những gi còn nhớ

KỈ NIỆM VỀ THÀY Trần quốc Tiến
doduc
Năm 1966. Lần đầu tiên biết đến Trần Đăng Khoa là do thày , họa sĩ Trần Quốc Tiến người xứ Huế nói cho biết. Thày có bút danh Tấn Hoài khi làm thơ viết văn… Thậm chí thơ văn có phần trội hơn vẽ. Sau này thày dành toàn bộ quỹ thời gian cho tình yêu văn học.
Còn nhớ mấy câu thơ ông viết ở Bắc Cạn nhũng năm đó:
Nắng chiều đồi cọ tròn xoe tán
Vầu vút câu trăng uốn ngọn dài
Ngựa đẫm mình nâu vàng ánh bụi
Dọc bờ cọn nước bạc lưng phai.

Chiến tranh phá hoại của không lực Hoa Kỳ đánh ra miền Bắc. Nhà thày sơ tán bên đồi guột ngay lòng thị xã Thái nguyên. Ngọn đồi lúp xúp toàn xim mua và nhiều nhất là cây guột. Guột còn có tên là cỏ tế. Lõi guột người ta tuốt lấy đan rế và các đồ đựng dùng trong nhà. Khi ấy trên này guột nhiều như cỏ.
Hôm đó tôi đến nhà thày, lên đồi nhổ sắn. Sắn đồi guột thì củ gầy ngoằng như con rắn mồng. Đất bạc màu nên chẳng có chất nuôi sắn dù đất khá đen và tơi, tưởng màu mỡ lắm. Nhưng những nơi có tre, bạch đàn, hoặc có cây guột tự nhiên thì đất bị lột hết chất màu. Những loài cây ấy tham lam như bọn lợi ích nhóm bây giờ, và tàn bạo với đất cũng như thế, hệt lũ lợi ích nhóm!
Còn đang bóc sắn, thày ngồi trong nhà đọc báo bỗng reo lên: Đức lên đây mình đọc cho nghe này: “Đám ma bác giun” của thằng Khoa…
Ông bảo Khoa là thằng bé kì tài, nó tả kiến kĩ như họa sĩ quan sát mẫu vẽ hình họa. Các loại kiến khác nhau về hình thể màu sắc mà đặc biệt chúng bé xíu. Thế mà nó moi ra đủ loại. Hàng chục loại chứ ít đâu mà đặc điểm màu sắc hình thể đâu ra đấy…
Thày thường bảo tôi: Ở đời cậu nhớ cho, vật chất nhìn xuống, tinh thần nhìn lên.
Lương giáo viên có bao nhiêu, vậy mà có tháng lĩnh lương thày vào hiệu sách xoẳn luôn vơi chồng sách đem về. Chị Mai, vợ thày méo mặt với đồng lương công nhân nhà sách, với bốn đứa con tuổi sít nhau như khoai mẹ khoai con. Chị xoay xở với vạt rau muống và mấy luống sắn đồi guột cùng mớ tem phiếu bạc mặt. Yêu đọc sách là đúng với sở thích của tôi, nhưng hoàn cảnh ấy tôi thấy thày xử dụng tiền có gì sai sai nhưng không dám nói.
Liễu Châu, cô con cả viết văn cũng tài. Học giỏi. Là niềm hãnh diện của bố Tấn Hoài. Sau này đi Đức học luật kinh tế. Về nước dạy trường báo chí tuyên huấn một năm thấy không hợp thế rồi cùng chồng quay lại Đức cho đến bây giờ chưa về…
Tôi vào trường trung cấp lúc 21 tuổi. Vào muộn thế vì tốt nghiệp lớp 10, trượt tổng hợp Văn, về nhà làm ruộng ba năm. Tuổi ấy người may mắn đã sắp ra đại học.
Tôi chưa phải người lớn tuổi nhất lớp nhưng ham vẽ thì không đứa nào bằng, nên thày rất quý. Thưở ấy, trò nào yêu nghề thường được thày để mắt ngay, huống hồ tôi thích đọc sách và hay mạn đàm với thày nên ông càng quý hơn.Thời buổi chiến tranh, vừa đọc sách vừa lắng nghe tiếng phản lực xé gió bắn rốc két và ném bom các trận địa pháo phòng không quanh nơi trường, cạnh nhà máy điện Cao Ngạn và khu gang thép Thái nguyên, giờ nghĩ lại thấy cũng lạ, là sao vẫn sống bình thường được!.
