Doduc
Sắp tới 27/3 âm lịch( ngày 10 tháng 5 dương) ngày chợ Phong lưu ở Khau Vai, mỗi năm một lần. Mấy hôm trước, một bạn bên tạp chí Văn Hiến gọi điện: có đi chợ Khau Vai không. Tôi giật mình nhớ lại thế là đã 5 năm nay mình chưa trở lại Khau Vai.
Lên Khau Vai lần ấy tôi buồn. Lại nghĩ giá đừng lên, cứ để Khau Vai như trong tâm thức thì hay hơn. Vì lần ấy đã thấy Khau Vai đã nằm trong sự dòm dỏ của khách du lịch, đám người tò mò, trong đầu nghĩ về Khau Vai theo màu xám, cái màu không được sạch sẽ lắm.
Chợ Phong lưu ở Khau vai ấy có cả câu chuyện tình đẫm buồn để hình thành nên chợ. Đó là điểm cuối cùng trốn chạy của sự ép duyên. Từ đó những mối duyên bất thành hằng năm họ trở lại gặp nhau một lần trong chợ, đem cho nhau một gói bánh, chén rượu rồi kể chuyên cho nhau nghe chuyện buồn vui trong năm qua, chia sẻ trong một ngày rồi ai về nhà nấy, rồi lại chờ 364 ngày trôi đi để gặp lại ở chợ phiên năm sau. Một Valentin hi hữu ở giữa ngàn xanh.
Tôi không hiểu từ chợ Phong lưu chuyển thành “chợ tình” là vào lúc nào, nhưng tôi chắc trước đây trên 30 năm người ta vẫn gọi đó là chợ Phong Lưu. Cái sự đổi tên từ Phong Lưu sang “chợ tình”của thời mở mang kinh tế thị trường hình như cũng một phần nào làm đổi chất phiên chợ này. Con đường liên xã từ thị trấn Mèo Vạc hướng phía lũng Pù (lũng núi) đi qua một dải triền miên đá với đủ loại hình thù vào loại đẹp nhất trên cao nguyên và kết thúc là khu chợ nằm dài trên sống núi hình yên ngựa. Chợ còn nguyên đó, chỉ có chất chợ là khác đi khi có con đường du lịch xe ô tô có thể vào đến tận nơi.
Người làm du lịch nhìn con đường, nghĩ về thu hoạch, người làm văn hóa thì nhìn con đường thì thấy sự phá bĩnh toàn diện một không gian văn hóa thiêng liêng.
Nhà nhiếp ảnh Nông Tú Tường, người ở xóm Thiên Hương, xã Ma Lé bên huyện Đồng Văn bảo tôi rằng cái chợ ở vị trí trung tâm cho nhiều xã. Từ thị trấn Mèo Vạc là một hướng, rồi từ Bảo Lạc sang được, từ Đồng Văn vào, từ Trung Quốc sang. Chợ Phong Lưu này không có biên giới, tình người tình đời không có đường biên. Họ đem nỗi nhớ về chợ gặp bạn tình xưa để chia sẻ sao lại có ai đó nghĩ ngay đến chuyện biến nó thành chợ du lịch!. Bạn Yên Sơn ở miền Nam khi đọc bài viết “ Cõi tình Khau Vai”của tôi trên blog, đã com men những dòng thành thật:
“không được làm ruộng thì làm nương
không được làm vợ thì làm người tình
(lời hát ở chợ khau vai)
Lời hát ấy đủ cắt nghĩa về nguyên do hình thành phiên chợ Phong Lưu ở Khau Vai, một năm một lần vào ngày 27 tháng ba âm lịch. Tôi đã được nghe chị Minh Tâm, một cán bộ nghiên cứu văn hóa kể cho nghe lời hát ấy. Lời hát chứa đựng sự kiên nhẫn thầm kín không thể đánh đổi của người rẻo cao về tình yêu, tình đời, tình người. ngày ấy như ngày giỗ của những mối tình bất thành. là ngày giải tỏa nỗi nhớ để ươm lại những gì tốt đẹp đã từng đến với mỗi cuộc đời trong cõi tình bất diệt”( trích: Cõi tình Khau Vai)
Đọc được bài này của anh, tôi mới thêm hiểu ý nghĩa của phiên chợ tình Hà Giang. Một cách lý giải đầy tính nhân văn cho “ngày tình yêu” của người dân tộc vùng cao phía bắc.
Lâu nay, theo như tinh thần truyền tải trên các phương tiện truyền thông. Dân miền Nam chúng tôi cứ ngỡ rằng phiên chợ tình Khâu Vai – Hà Giang là nơi các đôi trai gái người dân tộc còn độc thân tìm đến vào ngày đó, để chọn bạn tình.
Hoặc tệ hơn, có người còn cho rằng vào phiên chợ tình. Người dưới xuôi có thể tìm cho mình món đặc sản “gái vùng cao”, đổi món cho hương vị phong lưu…
Cám ơn anh đã có bài viết này, minh oan cho một nếp văn hóa của người vùng cao. Chính lòng ham muốn trần tục và văn minh vật chất của người dưới xuôi đã làm biến đỗi mất đi cái ý nghĩa thanh cao, nhân bản của phiên chợ tình Mèo Vạc”
…
Năm nay dù nhớ, nhưng tôi không lên Khau Vai vì chắc nó là cái chợ chộn rộn những người đến trên tinh thần du lịch tìm cách thỏa mãn cho cái sự tò mò trong đầu, và tôi chắc là họ sẽ thất vọng như tôi mấy năm về trước. Tôi sẽ ngồi nhà để lòng nhớ về Khau Vai trong tâm thức, một Khau Vai đẹp đẽ vô cùng về những bước chân nhẫn nại cho mối tình một thuở bất thành. Với tôi, một chuyến đi trong của nỗi nhớ có lẽ hay hơn là đến để xăm xoi những chuyện sâu kín trong lòng người.
7/5/2010