Nhớ lâu nhớ mới

doduc
Giap tết rồi.
1- Tôi nhớ vùng quê tôi, trước tết chừng một hai tháng người ta lo hái củi về cho đủ dùng hết tháng giêng. Không ai đóng cửa rừng cả, nhưng người ta kiêng chặt cây cối vào những tháng tết. Nó cũng có quyền được như con người đẻ vui với mùa xuân.
Những năm đầu, rừng vào rừng hái củi, người ta tìm những cây chết tròng(*), sau hiếm dần mới chặt những cây nhỏ cỡ bắp tay thu bó lại để gần khô mới mang về. Dù không phải thời Nghiêu Thuấn nhưng củi đã bó, để lại ngoài rừng cũng không ai lấy, người ta biết nó đã có chủ.
Thời nghèo khổ, con người vẫn thật thà. Ai đó nói đói kém sinh ra trộm cắp tôi e rằng chưa chuẩn, còn vì cái gì đó ghê gớm hơn lấn vào đời sống tinh thần của con người nên mới thế.
Mấy năm trước tôi lên Sảng Ma Sáo, thuộc huyện Bát Sát , Lao Kai, một xã người Mông nằm trên đỉnh mù sương vẫn còn giữ được cái nếp sống đầy ắp văn hóa đó. Những cối giã gạo nước sắp hàng ngay bên lối đi vào bản, xa nhà cả nửa cây số mà có ai trộm của ai đâu.
2- Tôi lại nhớ về một bản Thái vừng thượng nguồn sông Đà cách đây chưa lâu. Bên đầu hồi nhà có đến năm bảy tổ én. Những con en chao như thoi có lúc lẩn vào khói bếp buổi ban mai. Những tổ én nhỏ như những cái nôi đơn sơ trong đó có những chú én non sắp ra ràng.Nhưng năm nay vào tháng trước quay lại thì đất ấy đã thành lòng hồ cho thủy điện. Nến những căn nhà bản xưa chìm sâu dưới mênh mông nước. Tôi dạt vào một bản định cư mới lập. Những căn nhà mái đỏ au xếp hàng như duyệt binh. Nhưng đén nơi hóa tra nhà sàn kết cấu bê tông. Trừ vài cái rui mè thì kết cấu còn lại toàn bằng bê tông và sắt. Không có mái gianh để nương cho cái tổ nên không thấy bóng dáng một con én nào.Thì ra để có một dòng điện cho đời sống cả chim chóc cũng phải hi sinh nơi trú ngụ, đâu chỉ có con người. Những con én năm xưa bây giờ xây tổ ở đâu?
3- Năm nay chợ đào núi Mộc Châu mở sớm hơn chợ đào Nhật Tân. Từ tuần giữa tháng Chạp người ta đã cưa đào bày la liệt bên đường. Những cành đào gốc to bằng cổ tay, bắp tay già câng, thân cành bám đầy rêu phong khô khẳng. Có cành đã lấm chấm nụ hồng. Người bán thu tay trước bụng, ta luồn sâu vào trong áo vì cái rét tê tái Cao nguyên. Không thấy người mua, chỉ có người bán chờ đợi hoang vu. Mấy chục năm trước không thấy cảnh này. Nhưng thú chơi đào núi của người phố phường đô thị , thì những cây đào lưu niên cho quả kia cũng thành vật dâng hiến. Tôi tự nhủ: còn bao nhiêu năm nữa thì hết đào Mộc Châu?

Cứ cuối năm sắp vào tết thì hình ảnh quá khứ lại trở về trong mỗi con người. Cái mới cái cũ lại trộn nhau, càng thêm tuổi người ta càng hoài cổ, vui với cái mới , tiếc những cái tốt đẹp của quá khứ đang mất dần đi. Sự thất thoát những giá trị sống quá khứ đã được xác lập bởi cái hiện tại của thời cuộc đã phủ nhận nó. Do đó mùa xuân về hưởng một cái tết trong mỗi con người đều tràn trề nỗi nhớ. 13/1/2011
(*)chết tròng; là cây chết đứng không rõ lí do.