Thày cho tôi một cây bút lông đã cùn, bảo vẽ chì ít thôi, tập vẽ bút lông nhiều vào. Vẽ bút lông nó mềm mại, trữ tình hơn. Chị Mai vợ thày, thỉnh thoảng lại dúi cho tôi xấp giấy lề nhà in xén bỏ, chị đem về nhuộm phẩm làm hoa giấy . Lúc ấy có miếng giấy lề để ghi kí họa là quý lắm. Tôi giữ cây bút đến khi ra trường công tác, sau này còn vẽ mãi. Bút cuối cùng cũng hỏng, nhưng những bức kí họa bằng cây bút đó giờ vẫn còn.
Đó cũng là cây bút lông đầu tiên trong đời làm nghệ thuật!
Thày bảo: Cậu cẩn thận, kẻo rồi vẽ mãi quen tay.
Quen tay là thiếu sáng tạo, là vẽ cái sau giống cái trước. Trong nghệ thuật tạo hình, quen tay coi như dừng lại.
Mình mơ hồ nghe nhưng cũng chẳng hiểu bao nhiêu. Nhưng hai từ “ quen tay” ám ảnh cả một thời gian dài đến mấy chục năm sau này…
Có những lời dặn đơn giản vậy nhưng phải mấy chục năm mới ngộ ra.
Sau này tôi mới vỡ nhẽ: thày lo xa cho trò. Nhưng quen tay như thày nói hóa ra không phải chỉ ở cách vẽ. Sự “quen tay” nội hàm lớn hơn nhiều, quen tay, sự lặp lại mình chính là thiếu kiến thức cuộc sống, lại kèm theo lười suy nghĩ thì sẽ chỉ là anh thợ minh họa. Khi đọc sách cho mình cả một kho hiểu biết thì việc vẽ tranh sẽ được trợ thủ rất nhiều. Và từ đó mới hình thành sáng tác và đi đến tác phẩm.
Cài gì cũng khó ở cửa mở. Sách là cửa mở. Khổ thân cho ai làm nghệ thuật mà không đọc sách. Không đọc sách thì tay nghề cao mấy cũng dừng lại trong một thời gian ngắn.
Nhớ xa xưa có câu ca dao giễu ông quan huyện:
Chuyện gì
Chuyện ông huyện về quê
Có hai hòn dái kéo lê dọc đường!
Tài sản của quan về quê chỉ có thế! Quan ấy không đọc sách, là quan dốt, tài sản quan đem về quê chỉ có hai hòn dái! Thảm!
Giờ cũng khối quan như thế.
* * *
Tình yêu khó nhất là lúc ngỏ lời
Vẽ tranh khó nhất là tìm được cái tứ. Giống như người làm thơ, viết truyện, không có tứ thì chỉ là bản vẽ lưu bút.
Đánh trận, khó nhất là cửa mở! Mở được đột phá khẩu thì trận đánh đã thắng một nửa.
Quen tay rất dễ mắc, nhưng không thể dễ mắc khi có nhiều ý tưởng dồi dào. Nội dung của bức tranh nó sẽ kéo mình đi theo cái hướng của nó với cách thể hiện phù hợp. Thế thì khỏi phải lo quen tay, cảm xúc nó sẽ dắt dẫn mình đi với cách thể hiện phù hợp nhất.
Nhớ thày những ngày cam go khi bước vào đời làm nghệ thuật là thi ca của chú Khoa và cây bút lông thày ưu ái dành cho, nó kéo mình , áp mình vào nghề đến tận hôm nay.Đó là hai kỉ niệm khi bắt đầu rời nhà đi học nghề.
Có nhiều kỉ niệm chắc thày đã quên, nhưng trò thì nhớ mãi, nhớ dai dẳng với lòng biết ơn vô hạn.
7/2020