Bão

Doduc
Tiền. Ở đời ai cũng cần tiền , Nhưng có thời tiền hiếm như vàng. Tôi lớn lên vào thời đó…là những năm sau ngày giải phóng Điện biên đến những năm sáu mươi, bảy mươi thế kỉ trước
Thời gian ấy, tiền hiếm đến mức người ta thôi ước mơ có tiền. Căn bản lúc đó chưa có cuộc sống thương mại. Cả nước với chính sách cấm vận buôn bán, người dân quay về sống tự cấp tự túc như thời tiền sử.
Chẳng có gì phát triển được. Rau muống ăn còn thiếu! Từ Thái nguyên về Hà Nội, trạm thuế đầu cầu Đa Phúc đứng như cái bốt gác chặn ngang đường, khám xét bất kì ai đi qua trông nghi nghi mang hàng cấm bất kì đi bộ hay đi xe đạp. Ai mang theo trong hành lý xách tay chỉ nửa cân chè là cũng tịch thu. Bố tôi bảo mỗi lần về quê dắt cái xe đạp qua cầu tao thấy gai cả người, như thằng ăn trộm đang bị dò xét. Mà bố là người ngang tàng chẳng biết sợ ai.
Không hiểu sao ngày ấy có những chính sách cưa chân chặt tay mình kinh như thế mà cứ tồn tại cả thập kỉ.
Rồi đất nước thống nhất. Những chính sách ngăn sông cấm chợ dần được cởi bỏ, cuộc sống ửng dần màu hồng . Nhưng cũng chậm lắm , thời xin cho , cấm vô lối đó kéo dài đến hôm nay xem ra vẫn chưa nguội . Cái cơ chế quản lý xin cho cấm đoán tạo ra mấy thế hệ ảo tưởng về quyền lực, tai hại đến sự phát triển vô kể.
Những năm sau đó công tác đi núi triền miên, tôi thấy người dân tự tại với ngọn rau quả bí, con gà con lợn , mớ tép bát canh cua đồng tự chế ra… cũng không thấy ai sốt vì tiền. Áo quần che kín thân là được, không mốt miệc cầu kì. Cả một thời tem phiếu cho đám công chức: đàn bà ô lụa, đàn ông ô ca ki , con người thành dễ tính và kém đi ước mơ , dù chỉ là mơ ăn ngon mặc đẹp.
Nhưng mới đây, chuyến đi núi ngắn hai ngày qua vùng Bá thước Thanh Hóa sau mười năm nghỉ hưu, bỗng nhiên tôi thấy một tâm thái khác hẳn.
Tôi gặp bốn người, trong câu chuyện đều dính đến tiền
Người thứ nhất là một bác già người Thái đen ở bản ven đường. Trong câu chuyện được biết một phần dân bản đã di thực vào Gia Lai làm hồ tiêu và trồng điều, cho có tiền. Ông bảo tôi: “ cơn gạo không thiếu, làm đủ ăn no, nhưng không biết lầm gì để kiếm ra tiền nên nhiều người bỏ đi…”. Tôi nhìn lên căn nhà ông kế bên mép đường thấy bưng toàn gỗ tốt, bào trơn đóngbén khít khao. Nhà đẹp như mơ…
Người thứ hai là một phụ nữ trẻ có một con đang ngồi trên sàn nhà nhìn vu vơ ra đường. Cái nhà sàn to hơn chuồng chim thôi, thông thống vách bưng bằng cây luồng phanh ra. Cô bảo: “ Cháu người Mường bản dưới, Lấy chồng người Thái lên đây, chồng cháu đi Nam làm ăn, lấy tiền mua sữa cho con. Trời, chưa hỏi gì cô đã kể khổ và …vẫn là câu chuyện tiền…
Tôi thoáng trông thấy chiếc xe máy mới, bị nhốt dười gầm nhà, xung quanh có những cây luồng buộc vây chặt chẽ.
Thứ ba là chuyện đôi vợ chồng trẻ, chồng trên 40, vợ mới 38 đã lên ông bà ngoại. Hai vợ chồng trở nên son rỗi vì con gái lớn lấy chồng, còn cô con nhỏ lên Bắc Giang làm công nhân may xuất khẩu cho một doanh nghiệp. Phải đi thế mới có… tiền.
Người thứ tư là chị đi chợ buôn vặt từ củ khoai con cá mớ rau, nhưng đi bằng xe máy, ngày đi dăm chục cây số. “ Cũng chỉ thế mới có tiền bác ạ…Có ngày đủ ăn, có ngày cũng kiếm dăm ba trăm.”
Đồng tiền đang xóc xáo vào núi rừng. Cuộc sống đang chuyển làn. Khi nhu cầu cuộc sống được kích thích bởi đồng tiền rồi cuộc săn tiền sẽ dần nổi lên thành bão. Đang bão đây! Vâng, bây giờ từ nhà nước đến nhân dân, câu chuyện mở đầu đang sôi nổi chính là câu chuyện làm sao để có tiền. Bão! 11/3/2015