Thợ gò
Ông là lính Điện Biên xuất ngũ với cái lý lịch cố nông. Văn hóa ông khai lớp ba. Ba bốn mươi năm trước đây thì lớp ba cũng đuợc coi như học vấn trung bình của cấp phổ thông vì lúc ấy dân ta còn ít chữ lắm.
Xuất ngũ, theo nguyện vọng ông được về làm một nhà xuất bản khu vực. Lúc ấy xin việc cũng dễ. Đã là lính lại có thành phần cố nông, gửi hồ sơ đó vào đâu là coi như đã thắng quá nửa. Tôi hỏi ông sao lại thích làm việc ở nhà xuất bản thì được ông trả lời đơn giản rằng có năng khiếu văn thơ. Ông khoe bài thơ dài nhất ông từng làm cho tôi xem, nó là thế này: sáng nay em đi ra đồng/ thấy cỏ nhiều quá chổng mông em cào/ ra về ống thấp ống cao/ nhưng vui vì lúa không còn cỏ xanh. Ông bảo bài thơ được ba câu, câu thứ tư thất vận nhưng khó gò quá. Nhưng lần đầu sáng tác đạt ba phần tư, nghĩa là 75% thế là được. Buổi tối tại sân tập thể, ngồi hút thuốc vặt và ngắm trăng suông, tôi hỏi ông về mẹo làm thơ. Ông bảo dễ ợt, thằng em mà muốn học thì ông chỉ cho. Ông bảo làm thơ khó ở chỗ gò chữ cho nó vào vần là xong chứ khó gì, cũng như nặn cái nồi cái vung ấy thôi, quen tay thôi mà. Tôi bán tín bán nghi về nghệ thuật gò thơ của ông nhưng cũng chẳng đủ lý luận để vặn lại. Sao thơ phú lại đơn giản thế , lại giống cách nặn nồi?
Cũng may thời ấy làm sách, các tác giả đã chững chạc mới dám đem bản thảo tới nhà xuất bản.Ông làm biên tập giống người ngồi đọc sách chơi, giết thì giờ chứ chẳng bao giờ phải chữa chạy lấy một từ. Trừ một lần duy nhất ông chữa chính tả, chữ ra đồng thành gia đồng với ý nghĩa gia là nhà. Ông lập luận rằng người nông dân coi ruộng đồng như cái nhà mình, thì chữa gia là đúng. Tác giả uất đến mức trợn mắt không nói lại một câu, giằng lấy bản thảo chạy thẳng lên gặp tổng biên tập – đã xảy ra dăm vụ lùm xùm như thế- Không rõ họ làm việc với nhau thế nào, nhưng sau đó ông được tổ chức chuyển xuống làm làm phát hành. Ông định lên vặn vẹo lý do bị chuyển dịch khỏi công việc ông đang thích, nhưng ngẫm nghĩ rồi lại thôi. Ông bảo làm biên tập lại gặp vài tác giả điên kiểu ấy thì cũng chán lắm. Mới chỉ gặp một lần đã mang họa, nếu lần nữa thì sao!
Nhưng tấm lòng với thơ thì chưa bao giờ ông dứt ra được.Trong túi ông có cuốn sổ nhỏ tự đóng và một cây bút chì HB của hãng Hồng Hà, lõi nhỏ và cứng như tấm lòng yêu thơ của ông luôn kè kè . Ở đâu có chút thì giờ là ông đều tranh thủ gò thơ. Bây giờ thì ông đã viết được dài hơi hơn. Từ ngày thơ Bút Tre xuất hiện ông như tìm được tri kỷ. Ông cho rằng lối viết của Bút Tre là cuộc cách mạng đại nhảy vọt trong thơ ca. Nó giúp ông gỡ thế bí . Ông cười hê hê: lão Bút Tre mới tài chứ! Thợ gò chính hiệu đấy. Thế là mình đã có một người thày. Tôi nhìn ông nể phục: đầu đã bạc trắng bên cửa sổ nghỉ hưu mà ông mới tìm ra thày để bái sư hành đạo, thế là con người có chí khí lắm.
Nhưng ông làm thơ chỉ là cất giữ cho mình, thích thì ngâm ngợi bàn trà cho vui chứ chưa bao giờ gửi đăng. Ông định khi được một tập dày dặn thì in hẳn một quyển. Khi nào in thì chưa rõ, nhưng vội gì. Ông biết có anh làm được vài bài, thấy đỏ tưởng chín đem gửi cho báo mãi chẳng thấy in, thật bẽ! Ông thì chẳng dại thế.
Cũng vì thế mà cho đến khi nghỉ hưu, ông chưa có một lần xuất hiện trên mặt báo bài thơ nào, dù tâm hồn suốt đời dành cho Thơ, suốt đời nặng lòng với nghiệp gò thơ. Ông sắm cái bơm với hộp nhựa vá ra ngồi đầu đường nhặt thêm đồng tiền lẻ rau dưa cho bà vợ già đỡ khó chịu với nghề gò thơ mà bà luôn cho là vô tích sự. Nhưng kiếm cũng chẳng được mấy nỗi, vì khi đầu vấn vương với ý thơ để chuẩn bị gò thì khách xịt lốp cần bơm vá gọi ông cũng không nghe thấy. Chỉ béo thằng cu Nghếch ngồi cách ông vài sải tay mà luôn ứ việc. Ông biết thế nhưng lại thấy hay vì nếu không có nó đỡ cho thì ông mất nghề gò à?
Thằng con ông thì không theo nghiệp bố. nó thi vào ngành nguội cơ khí, làm gò hàn gì đấy. Có lẽ có gen thợ gò mà nó thành tay thợ cừ. Mỗi lần thi tay nghề nâng bậc nó lên vèo vèo. Khi có ai mượn chén nửa đùa nửa thật chê ông nghề gò thơ của ông không bằng nghề gò tôn của con, thì ông bảo ngay: Chuyện! ai lại đi ví thượng tầng kiến trúc với hạ tầng cơ sở bao giờ, có mà dở hơi à? Ông vẫn nuôi ý chí gò thơ suốt đời.
Mấy năm sau ngày ông mất, tôi hỏi con ông đã soạn thảo in cho bố tập thơ như lòng mong mỏi của ông khi còn sống không vì bây giờ in thơ rất dễ xin giấy phép mà tiền lệ phí cũng chẳng là bao. Nó bảo cũng định đấy nhưng tại ông chỉ gò thơ bằng bút chì, lại cứ luôn để cuốn sổ trong túi nên nhiều câu chữ bị cọ xát bào mòn. Bây giờ mở ra thì chữ còn chữ mất, vần vèo chẳng ăn vào nhau, nghe cứ ngang phè thì làm sao in được. Còn nó lại không biết sửa vì không có mẹo gò thơ.
Nhật Tân 21/1/2007