Ngẫm về dư địa chí

Ngẫm về dư địa chí
doduc
Tôi đã đọc dư địa chí của một số vùng miền, những thông tin từ quá khứ dội về kỹ lưỡng đến chi tiết mà thấy vô cùng khâm phục người làm sách, cứ tưởng đến cả con chấy con rận cũng không bỏ sót. Vậy mà mãi sau này tôi mới hiểu ra rằng mọi sự trên đời chỉ là tương đối. Dư địa chí công phu thế nhưng cũng chỉ là những nét phác ra cái khung của lịch sử, địa lý. Còn vô vàn những đổi thay theo dòng thời gian có phải lúc nào cũng ghi chép được cả đâu… Lấy một ví dụ: Xã Bản Ngoại nơi tôi được sinh ra và lớn lên, đã từng có một địa danh là Gốc Nhội. Đó là một nghĩa địa mang tên loài cây lưu niên mọc ngẫu nhiên ở bờ rìa nghĩa địa. Khi người ta biết đến thì gốc cây nhội đã to cho cả người ôm. Cái tên cây từ lâu đã trở thành biểu tượng cho bãi tha ma, ai cũng biết, mặc dù nó chưa bao giờ hiện diện trên văn bản hành chính của địa phương. Giống như ở Hà Nội, chết thì người ta bảo là đi Văn Điển, ở thị xã Thái Nguyên người ta bảo là đi Dốc Lim! Ở xã tôi người ta bảo là đi Gốc Nhội…Mọi nơi khác chắc cũng thế cả, cái tên đôi khi chỉ gắn với cái gì đó cho dễ nhớ, dễ thấy. Cây nhội là giống cổ thụ có sức sống lâu bền hăng trăm năm, lá to bản, tán lá dày và xanh đen. Ánh nắng đừng hòng xuyên qua tán nhội. Còn lá nhội cứ rì rầm xanh đen bốn mùa. Màu xanh thái quá ấy trở nên huyền bí, và người ta cho rằng là do có ma trú ngụ mà lá nhội mới xanh đen đến thế. Ma Gốc nhội bao giờ cũng lì lợm, đáo để hơn ma cây gạo. Ở các vùng quê xưa, cứ đại thụ là luôn gắn với chuyện ma mồ linh thiêng, không biết điều đó có phải từ tín ngưỡng đạo Giáo mà ra không. Với đạo Giáo, vạn vật hữu linh, kể cả cây cối. Cây đã thành đại thụ là có tinh khí. Tấm bé tôi đã đôi lần phải đến bên gốc nhội vào ban ngày nhưng vẫn thấy ghê ghê. Đó là những lần đi đẽo vỏ nhội về nấu nước tắm ghẻ. Nước vỏ nhội chát đắng làm vết xước mau lành. Cũng vì những khả năng trị độc của nhội mà người ta hay tới thăm nom. Mỗi lần như thế, nhội mất thêm vài nhát vỏ, trên thân mình lại đeo thêm mấy sẹo lớn. Gần 50 mươi năm sau trở lại, góc nhội không còn. Vậy là nó sống không đủ tuổi thọ, chẳng biết do bị chặt hạ hay là bị sâu luỗng thân mà gãy đổ. Cây nhội không còn, cái tên Gốc Nhội lưu lại một thời gian vừa để đủ cho hai ba thế hệ biết đến gốc nhội khi trước ra đi hết. Bây giờ xã xây dựng nghĩa trang mang tên xã. Khoảnh đất đẹp ở giữa có đài tổ quốc ghi công. Xung quanh vài chục nầm mồ xây quét vôi trắng xóa. Tôi lang thang đọc từng tên một số bạn học cũ: Mai Công Thái, con ông Mai Công Phầu, anhThiết con bà quản Muối…hy sinh trong chống Mỹ. Hỏi ra mới biết đó chỉ là những ngôi mộ gió. Hài cốt còn ở đâu chưa tìm thấy. Trên đường tôi thử hỏi một đứa trẻ về nghĩa địa gốc nhội, nhưng nó lắc đầu không biết. Nó bảo chỉ có nghĩa trang xã Bản Ngoại mà thôi, chứ làm gì có nghĩa địa gốc nhội nào! Thế đấy, chỉ chừng 50 năm thôi, đã khuất bóng một cái tên… Việc đó cho thấy gì? Nếu đi ngược thời gian thêm nữa thì chưa chắc đó là bãi tha ma. Có thể nó chỉ là khu đất hoang xương xẩu, những bụi sim mua cằn cỗi. Còn mai này nó mà được cắm vào khu quy hoạch gì gì đấy thì biết đâu lại có bộ mặt mới tiên đồng. Ở Hà Nội, tính từ sau 1975, quãng đường ngắn từ Cửa Nam đi Cầu