Doduc
1- Đã hàng chục lần lên cao nguyên Đồng Văn nhưng chưa lần nào lại nhìn thấy dòng Nho Quế cạn khênh đến như thế. Đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng nhìn xuống thấy lòng sông nước đọng từng vũng tạo thành những khoen nhỏ như giọt nươc mắt khóc dòng sông cạn, những giọt nước mắt xếp hàng dài chui vào hẻm núi mù sương.
Vâng, bao nhiêu năm dòng chảy lấp lánh trong ban mai giống như nụ cười sơn nữ lấp lánh dưới anh mặt trời. Vậy mà hôm nay thiếu vắng nụ cuời ấy. Nhìn dòng sông như cặp môi khô nứt nẻ thấy lòng quăn đau. Đầu nguồn phía Pả Vi bên Mèo Vạc lòng sông trắng phớ khô róc không còn tí hơi ẩm của nước,.Từ trên cao ngó xuống, Nho Quế như giống sợi dây thừng se tết vụng về ai đó bỏ quên nằm vắt khe sâu hút vào bóng núi.
Thủy điện- vâng lại thủy điên- Nho quế cũng như nhiều nơi bên Sapa, được ưu ái căn ba khúc cho 3 thủy điện nhỏ. Công trình còn đang triển khai thì dòng sông mất nước. Nho Quế xưa nay vẫn là dòng sông nghèo. Nước từ triền đá nhả xuống hiếm hoi như nước mắt người già. nhưng chưa bao giờ cạn khênh. Bây giờ nghe bên này làm thủy điện thì đầu dòng người ta chắn đập, một bạn người Hà Giang bảo tôi thế. Ba bốn trăm tỉ đầu tư bây giờ đang nghẽn dưới lòng sông có nguy cơ hóa thạch. Vẫn biết mùa hanh heo là mùa nước cạn. Nhưng khi dòng chảy từ phía người hàng xóm cạn tình thì nước cạn nhanh hơn.
2- Hà Giang từ ngày rậm rịch có tin Bãi đá trên Cao nguyên Đồng Văn có cơ thành công viên địa chất toàn cầu đã thấy lấp ló nhiều khách du lịch phương Tây. Người nước ngoài họ quan tâm đến những điểm sống có tích tụ văn hóa. Ta đi du lịch là tìm nơi cảnh đẹp ăn ngon ngủ tốt, nhất là có đặc sản thì càng quí để còn có dịp tiêu tiền. Còn Tây thì du lich là khám phá. Chiếc máy ảnh nhỏ, cuốn sổ để ghi chép và cây bút chì giắt vào túi là những thứ đầu tiên chuẩn bị cho một chuyến đi. Ta đi thường cả đoàn ồn ào, và ồn ào hơn khi chỉ lo chụp ảnh lưu niệm để nhớ nơi đến như một chiến tích. Vào hàng ăn thì ồn ào, gọi ăn thì hay bỏ thừa. Tây đi lẻ, có khi chỉ một với một người dẫn tua, một ba lô to, tay gậy, tay lăm lăm chái nước như trái lựu đạn phòng thân. Vào hàng ăn mỗi vị một “mâm” rành mạch, thêm vào là ăn sạch đĩa, uống sạch li. Khi tốp vài ba người có thể có xe con. Còn là đi xe khách và leo bộ như kẻ mộ đạo hành hương miệt mài về nơi đất thánh.
3- Cuối năm. Mùa này là mùa cây Hương nhu trổ hoa tím ngát cao nguyên. Người Đồng văn gọi Hương nhu là bạc hà vì hoa có mùi thơm dịu. Sai toét, nhưng cả cao nguyên người ta gọi thế. Trên đường đi từ chân dốc Cán Tỉ( đất khô) của Quản Bạ đến đỉnh cao Vần Chải (bản mây) của Đồng Văn hay dốc cua M ở Mèo Vạc (miêu vương, đất của vua Mèo) lác đác gặp những thùng ong mật xếp hàng ngay ngắn như ấp mới lập. Mùa hoa hương nhu rộ cũng là cơ hội cho những chú ong thỏa mãn tính cần cù. Mỗi chủ đàn ong có trên trăm thùng. Một năm mỗi thùng ong cho gần tạ mật thơm tho. Người nuôi ong trên Cao nguyên nằm giữa đàn ong, chui trong cái tăng nilon lụp xụp tránh nắng tránh rét. Họ giống như những người du mục chăn bò chăn cừu trên cao nguyên Tây Tạng hoặc Mông Cổ. Cùng với đống chăn màn, trong lều lại thêm cả đống can nhựa loại 20 lít. Can chứa nước sinh hoạt và can để chứa mật. Tổ ong mỗi tuần quay vắt mật một lần.Thời giá hôm nay, ba trăm ngàn một lít mật có vị hoa hương nhu. Một năm thuân buồm xuôi gió bố con nhà nuôi ong thu cả chục tấn. Như thế kể cũng đáng để lang thang trên cao nguyên lắm.
4- Người Cao nguyên chui vào trong mây ở từ bao nhiêu năm nay. Giờ vẫn thế. Ơn trời trên vách đá cheo leo chỉ toàn cây cỏ mong manh vẫn có những dòng nước mát dù nhỏ thôi, âm thầm chu cấp cho họ. Có nước là có cuộc sống, dù khi bước ra khỏi nhà, đầu chạm với trời xanh.
Quan sát cao nguyên thấy cuộc sống đã tự nhiên phân lập rành rẽ. Người Mông vẫn quẩn quanh bên đá, chắt từ kẽ đá lấy hạt ngô, hạt đỗ tương, đỗ đỏ, hạt mạch. Người giàu ở thị trấn chắt tiền từ kinh doanh khách sạn nhà nghỉ. Những người này hoặc là gia đình quan chức trong huyện hoặc là ngừoi có tiền từ ngoại tỉnh tới đầu tư. Khách sạn Hoa Cương ở Mèo Vạc xây tốn 13 tỉ là ví dụ độc đáo nhất của cái xứ tiền hiếm như nước cao nguyên. Bước vào phòng chẳng khác khách sạn 5 sao là mấy. Nhưng cách đó không xa, người ăn mèn mén (bột ngô) với dưa chua nấu đỗ và canh cải nương nêm bột canh vẫn tự tại với cuộc sống của mình.
Cuộc sống cao nguyên là thế, lặng lẽ, tự tại và yên bình như cái thiên nhiên khổng lồ mây đá xưa nay thức ngủ theo ánh mặt trời, sướng và khổ song hành, ai biết việc nấy. Ôi cao nguyên!
5/12/2010
1 comment for “Cuộc sống Cao nguyên”