Nhớ những thước phim thời xô viết
Doduc
Những ngày tháng 5 hàng năm kỉ niệm ngày giải phóng Châu Âu ngày này tôi hay nhớ về cả loạt phim Liên xô nổi tiếng của những đạo diến điện ảnh bậc thầy như Ây Danh xtanh, Chu Khơ Rai và một số đạo diễn lừng danh khác mà nay vắng bóng như : Khi đàn sếu bay qua, Số phận một con người, Bài ca nguời lính, Sông Đông êm đềm, chiến tranh và hòa Bình., Đất vỡ hoang, mười bảy khoảnh khắc mùa xuân, Giải phóng châu Âu, Người thứ 41… Đó là những phim bom tấn của nền điện ảnh xô viết không thể quên nếu ai đó đã từng xem. Những ngày này, tôi ngong ngóng mong được xem lại những thước phim đen trắng thời ấy nhưng rồi vô vọng.
Có một chuyện thường là thiếu công bằng nhưng vẫn thường xuyên xảy ra, khi một mô hình xã hội sụp đổ, mô hình mới lên người ta thường đổ xô phủ nhận sạch trơn quá khứ, coi tất cả đều tội lỗi. Đó là sự vụ lợi của chính trị và kéo theo nó là đám cơ hội hoặc quá khứ có ác cảm, hoặc lớp sau chỉ được tiếp cận những thông tin bóp méo, cùng nhau adua phủ nhận lịch sử. Đó là những sai lầm mang tính phổ biến, nó cũng góp phần tội lỗi không hề nhỏ là làm chậm đi những bước tiến của lịch sử loài người.
Với những phim thời Liên Xô tôi cảm thấy cũng bị đối xử bất công như vậy ở thời điểm này ở ta.
Còn nhớ vào năm 1966, khi phim Bài Ca người lính được công chiếu, tôi đã xem và rơi nuớc mắt vì tính nhân văn cao cả của câu chuyện trong phim. Nhưng những năm đó, Trung Quốc sang giúp ta làm đường ở phía Bắc, thì cùng với việc giúp đỡ họ đem Mao tuyển in giấy đẹp cùng các cuốn sách chống Liên xô và chủ nghĩa xét lại rải đầy đường như truyền đơn, ai muốn lấy bao nhiêu cũng được. Đài phát thanh Bắc Kinh tiếng Việt phát ra rả bình luận bôi nhọ bộ phim Bài ca người lính, coi đó là sự thóa mạ hình ảnh chiến sĩ Xô Viết. Tôi đã lờ mờ nhận thấy ở đây có cái gì không đúng nhưng lúc ấy còn trẻ quá, không cắt nghĩa nổi. Sau này xem lại tôi mới nhân ra tính nhân văn sâu sắc trong các tác phẩm điện ảnh đó, nó khơi dậy tình yêu Tổ quốc chân chính. Nếu là những thước phim giả thì sao có sức cuốn hút mạnh mẽ như vậy.
Trong lần phim kỉ niêm 35 năm thiết lập bang giao với Việt Nam năm nay , Viên Gớt của Công hòa Liên bang Đức cũng chọn lọc cho chiếu cả loạt phim của Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây để mọi người có thể biết người Đông Đức nghĩ gì về thể chế của họ và nghĩ gì về phía Tây. Đó là hành vi văn hóa mang tính trung thực để người ta nhìn thấy lại chân thực hơn một giai đoạn lịch sử, mà giới nghệ thuật thường có con mắt nhìn gần hơn với sự thật cuộc sống.
Nhưng không hiểu sao ngành truyền thông của ta cứ lê lết với nhũng phim lịch sử Trung Quốc cũ mèm, phim Hàn loại giải trí tầm tầm. Bật tất cả các kênh đều nhan nhản những thước phim như thế Thực sự tôi không hiểu sao tất cả các mạng truyền hình của ta bây giờ lại có thể làm như vậy.
Lịch sử là lịch sử, dù méo hay tròn thì chúng ta đều là sản phẩm của lịch sử không thể chối bỏ. Những thước phim đó thực sự có ích cho sự nhân thức tương lai vậy mà ta lại hững hờ nhanh quên thì không thể bảo đảm chúng ta không bị hụt hẫng những bước đi vào tương lai. Không có sự san xương xẻ thịt từ bào thai sao cho ra được một con người. Đó là lí do tôi nhớ dai dẩm những thước phim xô viết vào những ngày cả thế giới kỉ niệm ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít, nhớ lắm.. 12/5/200