Canh nông thôn

doduc
Ông bác trên quê vừa xuống chơi mấy ngày. Ông là chủ tịch hội cựu chiến binh của huyện, mới về nghỉ nên có thời gian rong chơi đó đây.

Thăm thú vài nơi, kêu ăn cái gì cũng chán, nói muốn ăn một bát canh tập tàng nấu tôm, chả biết có không. Tôi cười bảo: Tưởng bác đòi cao lương mĩ vị, chứ rau tập tàng thì thiếu gì. Ông có vẻ ngạc nhiên, giữa thủ đô lấy đâu ra rau tập tàng nhỉ.
Chợ nào không biết chứ cái chợ cửa khẩu ven đê sông Hồng này sáng nào cũng có vài bà bán rau tập tàng. Phần lớn người bán cũng cũ kĩ y như tên của món rau này.
Rau rệu, rau sam, thòn bót, dền cơm, rau muối…một đội quân nông dân nằm trong rổ rau tập tàng. Không nghe cái tên rau nào cho ra thành thị.Vài con tôm khô giã nhỏ bung lấy tí nước ngọt, thả rau xuống là thành bát canh nông thôn. Tên canh không sang,vị canh đậm đà không có gì đặc trưng. Chỉ là bát canh quê đẩy cơm cho nhanh, thế mà bác tôi khen mát, khen vị ngon khác hẳn những thứ lẩu lá giờ người ta chế biến nhồi vào đủ thứ. Một thứ tập tàng hổ lốn, tả-pí-lù thành thị không ra làm sao!.
Tôi nhìn bác, nghi ngờ. Sao người ta tìm kiếm cái ăn ngon, bác lại quay về thời nón mê váy đụp để khen cái thứ rau từ thời chưa có cách mạng này. Phải chăng bác giăng bẫy dò tìm ở tôi điều gì?
Hóa ra ông nói thật. Ông bảo bát canh quê nhưng đủ chất. Nó khiêm nhường vừa phải, không hoa hòe hoa sói, nó chân thành như người
nhà quê.
Rồi bỗng chuyển làn từ bát canh sang khoa học. Ông bảo canh tập tàng ngon vì có tôm là đạm dẫn đường cho bát canh thêm ngọt. Không cần đến sự dối trá của mì chính, lại có đủ vi ta min A, B C D trong các loại rau, đủ hàm lượng sắt kẽm, chất xơ cần cho cơ thể.
Gớm, thật lắm lời! Ông bác mình tưởng chỉ có biết súng với ống hóa ra còn quan tâm đến cả khoa học của bữa ăn!
Chưa hết, ông chốt hạ câu cuối cùng: Canh tập tàng ngon, nhưng kinh tế tập tàng của ta bây giờ thì đúng là nồi lẩu cháu ạ. Nó tả pí lù kinh khủng, chỉ thấy mùi nằng nặng, không ngon đâu.