dongngan
Ông là người hiền hậu. ngày xưa có chụyện thày Tôn Qủa đi đường gặp con kiến cũng để mắt tránh không dẫm chân lên nó; cụ Vịnh, bố vợ tôi thuộc diện người như vậy.
Ông rời giảng đường 40 năm rồi
Là cựu sinh viên trường Bưởi, tuổi trẻ ông được học hành đầy đủ, tiếng Pháp làu làu, ông đọc tiểu thuyết các tác gia Pháp bằng nguyên bản.
Nhưng ông không phải người năng động. Là nhà giáo nền nếp , sống vuông vắn và gọn trong khuôn khổ đó. Rất ít khi thấy ông khen chê ai, chỉ lầm lũi đọc sách và bận rộn với công việc của mình.
Ông sống hướng nội, ít bạn bè.
Tính nhẫn nại của ông ít người bì kịp, mà có ý thức hẳn hoi.
Một lần thấy ông ngồi lặng lẽ kể một câu chuyện, thình thoảng ông còn hỏi lại, gợi ý cho rõ hơn. Khách ra về tôi bảo” Chuyện ấy cậu biết rồi, sao cậu còn nghe mà hỏi đi hỏi lại thế” thì cụ bảo: “ Ừ thì biết , nhưng người khác kể biết đâu lại có tình tiết mới?”
Qua câu chuyện với ông, tôi được một bài học là hãy lưu ý đến nhiều góc nhìn một sự vật.
Những năm cậu út đi Liên xô học tiến sĩ triết học, ông đã gần bảy mươi, thế mà ông mua sách tự học tiếng Nga, rồi viết thư bằng tiếng Nga trao đổi với giáo sư dạy con mình. Nghe chuyện tôi chỉ biết lè lưỡi bái phục.
Hồi nghỉ hưu thấy ông không có việc gì làm , đọc sách mãi cũng chán, tôi gợi ý cụ dạy tiếng Pháp cho thêm thu nhập. Lúc ấy nhiều cơ sở thiếu giáo viên ngoại ngữ, ông lại từng là nhà giáo thì có kinh nghiệm, nếu dạy ở nhà cũng đắt khách, nhưng ông lặng lẽ từ chối. Ông chỉ quen làm nhà nước lấy lương chứ không quen dạy thuê kiếm tiền mặc dù nhà nghèo, để đủ sống bà phải mở quán bán hàng khô nhặt nhạnh thêm tiền. Cái tâm lý của người thời bao cấp trong ông hơi nặng nề, hoàn toàn thiếu tính năng động.
Có lần sang chơi , thấy ông đang ngồi tính toán với ông bạn về hưu ngoài sân. Bảo, thế tháng này tăng lương , tôi với cụ thêm mấy trăm nghìn lẻ…
Tôi bảo “ Cậu tính toán mấy đồng thêm thắt ấy còn thấp hơn trượt giá làm gì cho ươn người. Lạm phát nó móc túi của cả nước, các cụ nghe tăng là bị lừa đấy. Ông hỏi, sao anh biết. Tôi trả lời, “ Cậu không đi chợ không biết, vẫn năm chục , năm ngoái mua được cân thịt, năm nay chỉ mua được nửa cân. Muốn biết kinh tế lên xuống thì cậu hỏi mợ ấy, mợ là người đi chợ, không gì giấu nổi các bà nội trợ đâu, dù các bà ấy chẳng bao giờ học chính trị kinh tế học! Lúc ấy ông mới à. Hẳn nào thấy bà kêu ca quá, anh nói tôi mới biết.
Đấy không nói ra thì ông ngoại tôi cứ lạc quan như nhiều bác lãnh đạo cấp cao, thấy tăng được tí tiền tiền sẽ lại bảo đất nước có bao giờ được thế này chăng cho mà xem.
Sau này, những năm đạo đức xã hội xuống cấp, nảy sinh nhiều cán bộ tha hóa trong tham nhũng, ông đọc báo biết cả nhưng cũng không kêu ca gì, Có nói chuyện thì ông lại né “ có chuyện thế thật à?”
Thấy ông nhàn rỗi quá, một hôm sang chơi, tôi bảo “ Cậu tìm ít tiểu thuyết Pháp dịch đi, con gửi in cho. Nhưng cậu nhớ chọn những cuốn hết quyền bảo hộ của công ước Bơn nhá”.
Ông nghe theo và lụi hụi ra thư viện quốc gia tìm sách dịch.
Chừng 20 năm dịch dọt cụ chuyển ngữ được chừng 30 cuốn truyện.
