ĐỖ ĐỨC
Tự nhiên lại nhớ cái trung thu năm ấy tại Cầu Giấy, năm 1983. Trung thu đầu của Thiên Hương. Nó bé sắt như cái kẹo. Sinh con vào những năm ấy bây giờ nhớ lại kinh hoàng hơn gặp ác mộng. Cả một xã hội đói khát rách rưới vì bị Mỹ cấm vận. Còn ta thì tự hại bằng những chính sách không tưởng của những nhà duy ý chí. Dân tộc tựa như bị thành vật thí nghiệm mà không ai biết. Chính trị và quyền lực đúng là một con đĩ thập thành. Khi một con đĩ kém học thì lại càng kinh khủng. Xét cho cùng thì Mỹ cũng là một chính quyền đểu cáng. Làm chính trị tức là lao vào các trò đểu cáng. Cả bọn Tàu cũng thế thôi.
Căn nhà là cọ bị mưa nắng làm dượp, từng tàu lá trên nóc mòn vẹt. Chỉ tránh nắng chứ không chống được mưa dột. Cái phòng 18 mét cả bếp và nơi làm việc buồng ngủ cho 4 người không bằng cái chuồng lợn. Vậy mà không thấy bề trên nào xấu hổ trước cảnh đó. Bạn bè gặp nhau là những tiếng thở dài cam chịu. Mình cũng trong đống người ngợm đó. Vậy mà sống được, làm việc được và chịu được đủ thứ o ép tinh thần để vượt qua giai đoạn không thể tính là cuộc sống đó
Trung thu năm ấy trăng lu. Đêm phập phè sương lạnh. Mẹ bế Thiên Hương ngồi trên chiếu trông trăng. Còn nhớ lúc ấy Điền gầy guộc lắm. Tuổi 36 là người phụ nữ có vẻ đẹp hoàn thiện nhất, vậy mà mẹ nó mặt xanh màu lá ngụy trang. Hòa bình rồi mà vẫn khổ như thời chiến tranh.
Còn cái đèn lồng dán cho Thắm là ở Thái Nguyên, lúc đó con ba tuổi, năm 1975 giải phóng miền Nam. Chiếc đèn ông sao 5 cánh phất bằng giấy điều thắp nến ở trong, nó đẹp hơn tất cả các đèn bán ở phố hàng Mã bây giờ, vì chưa bao giờ ở đoàn văn công Khu tự trị có một cây đèn ông sao to như thế.
Nhớ lại những trung thu đã qua, giờ chỉ muốn khóc. Đó là một khoảnh khắc lịch sử, một quãng đời khốn khó của đất nước và của mỗi gia đình. Thế mà bây giờ người ta quên cái khổ nhanh thật. Kẻ có chút máu mặt hôm nay lại ăn thịt đồng loại của mình.Chúng là chó đội lốt người chăng.
Nước mắt lại muốn chảy nữa rồi…14/9/2008- trung thu