Thangka Tây Tạng- khi cuộc sống là đủ
Thien huong
Vài lời phi lộ
Dân số Tây Tạng gốc- người Tạng chiếm chừng 1 nửa trên mảnh đất gần 4 triệu dân. Hầu như ở mọi địa điểm của thành phố khá hiện đại này, người Hán đều đóng vai trò chủ chốt, trong thời gian ngắn ngủi ở Lhasa, một trong những nơi hiếm hoi đậm đà vị Tây Tạng mà mình tìm thấy là các cửa hàng tranh Thangka.
Bằng mọi tò mò và những cố gắng “chắt lọc” mình vẫn phải thở dài rằng Tây Tạng đã Trung hoa hóa nhiều quá!. Sau 2 ngày hối hả lê la chợ búa vào cả những cửa hàng bán buôn giá gốc, khẳng định luôn là ngay cả những đồ lưu niệm đậm chất Tây Tạng nhất cũng có nguồn gốc Trung Hoa, riêng đồ dệt thì thường tới từ Nepal.
Dù cao cheo leo ở nóc nhà thế giới, Tây Tạng vẫn “thâm hụt” kha khá sau Cách mạng văn hóa, 1/3 đồ tại cung điện Potala biến mất, có những tu viện có tới hơn 10,000 nhà sư bị thảm sát, Lạt ma thứ 14 cũng lưu vong sang xứ người…
Chỉ tới khi tình cờ bước vào cửa hàng tranh Thangka nọ trên phố mình mới chợt cảm thấy thêm một mạch đập Tây Tạng vẫn đang nóng ấm nơi đây.
Hai bức tranh Thangka BUỘC-PHẢI-XEM
Tới Tây Tạng không xem tranh Thangka thì phí quá, xem mà bỏ qua 2 bức này lại càng phí hơn!
Bức thứ nhất trông như 1 bản đồ vùng đất có đường bao mang hình dáng người phụ nữ đang nằm, dáng chân, tay khá động trên điểm tựa là mặt lưng đặt vững chãi. Bức tranh “bản đồ” này thể hiện khá nhiều ngôi chùa, đền. Ở đúng vị trí trung tâm – trái tim ấy – là ngôi đền Jokhang thiêng nhất Tây Tạng. Các vị trí trọng yếu được đánh dấu bằng nhiều ngôi chùa khác nhau. Người ta nói rằng Tây Tạng đang giữ sự ổn định cho không chỉ vùng đất này mà cả thế giới. Chỉ một thay đổi nhỏ khiến dáng người đang nằm kia bị lệch, thế giới sẽ chao đảo, động đất, núi lửa, lụt! Và bởi thế mọi ngôi đền, chùa ở đây đều đóng vai trò như chiếc đinh gim, giữ gìn sự cân bằng, sự ổn định cho thế giới!!!
Mình buột miệng hỏi Vậy nước Nhật động đất thường thế liệu có thể tới đây xin xây chùa trấn không? Anh giai người Tạng gật đầu nhưng nói thêm rằng, thuật trấn đất – được thực hiện bởi những nhà sư cao tay nhất – rất có tác dụng, song người Tây Tạng cũng tin vào karma, vào những điều phải xảy ra nên nếu con người không thân thiện với thiên nhiên, thì cũng nên đón đợi hậu quả tất yếu. Triết kinh!
Dù sao, đây cũng là 1 trong vô vàn ví dụ về nếp sống thuận với thiên nhiên của người Tây Tạng.
Bức tranh thứ 2 thu hút mọi con mắt trần tục lẫn không trần tục vì quá hiện đại: Phật ngồi chính giữa (như rất nhiều bức khác), trong lòng là một cô gái ở truồng vòng tay ôm cổ, hai người đang hôn nhau say sưa (like no other!) Cô gái được vẽ màu trắng nổi bật trên nền da xanh của Phật, Bố cục khá thoáng tay so với các tranh khác, hình khối khái quát, mạnh mẽ và đầy cảm hứng.
Mình mải miết chụp lại cuốn sách Tranh Thangka cổ dầy cộp, lại từng được thấy bức tranh này rồi nên không kịp trò chuyện cho một lời giải thích chính xác từ phía bạn họa sĩ kia. Nhưng nôm na thế này: Mật tông Tây Tạng có 4 nhánh chính (trong đó Hoàng giáo với các nhà sư đội mũ chỏm vàng như mào gà, tuy ra đời muộn song phát triển mạnh mẽ nhất). Trong những nhánh đã “tàn phai” có 1 nhánh lấy cực khoái làm chân tu. (Trời ơi tu thế mới là tu chứ!), tiếc quá, nghe nói nhánh này đã tuyệt chủng.
