Doduc
Chỗ tôi, mỗi năm tổ dân phố họp đôi ba lần. Đầu năm phổ biến một số việc của khu dân cư giữa năm kiểm tra và cuối năm tổng kết. Năm nào cũng thế , chục năm tôi về đây thế cả. Việc khối phố chủ yếu là chuyện an ninh trật tự, nếp sống văn hóa. Những gì lình xình như nhà đất tranh chấp hoặc an ninh thì thuộc chính quyền Phường còn khối phố không phải đến tay. Khối phố chủ yếu nghe chính sách và tiếp thu thực hiện là chính.
Phường tôi ở là phường nội thành lên đời khi thành phố kí cái roạch, đang là huyện thành quận, rồi từ quân ngoại thành sang nội thành, nhanh như xe đổ đèo. Nghe thì oách nhưng cảnh quan thì vẫn là làng xưa xóm cũ. Có chăng thêm đội quân môi trường lo dọn rác hàng ngày là mọi người thấy ngay. Còn cấu trúc bộ máy thêm ghế thêm bát và chức năng gì đó thì chẳng ai biết. Mới có mỗi chỗ ấy còn con người thì đều như xưa. Vẫn loa xóm vẫn khẩu hiệu vận động dán tường. Đại loại thế!
Lên Phường, nhưng người dân chưa thể ngay một lúc trở thành người phố xá được, nên đi họp vẫn có thói quen ngậm tăm để giữ dư âm sau ăn và rồi cứ thế dẫn xác đi họp, chả chịu búng bỏ đi. Ngậm tăm thì phát biểu nó vướng, nên tiện nhất là thôi không nói năng gì nữa. Việc còn lại chủ yếu là dùng quạt phành phạch đuổi muỗi. Bởi vậy mà được tiếng là hiền lành, mặc dù người ta đều biết hiền lành có thể ít nói, nhưng ít nói ai dám đoan chắc là hiền lành?
Không biết biết phường xịn thì dân tình ra sao, có quen nghiện ngậm tăm đi họp như phường tôi không, nhưng phường tôi thì nó thế. Vẫn chất xóm thôn, có mỗi cái tên là khác. Thiên hạ luôn luôn thái bình trong các báo cáo.
Đám con nghiện tuy không ngậm tăm nhưng ngậm gì không biết, chúng cũng âm thầm vật vờ đầu làng cuối phường, ai sểnh ra cái gì là chúng nhặt, từ đôi giày đang đi hay chiếc dép nhựa để ở cửa nhà chúng cũng vệ sinh nhanh cho sạch, dù không phải nhà của chúng. Mất cắp vặt xảy ra thường xuyên. Sáng sáng ra phố bỗng hao vài ba cái nắp cống. Có nhà đêm quên không khóa cổng thế là bay luôn cả hai cánh cửa sắt nặng ình. Chó nhà nào trót lỏn ra đường chơi, chỉ nghe tiếng oẳng là đã bốc hơi, con mèo nào beo béo rời nhà loanh quanh trong ngõ chốc lát là mất hút. Biến nhanh hơn ảo thuật ở rạp xiếc. Mất mèo cho cũng lặng lẽ êm đềm, hòa bình thịnh trị.
Ra khỏi ngõ là quốc lộ. Mấy hàng phở sáng, vị phở ngào ngạt câu khách. Thỉnh thoảng vài chiếc ô tô đen bóng đỗ xịch…Khách vào chưa kịp nhấc thìa vắt chanh tra ớt, thoáng cái hai ba cảnh sát đã lặng lẽ xuất hiện. Họ không nói dù không ngậm tăm, chỉ có tay bận rộn với quyển hóa đơn. Khi buộc phải nói thì nói cũng nhẹ nhàng vì luật đỗ xe nó nói đủ rồi thì còn cần nói làm gì?
Chỉ tội chủ xe khi ấy hấp tấp lao ra, cười không thấy tiếng, tay quờ túi quần sau… nhưng chỉ nhận được bộ mặt nghiêm băng của luật pháp: giấy tờ chủ xe có chính chủ không, bằng lái, đỗ sai qui định…Bát phở ba mươi ngàn công thêm tám trăm tiền phạt, đau trong lặng im. Chả xe nào thoát, ai bảo nhu nhơ với luật pháp.
Cũng có lần chiếc xe đen đỗ xịch, ông mặc sơ vin vào quán. Mấy công an mẫn cán ập đến sau vài phút. Chủ xe ngoái ra lầm bầm gì như lời khấn nghe không rõ. Một cái khoát tay không nghe tiếng gió, mấy anh kia biến nhanh như lúc đến, mặc cho chiếc xe đen đỗ trái luật. Hỏi ra mới biết đó là một sếp trong ngành mới về hưu. Người trong nhà, và nhất là bề trên cũng có khác.
Phường tôi sống thật lặng lẽ, không chỉ riêng người ngậm tăm. Người không tăm cũng ngậm, vi người làng quê quen cơm xong ngậm tăm hoài, mãi nên quen, thành tật.18/1/2012
1 comment for “Hội chứng ngậm tăm”