Đỉnh cao của nghề

Doduc
Xưa nay nói đến nghệ sĩ là người ta hay nghĩ đến người làm nghệ thuật: họa sĩ, diễn viên múa, diễn viên sân khấu kịch và điện ảnh.
Nhưng đã có người nghĩ khác rất sớm.
Từ lâu, nhà văn Ngô Tất Tố từng quan sát thằng mõ. Ông viết lại trong một tản văn mô tả nhà mõ chặt chia cỗ cái đầu gà thành 8 phần mà đủ mỏ đủ mào đủ da. Với cụ Tố, đó là cái khéo nâng tầm thành nghệ sĩ rồi.
Nhà văn Vũ Bằng bàn về món ăn cũng hấp dẫn đến vị ngon thấm đến tận đầu lưỡi!
Nhà văn Nguyễn Tuân bàn về cách ăn một bát phở thế nào cho ngon cũng hấp dẫn vô cùng!

Ở đời, khéo tay thì thành thợ giỏi, cao hơn nữa thành nghệ nhân, nhưng lại thêm khéo nhìn (có thẩm mĩ tốt) thì dù chỉ băm đầu gà thôi cũng nghệ sĩ quá đi chứ.
Người làm xiếc hấp dẫn người xem, họ là những nghệ sĩ sân khấu tài ba không ai chối cãi đã đành. Nhưng tôi có thể đứng cả vài chục phút xem một cậu bếp của một quán ăn làm cơm rang. Một tay bàn sản , tay kia giữ quai chảo và mẻ cơm bay ngang bay dọc như đàn ong chuyển tổ, rồi bất ngờ bắt lửa bùng lên trong tích tắc như ma trơi, rồi tắt lịm như có phép phù thủy…
Tôi đã quan sát chị lao công quét rác với cái chổi nan tre. Chỉ vài ba nhát chổi là rác rưởi, lá cây trên mấy mét vuông mặt đường được thu gọn vào một chỗ, mặt đường sạch banh, Tôi đã thử làm lao công một lúc mà cái chổi tõa ta không theo ý mình, không điều khiển được!
Tôi hỏi một chị làm nghề rửa xe, chị bảo hồi mới vào nghề, rửa cái xe mất 35 phút mà bẩn hoàn bẩn. Sau ba năm vào nghề, bây giờ rửa xe máy mất 7 phút mà xe sạch bong! Chị bảo rửa xe phải làm đúng qui trình, cũng nhanh thôi. Nói y như anh cán bộ tổ chức với bộ máy xã hội vậy! Nhưng tôi tin qui trình của chị rửa xe chuẩn hơn quy trình của anh cán bộ tổ chức.
Các cụ xưa có câu “ Nhất nghệ tinh/ nhất thân vinh” quả là đúng. Chẳng có mấy người “ nghệ tinh” mà phải sống đói khổ.
Tôi muốn nới lỏng hai từ nghệ sĩ rộng ra vào các ngành nghề, không chỉ bó gọn trong giới làm nghệ thuật.
Nghệ sĩ, Đó là đỉnh cao của nghề. 23/4/2015