Thói quen đổ lỗi

doduc
1 – Một bạn viết:
“Đứa trẻ còn nhỏ khi nó đi không cẩn thận bị vấp ngã, thay vì nói: con phải nhìn đường chứ và lần sau phải cẩn thận hơn… thì lại bảo: Đánh chừa đất này, đất không có mắt, không biết tránh cu Bi này…”
Đứa trẻ thấy có chỗ chịu lỗi làm nó ngã, bị đòn thì nó nguôi ngoai, thấy hể hả sung sướng và thôi không khóc nữa.
Còn ngàn vạn sự “sáng tạo” khác của các bà mẹ dỗ con luôn tìm cách chạy tội của con, quy tội cho kẻ khác, đẩy lỗi cho khách quan
Đấy là dạy cách đổ lỗi từ nhỏ.
Cái đó thấm vào đứa trẻ mau lắm. Nó tiếp tục diễn ra hàng ngày cho đến lúc thoát vòng tay bế ẵm.
Và tính xấu đổ lỗi cho người khác sẽ theo nó suốt đời, sẽ gây nên bao hệ lụy!!
2 – Còn đây là chuyện người lớn:
Tôi lớn lên sau ngày chiến thắng Điện biên năm 1954. Còn nhớ trong khá nhiều bài phát biểu trong các cuộc mít tinh và diễn văn trong hội nghị, những cái bị phê phán luôn được một chỗ đổ thừa là “ tàn dư của phong kiến đế quốc”.
Thực ra “ tàn dư của đế quốc phong kiến” nó có một phần trách nhiệm, nhưng không phải cái gì cũng “ tàn dư”. “Tàn dư” vô tình thành cái bãi rác khổng lồ để mọi sai trái bắt nó chịu tội .
Như một quy luật tất yếu” chúng khẩu đồng từ/ ông sư cũng chết”, nói mãi thì cái sai cũng thành đúng, để con người sống vùi trong tội lỗi mà cứ tưởng mình trong sạch!
Chưa hết
Bây giờ lại xuất hiện “thế lực thù địch” vu vơ để hứng lỗi cho những việc có vẻ như gây ra cản trở cho bộ máy vốn đang ì ạch, làm cho nó không được như ý muốn của cấp trên. Cái đó thực sự nguy hại khi con người không tự nhìn nhận lại mình,không nghiêm khắc với chính mình vì có chỗ đổ thừa rồi. Chuyện đó thực sự nguy hiểm lâu dài cho nền tảng một xã hội văn minh mặc dù chỉ đơn giản chối tí tội vặt của một hai cá nhân, và lớn hơn là của một tổ chức xã hội!
Thế là sai lầm dẫm chân lên sai lầm, con người không thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của chính mình!
Không biết căn bệnh đổ thừa ấy còn kéo dài đến bao giờ. Nó có từ trẻ con cho đến người già nên sâu gốc bền rễ lắm, không dễ gì sửa được một sớm một chiều!
3 – Phải thừa nhận một bộ phận không nhỏ dân ta có thói quen sống ỷ lại, sống dựa quen xin và thích nhìn túi người khác… Khi có việc gì không nhờ nhõi được người khác thì bắt đầu oán trách chê bai..Người mình bị bệnh đó cũng lâu quá rồi, mà số lượng cũng khá nhiều dù mức độ nặng nhẹ khác nhau. Quốc gia cũng mắc bệnh này, mắc cũng nặng ra phết! Chúng ta ghét Tàu, khinh Nga, chửi Mỹ, chê Nhật…Nhưng rất hiếm người biết ghét, khinh, chê chửi bản thân mình…vì chưa bao giờ tự vấn mình để nhận ra mình vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân. Mà lúc nào cũng chỉ nghĩ mình là nạn nhân!
Muốn thay đổi đi lên, con người phải bước qua chính mình. Nhận ra chính mình là lực cản lớn nhất. Lực cản đó là sự ích kỉ, sự thiếu hiểu biết thiếu sự chia sẻ và cả thiếu lòng nhân ái.
Hiểu được điều đó con người sẽ thấy nhẹ nhõm hơn và thay đổi sẽ nhanh hơn. Nhưng thực sự là việc vô cùng khó! 16/3/2016