dongngan
Thuở còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông tôi chỉ biết đến Quỳnh Nhai qua trang viết của Nguyễn Tuân trong bút ký Sông Đà. Một Quỳnh Nhai tận mắt thì mãi tới hôm nay mới thấy. Quỳnh Nhai có đường biên giáp với huyện Sìn Hồ bên Lai Châu. Truớc đây hình như có quan hệ gì về hành chính nên nó từng được gọi là Quỳnh Hồ. Cái tên Quỳnh Nhai thơ mộng đã quẩn chân nhà văn quen xê dịch Nguyễn Tuân đến hàng tuần với lan man bao nhiêu là chuyện, đã là sự chú mục cho bước chân muộn màng của tôi hôm nay. Đúng là Quỳnh Nhai đẹp từ con người đẹp đến dòng sông miên man cả đôi bờ cát nổi….
Từ thị xã Sơn La theo quốc lộ số 6, vượt đèo sang Thuận Châu, len lỏi giữa trùng trùng núi đồi, qua phà Pá Uôn cắt ngang sông Đà thêm vài chục cây số nữa thì đến được thị trấn huyện Quỳnh Nhai. Thị trấn nằm trong xã Mường Chiên. Sông Đà mùa này nước cạn , chảy thầm thì như người mẹ dịu hiền. Với cư dân hai bên dòng sông Đà thì dòng sông cũng thật xứng vai mẹ hiền. Với người bản Pá Uôn của Mường Chiên thì Sông Đà là nửa cuộc sống của họ. Người đã ở đây thì không cần vào rừng đóng vai tiều phu. Cứ mùa lũ là tràn ra sông vớt củi. Năm vài cơn mưa lũ là thừa củi đun. Ở đây ngược phía thượng nguồn lên Lai Châu là quê hương của thuyền đuôi én, loại phương tiện giao thông thủy thuận lợi nhất của người dân khi chưa có phương tiện trên bộ như xe đạp, ôtô, xe máy ngày nay. Trước đây, để đi lại và đánh bắt cá người ta làm thuyền đuôi én nhỏ bằng một thân gỗ chò chỉ. Sau này để vận chuyển hàng hóa thì gép thuyền to hơn, lòng thuyền có khung bền vững. Bây giờ thuyền én vận tải dùng may cole chạy xăng thay cho mái chèo. Người ven sông Đà ai cũng biết thả chài đánh lưới không khác mấy cư dân các vùng sông nước đồng bằng. Chẳng vậy mà cuộc sống sông nước đã đi vào ca dao tục ngữ : “cơm ở ruộng, cá ở sông”. Người ta còn dạy nhau: Không biết bơi chớ ngồi đầu mũi, không biết lái chớ ngồi đuôi thuyền” …
Ở miền núi dù người Thái, người Mường hay Mông Dao cũng vậy cả, khi chọn chỗ dừng chân đều cố tìm đến các thung lũng. Thung lũng là nơi hiểm trở, dễ phòng thủ. Thung lũng là nơi gió lặng bình yên trước các cơn bão tố. Thung lũng là nơi đón được nước từ núi cao đổ về khẳng định sự vững bền cho cuộc sống. Thung lũng là nơi hàng năm luôn được bồi đắp thêm đất mùn sau những cơn mưa núi cho cây trồng bội thu mỗi mùa. Nên các thung lũng miền rừng bao giờ cũng là nơi để con người quần tụ sinh sôi lậpthành làng thành bản. Nằm ở đông bắc tỉnh Sơn La, Quỳnh Nhai chỉ vẻn vẹn có mười vạn năm ngàn hecta, mười ba đơn vị hành chính cấp xã. Có bảy dân tộc nhưng người Thái chiếm đa số , gần 85%. Ngoài ra còn Khơ Mú, La Ha, Dao, Kháng… và số ít dân Kinh từ Thái Bình lên khai hoang từ những năm sáu mươi thế kỉ trước. Vét voi tất cả chỉ có được vẻn vẹn sáu vạn rưởi dân. Số dân chỉ bằng một xã ngoại thành Thủ đô, nhưng đời sống vật chất thì thấp hơn nhiều lần. Cho nên nói trù phú không sai. Nhưng đó cũng chỉ có nghĩa tương đối so với thời bao cấp, bởi đời sống vẫn cơ bản tự sản tự tiêu, hàng tiêu dùng vẫn nghiêng về siêu nhập. Chợ huyện Quỳnh Nhai chỉ như một chợ sép ven nội. Những ngày này giá cả hàng thực phẩm vẫn đắt ngang thủ đô: cá, sáu mươi ngàn đồng một kilôgam, thịt trâu bò lợn cũng tính từ sáu chục trở lên. Gía cả đội lên một phần cũng do việc chín trong mười ba xã sẽ phải di chuyển cho lòng hồ thủy điện. Với việc di rời tám ngàn ba trăm hộ dân và toàn bộ trung tâm hành chính của huyện phải chuyển đến địa điểm mới thì dù ít ỏi nhưng cũng hàng nhiều ngàn nhiều vạn tỉ đồng cho xây dựng, cho đền bồi đổ xuống vùng đất xưa nay chỉ quen tiêu tiền trăm tiền ngàn. Bỗng chốc cầm trong tay tiền triệu. Cảm giác một lúc trở nên giàu có với cả đống tiền không phải dễ mà tính