Rộn rã miền Tây tổ quốc

doduc
Năm 2001 tôi đi trong đoàn du khảo Tây Bắc từ Hà Nội lên Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên , Lai Châu rồi vượt Ô Qui Hồ về Sapa, Lao Cai, trở lại Hà Nội theo chiều kim đồng hồ. Chuyến đi ấy do qũi Toyota tài trợ. Đoàn đi có các nhà khoa học xã hội, nhà báo, nhiếp ảnh, họa sĩ và đặc biệt là truyền hình rầm rộ. Câu chuyện là du khảo nhưng đó là cách quảng bá thương hiệu của Toyota cho ngành xe hơi sản xuất tại Việt nam. Kinh tế thời thị trường đã dùng văn hóa làm tay vịn để ngoi lên. Bởi vậy mà người miền Tây được mới biết đến hãng xe có tên Toyota. Còn đoàn du khảo có được cơ hội một lần ngắm nhìn trọn vẹn non xanh nước biếc miền tây Tổ quốc mà không phải chi tiền.
Năm nay vào đúng ngày Quốc tế lao động, cái ngày mà lâu nay ít được kỉ niệm rầm rộ và đang bị quên lãng dần đi thì một nhóm nghệ sĩ của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số lại cùng nhau đi xuyên Tây Bắc theo lộ trình ngược. Bắt đầu từ Hà Nội lên Bắc Quang, Hà Giang rồi tắt qua theo đường 279, đường vành đai mới làm sau chiến tranh Biên giới dài hàng trăm kilômet nối với Lao Kai ở điểm Phố Ràng. Chuyến đi vào đúng dịp kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là lần đầu tiên chúng tôi có mặt tại Điện Biên sau 54 năm vào đúng ngày giải phóng 7 tháng Năm, và cũng là thời điểm cả nước triển khai cuộc vận động học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để chống tiêu cực.
Không phải dễ gì có được chuyến đi xuyên qua sáu tỉnh miền tây với trên ngàn ki lô mét trong thời gian ngắn ngủi chục ngày với trách nhiệm tìm hiểu về đợt vận động học tập tư tưởng Hồ Chí Minh với người dân Tây Bắc. Nếu là đi lần đầu thì khác gì cưỡi ngựa xem hoa. Nhưng với tôi và nhiều người trong đoàn thì đây là lần thứ hai, đã có một phần chiều sâu về Tây Bắc
Chỉ mới bảy năm mà miền Tây đã có bao nhiêu đổi thay. Đó là một thị xã Lao Kai lên thành phố. Đó là tháng 1/ 2004, Lai Châu chia hai, tách ra một thành phố Điện Biên. Còn thị trấn Huyện Cam Đường cũ trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Lai Châu mới lập. Mất Điện Biên thì Lai Châu có thêm Than Uyên cắt từ Lao Kai sang. Dù đó là một huyện nghèo so với miền xuôi, nhưng lại là vựa lúa của tỉnh nghèo nhất nước. Còn thủy điện Sơn La thì đập Pá Vinh đang vào hồi kết thúc các hạng mục công trình, chuẩn bị cho dòng điện phát sáng vào 2010. Cái không gian yên bình của Tây Bắc có lẽ chưa bao giờ lại ồn ã đến như thế. Đây, lãnh đạo huyện Mường Lay đang cuống queo lo ngày ngăn đập chỉ còn non hai năm mà kế hoạch di dân của cấp trên cho triển khai lại chậm như rùa bò. Không kịp thì bơi trên nước mà sống được sao! Thị xã Lai Châu mới trên đất thị trấn Phong Thổ lại đang dàn ra trên diện tích vài ngàn héc ta đủ các hạng mục công trình, cái nào cũng dở dang. Tất cả đều đang hoàn thiện từng bước. Cái gì cũng muốn góp mặt cho ba sự kiện kỉ niệm vào năm 2009. Còn huyện Phong Thổ lúc này lại phải lo gom dân lập thị trấn mới ở Pa So. Trong khi còn phải tính toán cho vị thế cây cao su, cây thảo quả, cây lúa, cây ngô thì thị trấn mới nhõn 3.500 khẩu. Phải lo mời dân về cấp đất cho phổng phao đáng mặt thị trtấn huyện, nhưng xem ra cũng chẳng dễ dàng gì. Ông Lò Văn Tan 76 tuổi ở Chan Nưa nay tái định cư ở lô 2 Thèn Nưa và anh con trai Lò Văn Xay đều tỏ ra thích phố huyện, nhưng lại có nguyện vọng là muốn kéo được cả vài mẫu ruông mẫu về nương kề bên đường nhựa, vì “lúc nào cũng chỉ quen cầm cuốc cầm dao”! Thật là chuyện trên trời, chỉ nghe đã thấy khó. Đấy là cái khó chung của cả miền Tây Bắc, cái khó của sự phát triển mang tính cưỡng bức.