Giấy chỉ 7 km mà cũng bao nhiêu biến đổi. Đấy, ngang qua Ngọc Khánh, cả một nghĩa địa bên đường được di rời để xây một khu nhà to mấy tầng cho một công ty. Thời gian ấy con nghe nói cứ đêm về là ma dựng giường của bảo vệ, quấy phá giấc ngủ. Đến bây giờ tôi không còn nhận ra vị trí của nó vì sự bề thế của dãy phố mới đã làm lẫn tất cả. Rồi ngôi mộ đá đánh dấu nơi trung úy Pháp Henri rivie bị quân cờ đên Lưu Vĩnh Phúc giết trong một trận thách đấu, ở bên lề đường, trước bưu điện cũng mất luôn dấu vết. Cũng như bây giờ chẳng mấy ai biết chỉ mấy chục năm trước, từ khách sạn Daiwu kéo xuôi đến Kim Mã là dãy ao hồ dài sườn sượt, lạnh lẽo và vắng vẻ kinh người. Chuyện bãi bể nương dâu như thế chỉ là khoảnh khắc, xảy ra ở khắp mọi nơi, chỗ nào cũng phơi phới như lên đồng, khiến diện mạo thành phố đổi nhanh hơn cả họa sĩ vẽ tranh! Trở lại câu chuyện trên vùng đất tôi đã lớn lên. Nơi ấy từng có một cánh đồng mang tên Đầm Sen, vậy mà tôi chưa bao giờ thấy một nhánh sen dù chỉ là một búp nhỏ. Cái đầm Sen mà tôi thấy lần đầu chỉ là một vùng đất lầy thụt đầy cỏ ống cỏ lác, đầy cỏ tróc, rau dừa. Chỗ không cỏ mọc thì rong đuôi chó, ngổ dại ngự trị. Gần giữa khu đầm lầy có một cù lao nhỏ với một số loài cây chịu nước mọc lô xô làm nơi trú ngụ cho lũ cò diệc. Thường chúng tụ hội với nhau vào buổi tối, không phải vì lòng thân thiện, mà chỉ vì đó là chỗ nghỉ qua đêm an toàn nhất. Ở đây có đủ cành cao cho những loài ưa thoáng mát như cà kiêng, sáo sậu, sáo đá, chim ri, và nhiều nhất vẫn là họ nhà cò vạc. Bọn này thường cậy thế đông đàn dài lũ kéo về cả bầy, kềnh cang hết mọi chỗ rồi phóng uế vô tội vạ. Lũ bồ các cùng đồng tộc sáo sậu to mồm nhất cũng bất lực không can thiệp được vào lối sống bất cần của họ nhà cò, đành chọn cành tót vót để tránh đụng chạm. Ăn ở nơi tập thể thì cần biết nhường nhịn, lũ chim chóc thường nhắc nhau rằng một điều nhịn,chín điều lành, nhưng nào đã yên cho đâu với hội cò diệc. Có hôm trời chưa sáng hẳn bỗng anh chiền chiện hét toáng lên nhoài khỏi chỗ ngủ vì bị một nàng cò không lành dạ, toẹt cho một bãi trúng đầu, tanh tưởi đến lộn mửa, nhưng rồi cò vẫn chân co chân duỗi lặng thinh chẳng thèm hé miêng xin lỗi một lời. Việc đó làm cả xóm chim chộn rộn. Nhưng rốt cuộc cũng chẳng đâu vào đâu, vì không có ai chịu đứng ra phân xử, trong lúc giấc ngủ để giữ sức cho ngày mai đi kiếm ăn còn thực tế hơn, nên tất cả đều nhanh chóng rụt cổ lại thả mình rim mắt, mặc kệ sự đời. Những chuyện như vậy ở xóm chim này xảy ra như cơm bữa. Còn kín đáo như bìm bịp, dù có tai nghe mắt thấy những chuyện trên nó cũng chẳng bao giờ tranh luận. Nhưng khi chẳng có chuyện gì thì tự nhiên nó lại rống lên:“bip bịp bip…”.Nghe bảo thực ra không phải bìm bịp thờ ơ, mà là cái đầu của nó xử lý thông tin chậm khiến câu trả lời ậm ạch như máy tính bị nhiễm virut. Lai cũng có lời bàn rằng bìm bịp vốn là giống đa nghi, nó cho rằng mọi chuyện trên đời đều là bịp tất, nên thường sống sượng phát ngôn kiểu ấy. Rốt cuộc chẳng ai chơi với nó, khiến nó chẳng bao giờ có bạn. Vợ chồng chỉ biết bám dắt nhau rúc rích trong bụi rậm, thỉnh thoảng lại chọc tức thiên hạ bằng cách hét toáng lên từ chỗ tối tăm ấy : bịp bịp bịp…một cách thich thú. Nhưng việc làm ấy cũng không gây được ấn tượng gì, chẳng ai để ý đến trò chơi vô duyên nhạt nhẽo của nó cả. Nhưng có một chuyện nó hiểu không phải là chuyện bịp. Đó là rượu bìm bịp rất tốt cho điều trị dương suy. Nên nó trở thành đối tượng bị con người săn đuổi.. Để sống, bìm bịp phải luyện môn võ lủi thật cừ. Trong các cuộc thi lủi, bìm bịp luôn giành vị trí quán quân…