Có một lần ông kể cho thằng con rể này nghe câu chuyện đi nhận nhuận bút. Sách in ở nhà xuất bản Hà Nội, họ thường trả khoán từ 1 đến 1,5 triệu một cuốn. Lần ấy cụ ra lĩnh cuốn to, được một triệu rưỡi. Chưa lần nào dịch sách được nhuận bút to như thế nên ông gói ghém cẩn thận, định bụng về khoe với bà. Đến tuổi nào thì cuộc sống chỉ còn sự chia sẻ của ông với bà thôi chứ con cái có khoảng trời góc sân của nó. Cụ gói số tiền vào bọc giấy nhét vào túi áo trong cẩn thận, bên ngoài còn khoác áo mưa! Cứ thế lên xe buýt . Lúc ấy cũng như bây giờ, xe buýt trộm cắp như rươi.
Thế mà về đến nhà sờ vào túi hóa ra mất mất từ lúc nào.Kẻ cắp dùng dao lam cắt qua áo mưa và đúng đáy túi lấy gọn bọc tiền
Cụ bảo hôm đó là ngày đau đớn nhất trên đời, bần thần mất đến cả tuần.
Cuốn sách đầu tiên tôi viết là cuốn “ Chuyện đời”, tôi mang biếu. Ông đọc và bình luận, “ anh viết dễ dàng mà sâu sắc lắm, câu chuyện nào cũng như hiện trước mắt cảnh vật và con người”.
Rồi một hôm ông gửi cho một xấp gần chục tờ A4 , bản phô tô .
Hóa ra ông cũng tập viết những câu chuyện xung quanh còn nhớ được.
Đọc mới thấy trí nhớ ông thật trác tuyệt ở tuổi ngoài chín mươi.
Nhưng đó chỉ là những mẩu vụn riêng tư. Đọc thấy chi tiết nhưng là sự kể lể cái mình thấy, cái mình có được nên rất nhanh trở nên nhàm chán, nhất là trong câu chuyện lúc nào cũng nhắc đến cái “ tôi”. Tôi bảo “Cậu hãy đứng ở ngoài câu chuyện thì sẽ hấp dẫn hơn.
Nhưng ông đã qua cái tuổi có thể thêm thắt gì trong đầu, qua cả cái tuổi rút kinh nghiệm dù ngày đi dạy, nên chẳng làm được gì hơn, chẳng thể thay đổi được gì, dù tôi từng thấy trong giáo án hồi còn đi dạy của ông có soạn một bài giảng về cách viết một truyện ngắn. Tất nhiên đó là những công thức có tính làm mẫu.
Đúng là lý thuyết thì dễ, làm thì khó, ông dạy viết truyện nhưng viết không nổi một cái truyện ngắn cho mình.
Năm 2002 bà mất, ông xuống dốc từ đấy.
Năm 2003, con gái thứ 4 trong nhà là nhà tôi mất, lại một đòn chí tử giáng xuống cuộc sống tinh thần vốn đã hiu hắt của ông
Mắt ông mờ dần theo tuổi tác. Cách đây 2 năm, chị con gái cả mất, ông khóc không ra nước mắt.
Tuổi già không có gì suy sụp nhanh bằng mất chỗ dựa tinh thần, chứ không phải mất miếng ăn.
Sau đó ông gần như chỉ dậy khi đến bữa ăn, còn lại là cuộc ngủ triền miên.
Ngày 15/11 , vào 15giờ 30 trái tim ông ngừng đập.
Chị con gái thứ hai bảo tôi, ông tuổi Thân, mất năm Thân, giờ Thân chú ạ.
Tôi bảo thế là ông về cõi đúng giờ đúng hẹn. Ông đã ra đi sau một giấc ngủ êm đềm không tỉnh dậy nữa.
Chú em tôi bảo, nếu ông tuổi Thân thì không phải sinh 1916. Đây chỉ là trên căn cước chứ không phải năm này. Tôi bảo , cũng không quan trọng, bởi các cụ thuộc 65 tuổi Đảng thì có cụ nào gọi đúng tên và ghi đúng ngày sinh đâu. Ông ngoại tôi người thật thà chân chỉ nhưng ngồi trong cái lò bát quái thì cũng thành viên linh đan của Thái thượng lão quân thôi. Tôi biết ông chẳng gian dối gì, mà đi hoạt động nó cứ đưa đẩy thế, biết làm sao.
Tôi nghĩ ông sẽ sớm về cõi Phật , vì tôi nhận ở ông khi còn sống đã như Phật sống rồi.
Cầu nguyện cho ông sớm siêu thoát.
Ông về Tây Trúc bên đó có bà, có anh con giai cả và hai bà con gái hiền hậu cùng đoàn tụ. Ông đi vui vẻ nhá , ông ơi.
Namô Adi đà phật.
16/11/2016