Đỗ Đức
Đã gần chín mươi tuổi nhưng năm nào mẹ tôi cũng vẫn lọ mọ ngả vài chum tương. Thời đại nước mắm, bột gia vị chiếm lĩnh thị trường mà ba không chịu bỏ món tương. Cũng bởi xung quanh xóm vẫn còn nhiều “tín đồ” ăn tương. Chai tương ba ngàn đồng đâu có rẻ, nhưng người nhà quê vẫn ưa dùng vì nó tiện, dễ ăn. Tương nga xong, bịt kín miệng chum bằng lá chuối khô, phơi trong nắng nhẹ chừng một tháng, rồi để thêm hai tháng nữa, vợi ra chai, nút lại cất đi để ăn dần. Tương quê để càng lâu càng ngon. Lâu đến bốn năm năm, rót ra nó sánh như nước mật, trộn với cơm nóng ăn ngay cũng trôi hai ba bát là thường.
Ấy nhưng không phải dân quê ai cũng biết làm tương. Nghề làm tương mẹ tôi mang từ Bắc Ninh lên đất Thái Nguyên. Có đôi ba người muốn học làm, mẹ tôi cũng bảo cách nhưng chẳng ai làm thành công vì họ đều kém kiên nhẫn, kém cẩn thận. Tương họ làm hoặc mặn chát, cứng đong hoặc đen sì nổi váng bốc mùi. Mẹ tôi bảo:“Món tương quê coi thế nhưng nó khó tính lắm”. Gạo nếp chín không nục: Hỏng. Ủ mốc bị hấp hơi lên men trắng: Hỏng. Đậu tương rang lỡ sót một hột sống: Hỏng. Tra muối quá nhạt: Hỏng. Ngả xong chum tương, sơ ý đậy không kỹ để nước lã rớt vào trong chum tương: Hỏng. Mẹ tôi tự hào với chum tương của mình, nó vớ vẩn thôi mà vẫn thừa để tự nuôi mình.
Lâu nay thỉnh thoảng lại nghe những chuyện nước chấm bị pha phách chất gây hại cho cơ thể. Nghe nói cả nước mắm cũng bị bọn đầu cơ tương cái của nợ ấy vào. Tôi lôi mấy chai tương rước ở quê xuống để quên ra. Đám trẻ trước đây cứ chê ỏng chê eo món tương, nay sợ nước mắm, đem tương ra kho cá, chấm rau, rim thịt, chúng ăn lại thấy tấm tắc khen ngon.
Bữa nay tôi về quê, trước khi đi mẹ tôi chiết cho mấy chai tương. Xem ti vi bà cũng biết ở dưới ấy nước chấm hay bị pha những chất gì độc lắm, ăn nhiều sẽ bị ung thư. Nhìn mấy chai tương tôi thấy mình trở nên bé bỏng. Cái tình quê, dù gì thì nó vẫn luôn là cái tình che chở đùm bọc. Thảo nào con người dù đi đâu, ở đâu cũng không thể quên được quê hương. Với tôi một trong những cái nhớ, là món tương quê của mẹ.2002