Giá trị ngầm
doduc
Ngẫm đi ngẫm lại có lúc tưởng mình là ông chủ gia đinh hoành tráng. Hóa ra mình chả là cái gì cả.
Có người đàn ông coi tiền là tất cả, khi nhìn đống tiền làm ra mua được cả chục cái ô tô, thì thấy mình bố tướng thế nào. Té ra đó chỉ là suy nghĩ của đứa trẻ con. Đó là sự ngộ nhận có lẽ thuộc loại ngu ngốc nhất của đám đàn ông.
Có những cái may không phải ngẫu nhiên. Đó là thời bé tôi hay quẩn bên mẹ thấy sự vất vả luôn chân luôn tay nhưng không bao giờ bà gắt gỏng. Cái gì mình không biết hỏi thì mẹ đều gắng với kinh nghiệm dân gian trong ca dao tục ngữ giải thích cho con. Chỉ cạy trong trí nhớ thôi chứ bà chưa từng biết chữ, chưa một lần được đến trường để biết sách vở là gì. Không ngờ người cho tôi tri thức sống lại là người chỉ đọc cuộc sống trên trang sách dân gian. Mà cũng không nhiều nhặn gì, chỉ vài chục câu thành ngũ, đại loại như “ ăn tùy nơi/ chơi tùy chốn- Ăn trông nồi/ ngồi trông hướng- đừng ăn không nói có, đừng ăn ốc nói mò- đừng cầm cái gì không phải của mình- đừng ăn không ăn hỏng của người khác- học ăn học nói học gói học mở…” Đại loại là những câu như vậy. Một lần khi ở chợ, mớ rau muống hào hai xu, người mua trả một hào mốt, bà không bán. Ngồi phía sau tôi túm áo mẹ giật, nói nhỏ; bán được rồi u. Mẹ lặng thinh, nhưng tối về bảo: có chín xu, thiếu một xu không thành một hào đâu con ạ.
Tôi hiểu rằng sự nhặt nhạnh tích cóp ấy đâu phải vì mẹ, mà vì cả cái gia đình mẹ gánh trên vai.
Vài trăm triệu kiếm hôm nay với nửa thế kỉ trước, một xu nhặt cho đủ một hào, đồng tiền nào to hơn phải nhìn bằng con mắt nhân văn mới thấy được.
Tôi vòng vo để thấy các con tôi học hành đén nơi đến chốn không bị hư hỏng thì tiền tôi làm ra góp được một phần nhỏ (dù khối lượng không nhỏ), còn công của mẹ các cháu không qui ra thóc được.
Ngày con học lớp 1, bắt đầu biết viết, mẹ nó sắm cho một cuốn sổ ta bìa đỏ, gọi là sổ đỏ cùng cây bút đưa cho con: Hôm nay cho đi chơi, cái gì thích nhất thì chép vào đây. Đứa con lớn buổi đầu viết có bốn năm từ mà hết hai trang giấy. Cứ thế, mỗi chuyến đi chơi công viên, theo đi chợ, đi chơi đâu đó với bố, về đều có “thu hoạch”. Nếu không chịu viết thì phạt không cho đi.Tôi nghĩ việc đó hay, nhưng không ngờ nó lại có kết cục ngoài sự mong đợi. Chỉ mấy năm sau chúng hình thành thói quen ghi chép, chép tất cả những gì chúng thích thành như trang nhật kí. Chúng dần biết trình bày vấn đề bằng ngôn ngữ ngắn nhất và chính xác nhất .
. Sau này hai đưa em theo cách rèn ấy chúng đều nắm vấn đề nhanh và trình bày vấn đề bằng ngôn ngữ chính xác ngáy khi học trong hệ thống trường phổ thông.
Có một hồi ngay gần khu tập thể có lớp tiếng Anh A-B –C. Ba mẹ con chung một lớp. Thực ra mẹ lấy nê học để kèm cặp con đó thôi. Mẹ học 3 nhớ một, con học một nhớ ba. Cứ hết cua thì học lại, cua nào cũng đúp môt lần cho chắc cờ, thế là khi sang cấp 3 môn Anh văn lúc nào chúng cũng nhất. Sau này học thêm nghe nói nữa. Không học đại học ngoại ngữ chính qui mà chúng dịch sách được. Đồng tiền tôi làm ra thì chúng tiêu sạch rồi, nhưng cái công mẹ nó góp phần để lại các con dùng làm phương tiện kiếm sống lâu dài sẽ còn mãi. Vậy đâu là tiền thật, đâu là giá trị lớn thì nay đã rõ.
Xin nói lại lần nữa, vai trò người mẹ trong nhà không thể qui ra thóc ngay được, nó là rễ cây ăn sâu vào lòng đất hút từng chút màu vun cho gốc cây bền lâu. Còn đồng tiền nhất thời chỉ là chất xúc tác quan trọng mà không phải là cái quyết định số một như mình tưởng. Đó là vai trò lớn lao không mấy ai đã nhìn ra. Viết đến đây tôi mới hiểu ra tại sao người phụ nữ Nhật học xong đại học, lấy chồng rồi ở nhà nuôi dạy con, không đi làm. Chính đó là chuẩn bị cho một thế hệ tương lai có chất lượng cho đất nước.
Những giá trị ngầm ấy không phải các ông gia trưởng nào ở ta đã thấy cả đâu.!
8/9/2012