Cù lao đó chính là một chung cư náo nhiệt sống động nhất vùng. Cứ chạng vạng mặt trời gác núi thì từ bốn phương tám hướng chúng ríu rít bay về. Việc trú ngụ ở chỗ nào là thóí quen của từng loài. Đặc biệt là chúng luôn nhớ chỗ ở quen thuộc. Đi sớm về muộn, không bao giờ lầm lẫn. Rủi có động phải chuyển chỗ bất ngờ trong đêm thì hôm sau vẫn tìm về chỗ cũ. Cũng vì thế mà hầu như không có việc chiếm chỗ của nhau . Nếu có xảy ra xô sát thì nguyên do ở các chuyện khác chứ ít khi là chuyện chỗ ở. Dưới mặt đất, lũ chuột đồng làm mưa làm gió. Nó chỉ ngán khi gặp rắn ráo. Đã gặp thì chắc chắn từ biệt thế giới này mà không bao giờ kịp nói lời cuối cùng trong đời! Vì rắn ráo ra đòn rất nhanh và chính xác. Nó là loài sát thủ tầm cỡ đối với loài chuột, nên con người còn gọi nó là rắn săn chuột theo chức năng nghề nghiệp..
Tôi đã lần mò không biết bao nhiêu lần trong cái cù lao hoang dã ấy. Nhiều năm hầu như vùng đất ấy không thay đổi. Nó chỉ biến dạng dần khi số dân trong vùng tăng lên, người ta cần đất canh tác nên đã mon men vỡ vạc. Cũng chỉ là những con trạch chạy thườn lườn theo rìa đầm cắm được vài ba hàng lúa. Ra xa hơn một tí là cả túi bùn óc chó phềnh phàng màu trắng gio cứ đùn lên lục bục trong những ngày nắng rát,ai trông cũng sợ. Chẳng có thứ cỏ nào mọc ở chỗ ấy được.
Thành ra cánh đầm sen rộng vài chục hecta trông như cái đầu trốc khổng lồ, chỗ trơ da, chỗ mọc tóc, chỗ đầy vẩy cứt chó, lô xô như mái ngói cũ, cứ lởm khởm quanh năm trong thế giới của chim chuột. Cho đến năm 1960, khi hợp tác xã nông nghiệp được thành lập, với khí thế ngất trời vẽ lại bản đồ đồng ruộng, làm bờ vùng bờ thửa, đào mương trục mương nhánh. Trục mương chính ngẫu nhiên chạy sát mép hồ, tưới cho cánh đồng xóm Quẵng, còn nước thừa được đổ tiếp ra dòng sông Công. Lòng mương được đào thấp hơn đáy đầm . Thế là ngòai việc tưới tiêu, trục mương ngẫu nhiên thành chỗ tiêu úng cho cái đầm lầy lì lợm. Một năm, hai năm, rồi ba năm…lòng đầm tự thu hẹp dần, nước ót đi, đất dần rắn lại. Phần đất rắn mạnh ai nấy cuốc, be bờ thành ruộng. Chỉ phải cái đất còn chua, nên cây lúa còn khép nép nhẳng ra, vì rễ xót nước phèn.
Mươi mười lăm sau, đầm sen lầy thụt trở thành cánh đồng đầm sen rộng vài chục hécta ruộng loại một. Cái tên Đầm Sen là vẫn còn, nhưng thêm hai chữ cánh đồng ở phía trước. Cù lao chim không còn tí dấu tích. Khi con người kiếm được thửa đất lớn cho mình thì lũ chim cò phải dạt vào rừng sâu là lẽ đương nhiên
Câu chuyện đầm sen là như thế, nó chưa thành cổ tích, nhưng nó đã là một phần của cổ tích.
Tôi đoán chắc rằng xa xưa nó đúng là đầm thả sen. Sau đó bị con người bỏ rơi rồi thành sình cỏ lác mà vẫn còn đeo tên đầm sen là vì thế. Còn hôm nay khu đất đầm sen có ô có thửa, thành ruộng loại một thì lại là câu chuyện khác.
Những chuyện trên là của “dư địa chí”, chuyện của thực địa, là lịch sử từng thời , và là khoa học. 9/8/ 2007