Có lẽ Tây Bắc chưa năm nào nhiều màu xanh như năm nay. Sau một mùa đông băng giá khốc liệt, cây cối nín hơi chờ tiết Lập xuân, vậy mà phải sang đến hạ thì núi đồi miền Tây mới được bọc kín màu xanh. Rất nhiều loài sâu bọ không qua được vụ rét nên khó mà tìm thấy một cái lá bị sâu ăn! Màu xanh hôm nay chính là sức sống tự nhiên của người miền rừng. Đào xới bới lật vốn chưa bao giờ thành thuộc tính của họ. Màu xanh ôn hòa cho mọi nhà là khúc hát ru của mẹ rừng, di dưỡng tình cảm và nếp sống không vội vàng của con người xứ sở này. Nay rơi vào trong vòng xoáy của sự phát triển, họ thực sự lúng túng. Phải nhìn mấy vạn hộ dân di rời cho thủy điện Sơn La ở Quỳnh Nhai và mấy huyện vùng ven mới thấy đây là một sự đảo lộn khủng khiếp. Dù đã được báo trước, dù có được giải thích kỹ lưỡng rằng tất cả vì sự phát triển của đất nước, nhưng với sự dịch chuyển này thì vẫn có thể ví nó với cơn đại hồng thủy ập xuống đầu cả vùng Tây Bắc.
Đây là cuộc di dời vĩ đại có một không hai trong lịch sử miền Tây. Những thay đổi hành chính trên địa bàn đang diễn ra nhanh chóng, nhưng để ổn định cuộc sống của họ, sẽ phải mất khoảng vài ba chục năm nữa, nghĩa là phải một hai thế hệ. Bởi sống không chỉ có nghĩa chỉ là miếng ăn, mà còn là bao nhiêu mối quan hệ khác từ dòng tộc, bạn bè, hàng xóm và nặng nề nhất là chuyện tâm linh. Khi hàng ngàn hàng vạn mồ mả cha ông nghìn đời, nơi thờ tự hồn sông ma bản, dòng họ bỗng chốc chìm sâu xuống lòng hồ ngan ngát ngàn thu. Những mất mát tinh thần đó dễ gì mà nguôi ngoai, làm sao dễ mà bù đắp! Người hoạch định kế hoạch nhìn cuộc sống từ cái lợi vật chất, dễ tính được ra tiền, những thiệt vật chất của người dân dù phức tạp cũng vẫn có thể có đủ tiền để đền bù. Còn tâm linh thì không thể dùng tiền để mua, chẳng thể dùng tiền để trang trải. Thế nên đây mới thực là cuộc cách mạng tinh thần chưa bao giờ từng xảy ra trong đời sống miền Tây. Cuộc cách mạng này không tiếng súng nhưng gian nan vô cùng bởi vướng mắc nằm sâu kín trong lòng người. Vậy mà ngồi nghe các cán bộ lãnh đạo huyện và tỉnh báo cáo về triển khai công việc thấy mọi thứ cứ êm xuôi như hơi mát của máy điều hòa, mọi chuyện như chỉ cần bấm nút là xong tôi hơi ái ngại. Chuyện chắc không thể dễ thế ! Đúng, mọi cái mới trông tưởng đâu đã có đấy, khó khăn thuận lợi đã nằm trong hoạch định cả rồi; nhưng tất cả đó mới chỉ là bề nổi, là cái kèo cái cột hòn ngói tấm tôn. Còn cái nền đất để cất nhà mới là cái phải cân nhắc bởi nó là chuyện lâu dài. Đó là làm sao ổn định được lòng dân. Lòng người không phải là thứ ta có thể ra nghị quyết hoặc đo nắn bằng tiền bạc. Cuộc vật lộn cho Tây Bắc ngày mai hôm nay mới chỉ bắt đầu. Khi con gấu khổng lồ miền Tây thức giấc thì nó đi đâu về đâu thì cán bộ còn cần phải bỏ vào vào đó nhiều trí tuệ hơn nữa, chứ không chỉ cứ trình đề án, duyệt dự án lấy được tiền là xong việc. Cái phải làm cấp thời đó là chính sách cụ thể hơn nữa cho người dân ở đây, chính sách chăm sóc cho người nghèo, cái mất cái được phải rõ ràng. Hy sinh chỉ có thể đối với giặc ngoài khi chiến tranh, còn trong phát triển thời bình thì phải có sự công bằng cho mọi người dân trong các quyết sách
Đi suốt miền Tây tổ quốc lần thứ hai, thêm một lần tôi ngộ ra rằng học tập tư tưởng của Bác chính là phải hành động. Chỉ những hành động cụ thể mới đem lại quyền lợi thiết thực cho người dân chứ không phải những lời hứa hão, không phải tình thương trên giấy và lối chịu trách nhiệm trên văn bản!. Còn nhân đợt vận động học tập tư tưởng Hồ Chí Minh đã có nơi đưa nội dung thi kèm luôn cả đáp án phô-tô sẵn để người dự thi chép lại, trả bài lấy thành tích thì đó quả là sự nhạo báng , chỉ là việc làm của đám người vô sỉ. Hoặc học cho thuộc bài rồi diễn tấu những câu chuyện của ông Hồ trên trên truyền hình nom rất phản cảm, chả khác gì những lớp hề chèo nhạt nhẽo.12/5/2008