Hành trình tới tương lai

doduc

Tại 29 Hàng Bài, từ 15/5 đến 25/5/2010 triển lãm “hành trình tới tương lai : thế hệ mới của mĩ thuật Nhật Bản.” Trong triển lãm này có video arts, sắp đặt, mô hình, tranh thạch bản, tranh sơn Dầu…
Bài viết này tôi chỉ muốn trình bày suy ngẫm về con đường đi của nghệ thuật thông qua mĩ thuật Nhật Bản đang kiếm tìm cho mình một lối đi trong thế kỉ số hóa này……

Doduc
1-Từ ngày mở của với thế giới, mĩ thuật Việt Nam cựa mình với lực lượng họa sĩ trẻ làm chủ công. Nhưng mở của là một chuyện, còn cái la bàn đi ra biển khơi thì lại không có sẵn cho từng người. Mỗi người phải tìm lấy nơi cất giấu nó trong bản thân mình. Nhưng có người tìm ra, có người không thấy, cho nên không lạ, xu thế đổi mới dù thoáng nhưng nhiều họa sĩ vẫn loanh quanh trước cửa biển, không thể dong buồm ra khơi. Trong khi đó có người lại không chịu trở lại sân nhà nên đôi khi đành vớt những bọt bèo do sóng đánh dạt vào bờ, lại nghĩ đó cũng là cái chấp nhận được vì nó là sản phẩm của đại dương chứ không phải đồ đất liền…Nhưng kết cục thì món quà biển khơi đó đôi khi cũng chỉ là tấm tã mục nát, chẳng dùng vào được việc gì. Đúng là đường ở dưới chân, nhưng xuất hành hướng nào nếu không có cái la bàn cho mình thì đi không phải dễ. Còn đi bừa thì kết quả chắc chắn không thể nào như mong đợi. Cái giá của sự tự do cần tri thức và bản lĩnh dẫn đường chứ không phải cơ bắp, hoặc nhiều tiền, cứ liều là xong. Chậm hay nhanh còn do nhiều yếu tố hợp thành, chúng ta khó có thể tách mình ra trong cuộc sống thực tại làm cuộc thăng hoa như mình muốn. Người nghệ sĩ phải gắn với nhịp đập của dân tộc và thời đại, mà là thời đại nơi chúng ta đang sống chứ không phải nơi nào khác.
2- Định hướng sáng tác có lẽ là trường hợp đặc biệt của Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước có hai miền. Các họa sĩ Nhật Bản thì chuyện ra khơi tìm đường với họ không phải là mới lạ mà đó là dòng chảy vươn ra hàng thế kỉ nay rồi. Họ đã có những đại thụ như Hirosighe, Utamaro, Hokusai… lừng lững và đậm đặc sắc thái Nhật Bản mặc dù khắc gỗ họ học từ Trung Hoa. Đó là sự tự định hướng từ văn hóa bản địa của nghệ sĩ công với tâm hồn dân tộc họ để đi tới. Những tranh khắc của các bậc tiền bối tỉ mỉ công phu, vân vi mà vẫn khái quát, vẫn là tranh khắc mà chứa đầy tinh thần hội họa, như những tranh màu nước nhẹ nhàng. Họ đã đạt đỉnh cao về kĩ năng để có thể bộc lộ trọn vẹn tâm hồn Nhật trong tác phẩm của mình.
Những tác phẩm trong “Hành trình tới tương lai” của các họa sĩ trẻ đương đại trưng bày tại 29 Hàng Bài hôm nay( từ 15 đến 25/5/2010) đem so với các bậc tiền bối của họ thấy khác lạ. Khác lạ ở cách nhìn và quan niệm, nó gần như chuyển sang số hóa hoặc kí hiệu hóa nghệ thuật. chứ không chỉ dừng ở ghi chép và cách điệu như lớp đàn anh Khoan hãy đánh giá về giá trị nghệ thuật, bởi cái đó còn tùy thuộc vào nhận thức mỗi dân tộc , mỗi cách nhìn cá nhân và sự chấp nhận của giới yêu nghệ thuật. Vả lại cũng cần có thời gian thử thách. Nhưng cái có thể thấy ngay là họ vẫn tiếp nối trung thành truyền thống của lớp đàn anh với cảm xúc nhã nhặn tinh khôi ở cách dùng màu, tạo dáng và cách thể hiện sạch sẽ li lau. Xem tranh thấy họ tìm mảng miếng lớn, đơn giản đi, không còn thích diễn tả với những chi tiết mà muốn khái quát cảm xúc bằng hình và màu, bức tranh chỉ mang những dấu hiệu biểu trưng. Đến đây ta càng thấm lời một nhà phê bình Pháp mà tôi không còn nhớ tên, rằng :Nghệ thuật không có sự tiến bộ, vì nghệ thuật là tiếng nói của thời đại sinh ra nó. Đó là một phát hiện gần chân lí, thời đại nào, tiếng nói ấy. Nghệ thuật không phải đứa con hoang. Khi xã hội Nhật Bản với nền khoa học kĩ thuật vươn lên hàng đầu thế giới thì về nghệ thuật nó cũng ôm ấp một hoài bão, nhưng như thế không có nghĩa là nó song hành ngay đựoc với kinh tế. Nghệ thuật là nhận thức và cảm xúc, nằm sâu trong tầng nhân văn của dân tộc họ như quặng quí trong lòng đất. Muốn khơi nó lên cũng phải có đủ công lực cần thiết mà kinh tế mới chỉ là cái đế làm điểm tựa. Nhưng biết đi ra từ nền văn hóa của dân tộc mình thi sớm muộn họ cũng tìm được con đường phù hợp tiến tới đỉnh cao.Tôi nghĩ “hành trình đến tương lai” cũng là một cách lựa chọn. Trong đợt giao lưu văn hóa Việt Nhật những tác phẩm này hẳn chưa phải là đại diện tinh hoa, nhưng nó cũng cho ta nhận biết cách đi, lối nghĩ về con đường đi tới tương lại. Ở đây ta thấy dù trung thành với truyền thống nhưng các họa sĩ đương đại Nhật cũng đang sốt ruột mày mò tìm cho mình một hình thức phù hợp thời đại số hóa của thế kỉ 21 Chúng ta chia sẻ với những gì các họa sĩ đương đại Nhật đã thể hiện hướng về một tương lai bứt phá mở rộng và cũng từ đó có cái nhìn trọng thị với các họa sĩ trẻ Việt Nam trên đường tìm kiếm cái mới trong những thập kỉ tới. 15/4/2010
.