếm sống mà cảm thấy suy nghĩ không bao giờ được sâu sắc như mẹ. 2/6/2016 .