được ngay sẽ làm gì để sinh lợi. Khi người dân có dăm mười chục triệu dù chưa nắm trong tay nhưng đã bị cánh làm ăn nhòm ngó. Họ gợi ý ngay cho mọi người lấy trước xe máy , tủ lạnh ghi sổ cùng một số đồ dùng vật dụng hấp dẫn thời hội nhập. Đợi nhận được tiền đền bồi sẽ trừ sau. Những cách kiếm chác thời kinh tế thị trường ấy đã len lỏi vào cả những thân phận nghèo. Nên giữa rừng mà giá cả leo thang cũng nhanh như sóc. Gần hai năm nữa thôi, thị trấn huyện Quỳnh Nhai sẽ nằm trong lòng hồ thủy điện Sơn La ở độ ngập sâu trên ba mươi mét. Khoảnh sông Đà sắn đôi Mường Chiên sẽ là nơi sâu nhất của lòng hồ vùng Quỳnh Nhai. Cũng vì rậm rịch cho một cuộc di dân lớn trên diện rộng nên chẳng mấy ai lại đi lo vào việc phát triển lâu dài làm gì. Họ chỉ biết nhấp nhổm chờ. Đến Quỳnh Nhai hôm nay thấy các bản lả tả những căn nhà mới dỡ của các hộ đi trước. Những bãi tro than vung vãi còn vương than khói trên những đụn tranh bị vứt bỏ khi dỡ mái. Những hòn kê chân cột, cối cũ chổi cùn nằm lăn lóc. Những cây quanh hàng rào bị chặt đổ chổng chơ, những khóm chuối xơ xác vô chủ, những cây đu đủ gẫy gập ngang thân, đổ sập như có cuộc chiến tranh vừa đi qua. Dưới cốt nước của lòng hồ, cây cối được phép khai thác, đang được máy cưa ngoạm dần. Giữa các bản ven sông, tiếng máy cưa reng reng, náo nhiệt thả hết công suất. Cánh thợ trẻ mướt mát trong khi trời vẫn se lạnh. Tất cả đang maraton với thời gian để góp phần nhanh chóng ổn định cuộc sống trên đất mới của hơn ba ngàn hộ dân Quỳnh Nhai. Cuộc di rời này chẳng dễ dàng gì ngay trong tình cảm các gia đình. Khi nghe chính sách đền bù theo hộ, có nhà đã tranh thủ ly hôn để tăng tiền đền bồi và tăng thêm suất đất nơi ở mới. Chẳng rõ khi những toan tính nhỏ nhoi đó được đền đáp thì họ có trở lại với nhau không hay là đi hẳn. Giới trẻ lại muốn ra phố huyện với 75 mét nhà ống ở Phiêng Đeng để có cơ đổi đời, để được sống hiện đại hơn nơi thâm sơn cùng cốc. Người già nhất lại muốn chết ngay tại bản để khỏi khổ con khổ cháu. Không hiếm gia đình sẽ xé nhỏ. Tuổi trẻ tách lên phố (dù chưa biết sẽ sống bằng nghề gì). Bố mẹ lại muốn tìm sâu vào trong núi kiếm nơi còn chút đất hoang phá làm mảnh ruộng, dọn ít nương, nuôi dăm mái gà, đôi lợn như đã từng sống một thời như thế. Nếu khoét thêm được vuông ao rộng dài vài thước đất, dẫn được nước nguồn về là đủ để thả con rô con trắm. Thế là yên tâm nhất . Còn khi điện tới thì với một ăngten chảo mua của bọn buôn lậu từ Trung Quốc đem sang thì cuộc đời đâu kém gì Tây Thi –Phạm Lãi sống ở đất Đào? Trên dòng sông Đà hiền hòa hôm nay, những cụm máy hút cát sỏi của đám đào đãi đang căng hết sức lực tranh thủ vét voi nốt số vàng mà trời ban tặng cho Quỳnh Nhai còn đang lấp chìm đâu đó. Mùa này đến Quỳnh Nhai còn được thấy lại chân dung của đơn vị hành chính huyện lỵ thời bao cấp. Cũng vì nó nằm trong kế hoạch di chuyển nên từ lâu đã không được cấp kinh phí đầu tư sang sửa. Nhà cửa công sở hầu hết là cấp bốn. Chỉ có băng rôn đỏ rực chạy ngang trục đường phố huyện nhắc nhở dân đóng thuế và vận động chống truyền nhiễm HIV mới sực nhớ ra là ta đang ở thế kỉ của truyền thông toàn cầu, thế kỷ 21. Đường xá đã không được nâng cấp, lại bị cày nát bét bởi các xe tải hạng nặng. Chúng rì rầm ngày đêm dày vò mặt đường phục vụ cho việc chuyển rời. Quãng quãng mặt đường lại bị xé toang thành nhiều thớt đuống đồ sộ. Những con ngầm vắt qua các con suối sâu hoắm, sẵn sàng chặn đứng bánh của các loại xe gầm thấp. Trước đây đã có lúc lãnh đạo Quỳnh Nhai than vãn với cấp trên rằng: dân cứ hỏi không biết đường nhựa nó thế nào, liệu nó có ngọt hơn đường mía không mà cũng không biết trả lời ra sao. Cấp trên đành cho rải được mấy cây số đường nội huyện. May mà cũng có ích phần nào cho việc di chuyển lúc này.
