Xem bóng đá…và ngẫm
Doduc
Mùa Túc cầu thế giới đã vào cuộc. Cả thế giới vào cuộc với túc cầu. Người này thì đơn giản khoái coi anh tài túc cầu thế giới góp mặt, người khác thì xông vào cá độ. Thắng thì reo vui, thua thì hậm hực để tiếp tục theo cơn khát nước.
Có mỗi trái bóng với 22 cầu thủ trên sân chia làm hai dể đối kháng mà sao sức cuốn hút ghê vậy!Thế giới có hàng trăm môn thể thao hấp dẫn , mà sao chỉ bóng đá được coi là môn thể thao vua. Chẳng ai bầu, mà bóng đá cứ đương nhiên ngự ngai vàng như vậy. Có bao giờ ai đó đặt ra câu hỏi tại sao không?
Chắc cũng có theo từng cách nghĩ của mỗi người.
Ngẫm cho cùng, bóng đá được coi là thể thao vua là quá chính xác bởi nó mang tính triết lí dại diện cho cuộc sống. Sự đối kháng trong thi đấu thể thao là giống nhau, nhưng bóng đá với 22 cầu thủ trên sân chia thành 2 đội nó giống hệt cuộc sống đời thường của một cơ thể hoàn thiện mà các môn thể thao khác không đuợc như nó.
Ngày bé trong trường phổ thông tôi được học cả bóng đá, mới biết trên sân bóng mỗi bên có thủ thành là cầu thủ giữ gôn, có hàng hậu vệ dàn hàng ngang giữ mặt gôn, có cầu thủ chạy cánh gọi là đi en để cản đường tấn công của đối phương theo tiểu lộ và kiến thiết bóng ở hành lang. Có hàng tiền vệ giữ khu trung tuyến tranh chấp gữa sân với đối phương vừa là phòng thủ ngoài cùng vừa là tranh cướp bóng cung cấp cho hàng tiền đạo làm bàn, còn hàng tiền đạo gọi là trung phong thì xử dụng tốc độ, chộp cơ hội bắn phá vào khung thành đối phương. Phạt góc được gọi là cooc le , quả phạt đền gọi là sút mét … Kiến thức về bóng đá 50 năm trước của tôi chỉ có thế. Bây giờ thì cơ bản chắc các vị trí trên sân vẫn thế, chỉ có sơ đồ chiến thuật của mỗi huấn luyện viên thì thiên biến vạn hóa thay đổi theo triết lí của từng ông hoặc theo năng lực của đội bóng mà sắp đặt nhiều ít số nhân lực trong bố phòng gọi là liệu cơm gắp mắm để có thể khai thác hết năng lực trong tay mình có. Bóng đá là như vậy nên cách bố trí sơ đồ của các huấn luyện viên chẳng ai giống ai. Vậy nên nó đầy tính hấp dẫn vì sự biến hóa không lường..
Nhưng, như thế thì bóng đá giống hệt một thiết chế xã hội tiên tiến. Đối kháng một cách minh bạch. Cho nên, có anh bạn bảo tôi: Thế giới này là một sân bóng vĩ đại, đá 24 trên 24 giờ. Mỗi ngành mỗi nghề cũng là một sân bóng, cá nhân có tập thể có, các lực lượng chính trị đối lập cũng là một sân bóng của hai đội với đầy đủ trung phong tiền vệ hậu vệ cánh gà và thủ thành. Đá liên miên ngày đêm, năm này qua tháng khác quyết liệt với đủ các sơ đồ mẹo luật để phá thế đối phương. Thế thì trận chiến trên cái sân chiều dài chưa đến trăm mét, chiều rộng chỉ non nửa với mấy chục mống trên sân, có gì mà phải mê mệt đến như thế…
Qủa đúng thế thât!
Nhưng anh bạn tôi lại nói thêm: Nhưng bóng đá còn có thêm tổ trọng tài, có trọng tài chính là lực lượng giám hộ trận chiến, phân xử đúng sai. Bóng đá ngòai đời thì không. Ngoài đời đá bẩn có khi vẫn thắng, mà nhiều khi lại thắng giòn rã. Còn bóng đá, đá bẩn thì thẻ đỏ và phải chấp hành. Trên thế giới này, Liên hợp quốc là thứ tổ trọng tài cho các cuộc tranh giành nhưng nhiều khi cũng bất lực, chẳng thẻ đỏ được bao nhiêu cho những thói chơi bẩn.
Hà hà, thì ra là vậy.
Anh ấy còn nói thêm: Bóng đá là luôn phải có hai đội, chỉ một gôn là không thành bóng đá. Một gôn là trò chơi nghèo nàn, là múa tay trong bị, trò chơi của trẻ con đường phố, không gọi là bóng đá. Thì ra không hẳn cả thế giới không phải chỗ nào sân bóng cũng có đủ hai đội. Có khi chỉ có đá mà không phải bóng đá. Chính trị độc tôn là thứ bóng đá nghèo nàn đấy!
Hây za! 6/6/2010