Sống đủ một trăm

doduc
Ước muốn ở cuộc sống của người Việt ta xưa là gì? Đó là câu hỏi lởn vởn trong đầu tôi lâu nay.
Người Việt ta xưa chủ yếu là nông dân, cuộc sống là nông thôn.
Hôm qua trong đám hiếu, ông anh tôi buột miệng đọc câu lục bát:
Sống thì sống đủ một trăm
Chết thì chết đúng hai nhăm tháng Mười!
Tôi thật bất ngờ! Ước sống trăm tuổi thì hiểu rồi. Nói về chuyện người đã khuất các cụ vẫn hay nói: “ ông(hoặc bà ấy) hai năm mươi”. Hai năm mươi là một trăm. Đó là sự ra đi toàn vẹn, là mong muốn của mọi người, dù chết mới dăm bảy chục tuổi..
Nhưng sao chết lại mong ước là chết đúng hai nhăm tháng Mười? Tôi hỏi thì anh ấy cười, bảo: là khi mùa màng thu xong, có cái ăn. Lúc ấy mâm cũng có cơm mới.
Thì ra tận đến chết người dân vẫn lo cái ăn, vẫn lo đói.

Cái mối lo đói hình như ăn vào gen dân ta mất rồi!
Gặp nhau và buổi sáng hay chiều, thay vì hỏi xem có khỏe không, có ổn không như người châu Âu thì người ta hay hỏi nhau : Đã ăn gì chưa!
Con tôi bảo: “ Con chơi với một thằng bạn Thụy Điển, có lần nó bảo: dân mày đói triền miên hay sao, mà cứ gặp nhau là hỏi ăn chưa, rất hay nói chuyện ăn. Ra đường giờ nào lúc nào cũng thấy ăn, gặp nhau là rủ vào quán”.
Tôi không mắc chứng hỏi “ăn chưa”, nhưng quan sát thấy cách hỏi han ấy quả có nhiều.
Câu chuyện của con tôi góp phần làm rõ thêm về câu ca dao nói trên.

Anh tôi chưa đầy bẩy mươi, là nông dân, mà vẫn chưa quên câu ca dao đó. Nhiều người đọc sách hoặc làm quan không biết câu ấy nhưng nông dân thì nhiều người biết dù không có học.

Quan cách ở ta nhiều khi cứ bị chê là nông dân. Lời chê ấy liệu có đúng không khi gần như hầu hết các ông quan không biết đến câu ca dao ấy?
Là tôi nghĩ thế. Nếu là nông dân thì khi làm lãnh đạo điều đầu tiên là nghĩ làm sao cho dân đủ cơm no áo ấm như lời cụ Hồ chứ không phải thứ phát triển viển vông thu gom vào túi bọn lợi ích nhóm như giờ!
15/12/2012