Chuyện hội hè

Doduc
Hội Nành quê tôi mở từ 2/2 đến 6/2 âm lịch hằng năm.
Một lần về quê xem hội, buổi tối vào hậu chùa tôi thấy các bà các chị từ tỉnh khác về, mỗi người mỗi bị, họ mượn chiếu nhà chùa nằm nghỉ. Gọi là nghỉ thế thôi chứ vài người chụm lại từng nhóm họ chuyện trò thâu đêm. Thôi thì đủ thứ chuyện, từ chuyện gia đình đến chuyên làng xóm hay dở rồi chuyện ứng xử với chồng con cha mẹ …Chín người mười điều, rì rầm suốt đêm. Họ còn đọc cho nhau nghe những câu ca dao vùng mình mà ghi nhớ được. kể về thần tích đình chùa đền miếu làng xã nơi quê mình… Bấy giờ tôi mới hiểu ra đó là chuyện giao lưu văn hoá của dân ta đã có từ lâu khi cùng nhau phó hội.
Tôi hiểu rằng về hội giống như dự một lớp học nâng cao hiểu biết về văn hoá dưới hình thức đi chơi! Đó là cái cốt lõi của hội chùa, hội làng xưa mà ít ai để ý.
Vì chuyện đó tôi nhớ bà tôi. Ngày bé có lần về quê vào dịp hội lễ, nghe bà bảo: Ngày bà đi làm dâu, mỗi lần nghe tiếng trống hội là lòng ngao ngán vì lấy chồng rồi không được đi hội. Người ta sợ con dâu đi hội rồi gian díu với giai đâm hư thân. Thế là thiệt thòi , thế là vương theo nỗi nhớ nỗi buồn…
Điều đó lí giải cho việc đi hội xa thường chỉ toàn các bà quá trung niên khi con cái đã lớn, họ cũng không còn ở tuổi “ trai gái “ nữa.
Mẹ tôi tuy không biết chữ nhưng một thời đi hội bà biết rất nhiều chuyện về thần tích chùa chiền các nơi và đặc biệt thuộc khá nhiều ca dao tục ngữ. Tôi biết được nhiều chuyện vì được nghe mẹ kể vào những tối đêm đông rét mướt khi cả nhà quây quần quanh bếp lửa
Bắc bộ có hai vùng văn hoá đó là Đông – Đoài. Đông là xứ Bắc Ninh kéo xuống Hưng yên, Hải Dương Thái Bình Quảng Ninh… là văn hoá chùa chiền. Đoài (tây) là Sơn Tây Hà Đông nổi tiếng về nhữngngôi đình đẹp uy nghi mà không nơi nào hơn được.
Đông chùa – Tây đình là thế.
Hôi chùa hằng năm bắt đầu từ Bắc Ninh xuống Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Quảng Ninh kéo dài từ sau tết đến hết tháng Tư.
Ngày xưa Hội thường tổ chức vào những tháng nông nhàn, và ngày cũng chênh nhau để hội nào cũng có thể đi.
Đấy là được nghe kể mà biết như vậy.

Ngoài chuyện rước xách thành hoàng làng từ đèn miếu về chùa chầu Phât, các hội còn có thêm rất nhiều trò vui như chọi gà đánh vật cờ bỏi, múa rồng…Làng khác đem về hát xoan hát đối, quan họ tuồng chèo…Cả năm có một mùa chơi. Đó là bề nổi trong sinh hoạt Hội.

Bây giờ Hội đang méo mó dần. Hội chùa hội làng thành điểm kinh doanh, bói toán cúng lễ lùm xùm. Trai gái về hội thì nhớn nhác vào đi nhanh qua các gian thờ vái lia lịa cho nhanh rồi chen lấn xem lướt các trò vui. Chuà thì cũng tranh thủ kinh doanh bằng những gói dâng sao giải hạn, viết sớ tâu trình ngọc hoàng… đồ cúng lễ bán trọn gói cho khách từng món. Quán ăn bày mở tía lia, đủ thứ đặc sản chẳng thiếu thứ gì, đồ lưu niệm thì hội nào cũng giống nhau bày la liệt.
Tuy vậy cái tầng văn hoá bề sâu kia của lớp trung niên và cao tuổi vẫn còn.
2/2/2012