Bài 1:
Đông Hồ-làng tranh, nghề tranh
Tranh dân gian Đông Hồ là gọi theo tên làng, nơi làm ra loại tranh khắc in trên mặt giấy dó quét điệp. Đó cũng là cách nhân diện tranh Đông Hồ khác với thể loại tranh dân gian khác. Xưa làng từng có tên nôm là làng Mái, còn gọi là Đông Mại. Từng có câu ca dao: Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ có về làng Mái với anh thì về/ làng mái có lịch có lề/ Có ao tắm mát có nghề làm tranh!
Đông Hồ ngày nay thuộc xã Song Hồ Huyện Thuận thành tỉnh Bắc Ninh, cách thủ đô Hà Nội chừng 40 km về phía đông nam. Theo sách người xưa để lại thì tranh có từ thế kỉ 17, vậy là làng tranh cũng đã có trên 500 tuổi.
Gọi là làng tranh nhưng không phải nhà nào cũng biết làm tranh. Cả làng chỉ có một hai người biết vẽ,. Thợ vẽ giỏi được dân làng tôn vinh gọi là cả Đám. Người đặt tranh mẫu ra ý. Cả đám theo ý vẽ ra mẫu. Khi có bản vẽ nhu ý thì nó được chuyển đến thợ khắc ván. Thợ ván theo mẫu chế thành ván in. Tranh có bao nhiêu màu thì từng ấy ván in. Cũng có khi in chồng màu. In tranh theo thứ tự màu nhạt lên màu đậm, bản nét đen in sau cùng.
Màu in tranh được chế từ vật liệu thiên nhiên như gio lá tre, đất sỏi, quả dành, hoa hiên, củ nâu, vỏ vang…nói chung tất cả những gì cho màu sắc có thể dùng để in được tranh. Khi in, nước màu được pha với hồ gạo để khi in mực dễ bắt vào mặt giấy. Bây giờ người ta còn dùng thêm phẩm công nghiệp, màu tươi nhưng lại dễ bay, không bền như màu thiên nhiên.
Giấy in tranh là giấy dó quét điệp. Điệp là vỏ con sò điệp, một loài nhuyễn thể sông ven biển. Con điệp chết, vỏ lắng đọng trong nước lâu năm hoai mục thành thứ trầm tích được khai thác đem về lọc bỏ cặn bẩn, đem giã thành bột, nắm lại từng nắm phơi khô cất đi dùng dần. Để làm giấy điệp thì đun hồ thái điệp xuống, dùng đũa cả quấy đều. Lá thông đuôi ngựa được nẹp làm chổi quét. Cho nên lớp mặt điệp trên giấy luôn có những vệt bút kéo dài. Theo nghiên cứu của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa thì giấy điệp chỉ Việt Nam có. Đó là sản phẩm đặc biệt của người làm tranh làng Hồ.Tranh Đông Hồ phải là in trên giấy điệp.
Tranh Đông Hồ in theo kiểu đóng dấu. Ở lưng ván có quai để tay cầm. Khi in, thợ áp ván xuống khuôn màu để màu thấm hết mặt ván , rồi nhấc lên áp xuống mặt tờ giấy điệp như đóng dấu để tờ giấy in tranh dính hết vào bản in. Sau đấy thì ngửa ván lên, dùng xơ mướp xoa nhẹ cho đều màu, rồi giật tờ giấy in với động tác dứt khoát tạo cho màu nền xôp.Với lại để lâu, mặt điệp thấm nước sẽ dính két vào bản in, điệp sẽ bị bóc ra nham nhở, bức tranh đó sẽ bị hỏng.
Tranh Đông Hồ để càng lâu càng đẹp, bởi giấy dó là thứ hút ẩm, cứ nồm là dó ngậm nước, hanh heo là giấy khô. Do khí hâu nước ta như thế, nên tranh càng để lâu, các lớp màu ngấm sang nhau làm cho tranh thêm sắc. Tuổi tranh càng cao thì tranh càng đẹp.
Không ai nói ra nhưng tranh Làng Hồ vẫn được dùng như là thứ niên họa. Hết năm thường bỏ đi để mua tranh mới. Tranh rẻ như đồ dùng vật dụng nên cũng không ai nghĩ đến chuyện giữ một bức tranh lâu dài làm gì.
Người làng Hồ có hai nghề: nghề mã và nghề tranh
Làm tranh vào vụ từ tháng bảy để kịp có tranh giao vào dịp tết. Sau tết thì cả làng lại quay sang làm đồ mã phụng sự người âm. Ngoài vụ tranh tết ra thì tháng Tám tết cha-tháng ba tết Mẹ(*) cộng thêm với Rằm tháng Bảy xá tội vong nhân, nên nghề mã nghề tranh có bao giờ hết việc. Trước đây người Hồ hầu như không làm ruộng. Lúc giáp hạt thì đi vay ăn, xong mùa bán tranh thì đem tiền trả nợ. Âu cũng là cái nghiệp chướng của kẻ làm nghệ thuật mà thôi.
Tranh làng Hồ có hai khuôn khổ. Loại lá mít nhỏ nhất khổ 15×25, và loại to là 30×40. Là do cách làm giấy thủ công quen với khuôn khổ làm tranh phù hợp với vách tường nhà.18/6/2009
(*)tháng 8, giỗ Đức thánh Trần, tháng ba giỗ mẫu Liễu Hạnh