Thangka, nghệ thuật của thái độ sống
Thangka là một dòng tranh dân gian có nguồn gốc Nepal, theo chân công chúa Bhricuti tới Tây Tạng sau cuộc hôn nhân chính trị với Tạng Vương Sron Tsan Gampo (sau đó, Tạng vương lại cưới tiếp công chúa Văn Thành, nhà Đường). Trong đó nhánh tranh thờ Phật Giáo là mảng nổi bật nhất với những bức tranh chân dung, tranh kể chuyện như tích La Hán qua sông, Avalokitesvara với một biển lòng yêu thương, hay chân dung guru Dragbo nhìn khá dữ tợn với 3 mắt, răng nhọn dài đe dọa…Thangka có thể là tranh thêu kỳ công, chỉ vàng đính ngọc cực kỳ tinh xảo, có thể vẽ trên vải trên giấy bằng màu tự nhiên…người ta cũng tìm thấy những bức tranh Thangka vẽ thẳng lên núi đá.
Người Tạng rất trân trọng Thangka, tranh thường được một tấm lụa phủ che chở, có giá đỡ cầu kỳ ở trên như một phần không thể thiếu của bức tranh, đôi khi tranh cũng được cuộn lại bỏ vào ống và khoác trên vai các nhà sư trong suốt hành trình.
Trong lịch sử, Tây Tạng từng có có 2 ngôi trường dạy vẽ thangka chuyên nghiệp, người họa sĩ trước khi cầm bút tỉ mẩn đi từng nét nhỏ cần phải thông tuệ tiếng Tạng, am hiểu các tích truyện, phải cảm được cái hồn của nhân vật trước khi đặt bút vẽ. Cả quá trình ấy có thể mất tới 7,8 năm. Lại nói, một người họa sĩ Thangka có thể mất ròng rã nhiều tháng mới hoàn tất đến từng chi tiết của tranh, và mặc dù lối vẽ “công nghệp” chia mỗi người 1 công đoạn chắc chắn sẽ giúp rút ngắn thời gian, lối vẽ ấy không được hưởng ứng tại đây để giữ cho cảm xúc và đường nét tranh luôn nhất quán, và quan trọng hơn, bởi vì những họa sĩ người Tạng thấy việc tiết kiệm thời gian là không cần thiết và cách thức ấy là thiếu tôn trọng Thangka.
Người Tây Tạng không ganh đua, cũng không vội vã, phần đông thường điềm tĩnh và khá cởi mở. Nếu muốn tiếp xúc với 1 người gốc Tạng gốc rễ lâu đời và có học thức, có lẽ người họa sĩ chủ cửa hàng tranh mình gặp một ví dụ không tồi. Sinh ra trong 1 gia đình người Tạng nhiều đời sống tại Lhasa, bạn này vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa hiểu lịch sử Tây Tạng vừa tự học thêm tiếng Anh, cư xử lịch thiệp – của hiếm đấy vì dân Tạng bán đồ lưu niệm ngoài kia có khi đánh vần tiếng Tạng còn chật vật. Giống như nhiều người Tạng khác, anh thừa nhận biết kiếp trước mình từng là ai thể như đó là điều gì rất bình thường, không lo sợ cái chết, không mưu cầu kiếm tiền nhiều, vui vẻ chia sẻ chút tiền cùng những người ăn xin.
Dù là hình thức nào, tranh cũng ào ạt cuốn theo với hàng nghìn chi tiết nhỏ tỉ mẩn mà họa sĩ vẽ tranh có thể mất tới hàng tháng mới hoàn thành. Chất liệu (màu tự nhiên, dùng cả vàng, bạc thật) và đường nét là điểm nói lên “đẳng cấp” của Thangka.
Mất 6 tháng để hoàn tất bức tranh này tới từng chi tiết. Bức này 5000 tệ nhoa!
Xét cho cùng 😉 có lẽ vậy cũng là đủ cho cuộc sống này!
Norbu, 22 năm làm họa sĩ vẽ Thangka
19/9/2010