Vùng Quỳnh Nhai xa xôi này vốn đã từng là cái rốn của Văn hóa miền tây. Múa xòe Thái lần đầu tiên về thủ đô biểu diễn cho Bác Hồ trong buổi tiếp Đại sứ Liên Xô sau giải phóng Tây Bắc chính là xòe Quỳnh Nhai do Điêu Chính Ngâu dẫn đoàn. Người dân Mường Chiên có quyền tự hào vì đã có Điêu Chính Ngâu, người đại diện cho mình đưa nghệ thật múa xòe Quỳnh Nhai lên sân khấu biểu diễn. Tự hào vì ông là con nhà giàu có học mà không chịu ra làm quan, chỉ mê nghiệp cầm ca nhảy múa. Ông rong du suốt dải đất miền tây , gom góp các điệu xòe nổi tiếng ở các nơi, thành người sưu tầm văn hóa dân gian gần như đầu tiên của dân tộc Thái. Ở Sơn La hiện có trên sáu trăm đội xòe nghiệp dư xã bản. Chỉ cần có cớ tụ hội là người ta đã có thể xòe. Chỉ cần chiêng trống nổi lên là người ta sẵn sàng bỏ công bỏ việc đến với đám xòe. Xòe ăn vào máu từ trẻ đến già. Xòe vòng tập thể nối từ tuổi nhi đồng đến bà lão tám mươi cùng trong nhịp trống chiêng trong một vòng xòe. Đến với xòe, ai cũng khoe dáng trong bộ slửa cóm duyên dáng và gợi cảm với vẻ mặt kết hoa. Chỉ cần một sàn nhà là quá đủ cho vòng xòe vài chục người. Tại bản Chẩu Cun, tôi đã được xem diễn một buổi xòe nhiều điệu như Táng xa (xòe khăn), Kếp phjắc ( xòe hái rau), Quắt bó héo ( tiễn hoa về rừng) mà đó chỉ là đội xòe của Hội người cao tuổi. Nhạc đệm cho múa chỉ một cây tính tẩu, tiếng nhẹ như gió đồi. Cũng có khi vòng xòe cuốn theo nhịp chiêng nhịp trống. Lại cũng có vòng xòe vừa múa, vừa hát theo một điệu dân ca. Họ múa say sưa, hát say sưa như người tuổi trẻ. Anh Trường, một cộng tác viên của tờ báo Sơn La nói với tôi rằng người Khơ Mú có điệu múa Au eo nổi tiếng về tính phồn thực. Đang cấy ở ruộng chỉ nghe tiếng trống nhịp thì mông họ đã ngoáy đi ngoáy lại. Lát sau thì bỏ rơi nắm mạ, rời ruộng về sàn múa vì thích không chịu được.Có lẽ đây là cuộc di rời lịch sử, cuộc di rời lớn nhất của vùng đất đèo heo hút gió này kể từ khi nó được hình thành. Cũng chẳng có mảnh đất nào đủ lớn để họ tiếp tục quần tụ cùng nhau. Ba ngàn hộ dân rẽ đi bốn hướng. Sẽ có một phần chuyển ra huyện mới ở Phiêng Đeng bất đầu cuộc đời nơi phố thị. Phần còn lại xuống Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu…Các huyện trong tỉnh đã sẵn sàng đùm bọc những người nhập cư mới. Tất cả cho thủy điện Sơn La ngày mai rực sáng. Chuyển về nơi ở mới, cái khổ ấy chỉ thời gian ngắn sẽ qua, chính sách xã hội có thể làm được việc ấy. Nhưng người Thái không có tục cải táng, nên việc mồ mả ông bà cụ kỵ nhiều đời mãi mãi nằm lại trong lòng hồ mới là khoảng trống vắng tâm linh khó có thể lấp đầy. Không ai có thể trả lời câu hỏi này. Nó nằm ngoài khả năng vận động và giải thích trên mọi phương diện. Đó vừa là một sự hy sinh tình nguyện vừa là bị cưỡng bức của những người con xứ sở hoa ban. Vì thế kết cấu của dòng điện sáng không phải chỉ có tiền là xong mà còn bao nhiêu thứ khác.
Nhật Tân,05/12/2007