doduc
Đầu mùa hè mà trời vẫn mát như thu. Vậy mà đột nhiên tuần nay nóng bùng lên như lò quạt chả. Thời tiết đỏng đảnh bất thường giở chúng như cơn bốc hỏa của đàn bà khó tính…Đang mát mẻ thì đùng đùng nắng lửa rồi mưa xối xả, rồi oi bức liên miên.
Sáng 8/7/2022, trời đẹp. Anh bạn trẻ Hoàng Xuân Tuyền nổi hứng rủ về chơi làng Xuân Cầu ( Xã Nghia Trụ- Văn Giang Hưng Yên). Ừ thì đi! Thế là ok đi.
Xuân Cầu là ngôi làng cổ, nơi sinh của Hoàng Đình Tài. Tuyền với Tài là quan hệ cậu cháu, theo đằng vợ.
Trước cách mạng làng này có một đại điền chủ họ Hoàng Đình là cụ Lý Chấn tài sản hàng trăm mẫu đất. Chắc là đất khai hoang phá rậm. Con người chí thú với đất, mở mang bờ cõi ra bốn hướng đông tây nam bắc, giàu có như Thạch Sùng. Ông có ba người con giai, đặt luôn tên Phúc -Lộc- Thọ , là ba niềm kiêu hãnh về sự đầy đủ viên mãn.
Cũng bất ngờ là ngôi làng nhỏ Xuân Cầu ấy, bên cạnh điền chủ danh tiếng, còn có những danh tiếng khác vang lừng hơn. Đó là nhà cách mạng Tô Hiệu, danh họa Tô Ngọc Vân, có ông “ Bước đường cùng” Nguyễn Công Hoan và nhiều người danh giá khác ít nổi tiếng hơn nhưng có vị thế quan trọng trong chế độ hôm nay.
Nhưng thôi, những chuyện đó dành cho những nhà sử học. Còn đánh giá ư? Người nhà quê coi trọng điền thổ. Không có đất thì ăn cám. Hoạt động gì thì cũng phải lụy cái ăn, họa sĩ, nhà văn cũng vậy. Không ruộng không thóc lúa thì chết đầu nước, chứ hay hớm gì khoe nghề này sang, nghề kia trọng!.
Hôm nay về cái làng mà anh giới thiệu như làng cổ ấy không còn thấy cánh đồng xuôi tầm mắt. Làng đã được sin sít những căn nhà mới xây là phẳng đi gần hết các vết tích cũ. Có chăng còn tí đình chùa miếu mạo chưa dám phá. Nghễu nghện những căn nhà bê tông đóng hộp với dáng vẻ của thời đại giàu tiền nhưng nghèo tri thức thẩm mĩ, hiên ngang bước vào kinh doanh thị trường, không sợ bố con thằng nào!
Ấn tượng trong vài giờ ngắn ngủi ở Xuân Cầu với tôi là cái cổng làng xưa xây dày dặn kĩ lưỡng, nay đổ vỡ, chỉ còn lại một bên cửa ngách. Nhưng chỉ nhìn phần sót lại cũng biết ngay nó bề thế, đẹp. Tuyền bùi ngùi: Đường làng to ra nhưng bê tông toàn tòng bác ạ. Xưa đường lát gạch nghiêng, nắng sạch, mưa ráo rất nhanh, nước không đọng và không có bùn vữa nhớp nháp như giờ. Tôi bảo đường lát gạch nghiêng là đặc điểm rõ nét của các làng Bắc Bộ. Trai gái cưới xin nhà nào chẳng phải nộp treo cho làng dăm ba trăm viên gạch để sửa đường làng. Làng xưa đã là xã hội dân sự dân chủ rồi, Làng có lệ làng, có hương ước, nội trị rất nghiêm khắc!
Điểm nhớ thứ hai là ngôi nhà thờ của điền chủ họ Hoàng Đình mà chế độ mới thu giữ đã kịp chuyển mục đích xử dụng, kịp áp đặt lên trán nó ba chữ chẳng ăn nhập gì với kiến trúc: “Nhà văn hóa…”. Còn cái sân rộng hôm nay thì la liệt bàn ghế cho buổi tiêc cưới sắp mãn cuộc. tiện quá! Thấy chúng tôi một bác già ngỡ là khách đám cưới đến muộn, vui vẻ “mời hai bác vào mâm” thay cho lời chào.
Tôi lặng lẽ nhìn ngôi nhà thờ họ Hoàng Đình thất thế, nhem nhuốc rêu phong như một quý tộc già bất lực, bị đám đày tớ vây quanh áp đảo. Những mặt nhà mới xây, lấc cấc, trơ tráo hãnh tiến và đầy vẻ nạt nộ ken sít từng tí đất, hết cả đường chuột chạy! Nhìn cái di sản quá khứ co rúm lại xung quanh các khối bê tông lớn nhỏ không hàng lối bỗng nhận ra thế cuộc nào bề thế mấy rồi cũng đến ngày thay đổi. Chẳng có cái gì muôn năm trong dòng chảy thời gian.
Cả cái làng chỉ còn lại hai vết tích của quá khứ. Nó trở nên nhỏ nhoi, nhọ nhem và rúm ró. Sẽ chẳng bao lâu nữa, phần sót lại ấy sẽ mất hẳn dấu tích trong làn sóng rầm rộ đô thị hóa làng quê.
Tuyền giới thiệu tôi về họa sĩ Hoàng Đình Tài người Xuân Cầu, là cháu của cụ lý Chấn có ngôi nhà thờ họ này. Thì ra đâu có lạ. Tài là bạn nghề tôi quen biết và chúng tôi chơi với nhau đã mấy chục năm. Anh là con ông Lộc ( Hoàng Đình Lộc), người con giai thứ 2 của cụ đại điền chủ Lý Chấn. Một gia thế như thế đương nhiên là đối tượng đầu tiên cách mạng sẽ trừ khử. Thời trẻ bố Tài từng là một cua- rơ nổi tiếng của xứ Đông Dương. Nhưng rủi thay một lần bị nghi án là người của tổ chức cách mạng, nên ăn đòn thực dân. Người bố giàu có đem cả đống tiền chuộc con ra nhưng ông cũng chỉ sống thêm vài tháng, sau những cú đòn hiểm độc của mật vụ Pháp. Mất bố sớm, thiếu thốn tình cảm nên đời có phần vạ vật, nay dựa chỗ này, mai ở chỗ kia.
Trước khi Cải cách ruộng đất xảy ra, năm 1956, một quân nhân là người trong họ là đã về rỉ tai với đại điền chủ về mối nguy tương lai. Thế là ông lặng lẽ bỏ lại tất cả, chỉ thu vén chút của chìm kéo cả nhà vào Nam. Cuộc trốn chạy đó của người cha trót lọt, nhưng con dâu, bà Tô Vị phải ôm con chạy về Hải Phòng khi dòng họ điền chủ này bị quy là địa chủ và tài sản bị tịch thu hết. Về Phòng, mẹ góa con côi vẫn không thoát ân oán cách mạng, nhà vẫn bị tịch thu! Rồi phải ra thuê chỗ ở ngoài chợ Sắt lần hồi. Là cháu đại điền chủ, nên ân oán rồi cũng dần lĩnh đủ, dù chẳng gây nên tội tình gì. Với tình thế ấy, Tài sớm thức tỉnh xin vào lính để chữa cái lý lịch tối om kia. Anh lấy bút danh Hoàng Tài Vị ( Vị là tên mẹ) hàng chục năm ở chiến trường anh ghi lại rất nhiều kí họa chiến tranh. May mà không dính bom, giữ được cái gáo trở về. Trời cũng không nỡ lấy hết những gì của ai! Rời quân ngũ, anh mới chính thức đủ tiêu chuẩn đặt chân vào trường Đại học!
Bây giờ Tuyền kể chuyện tôi mới biết, những năm học đại học, mẹ Tô Vị của Hoàng Đình Tài đã rời Hải phòng lên bán nước ở Công viên Thống nhất lấy tiền nuôi anh theo học. Cũng không ít lần anh gói trộm kẹo lạc, tí vốn liếng nhỏ nhoi của bà, đem đến trường chia cho bạn bè. Ai cũng có thời của mình, có những nỗi khổ chẳng giống nhau trong cuộc dấn thân vào đời. Để đi theo tiếng gọi của nghệ thuật Tài cũng bầm dập lên bờ xuống ruộng không biết bao lần .
Khoảng 2008 làm triển lãm sơn mài đầu tiên, Tài nhờ tôi viết giới thiệu. Xem tranh anh, tôi bảo: Tranh ông toàn làng quê và đàn ca sáo nhị, không có tí vết tích nào của chiến tranh. Sao thế? Tài cười hào sảng: Tôi coi chiến tranh là một công việc . Xong việc đó rồi ta đi làm việc khác, nhớ tới nó làm gì.
Một suy nghĩ thật bất ngờ nhưng cũng thật hay!
Tài ra đi năm 2016 sau một thời gian chống chọi với bạo bệnh. Giới hội họa mất đi một họa sĩ mê đắm với sơn mài, đang triển khai những dự định lớn lao. Bài viết này tôi chỉ nhắc lại chút kỉ niệm về anh chứ không nói về nghề và thành quả anh đã làm được. Thành quả của anh cũng rất lớn. Và càng thấy lớn hơn khi biết anh có một cuộc đời lận đận mà đã phải sải bước để đi qua. Anh cũng “hưởng” một phần không nhỏ bi kịch thời đại từ gia đình và bản thân anh phải khắc phục những cái “tội lỗi” không thuộc về mình. Cuộc đời là thế. Bao nhiêu người hàm oan, bao nhiêu kẻ tiếm quyền hãnh tiến cướp bóc ngay chính đồng loại của mình mà vẫn sống nhơn nhơn. Nhưng tôi nghĩ không sao, Đó là những thử thách cho con người trở nên rắn rỏi hoàn thiện. Đến kim cương cũng phải mài giũa mới cho ra hết vẻ đẹp nữa là con người.
Một buổi rong chơi Xuân Cầu để lại quá nhiều cảm xúc. Thương bạn tôi đã nằm xuống ở nghĩa trang quê hương, bỏ dở cuộc chơi một phần, thì phần còn lại thương làng xưa cũng không ít! Những giá trị cuối cùng của văn minh phong kiến như mẩu cổng làng hoặc ngôi nhà thờ họ Hoàng Đình đều bẹp dí, im thin thít trước sự bao vây của xi măng sắt thép thời kinh tế thị trường dã man đã nói lên tất cả. Chúng đang ngoe nguẩy cất cao giọng hát thời hãnh tiến của mình! Tất cả đang sang trang sử mới của một thời đại mới. Thời đại mà tôi đồ rằng nó chứa khá nhiều bất trắc và những mối nguy hại bất thường còn đang ẩn náu rình rập tất cả mọi người..10/7/2022