Chất biếm trong tranh Đông Hồ

Bài 2 Chất biếm trong tranh Đông Hồ

ĐỖ ĐỨC
Chỉ từ đời sống dân gian, chẳng có ai định hướng mà tranh Đông Hồ cũng có đủ loại từ tranh giáo khoa, phong cảnh, phong tuc, sinh hoạt, tin ngưỡng, tranh truyện (dựa theo cổ tích) tranh lịch sử, châm biếm và hài hước, chẳng thiếu thể loại gì.
Một đặc điểm rất đáng nói của tranh Đông Hồ, nó giống như tất cả các loại hình nghệ thuật dân gian khác là luôn bám theo thời cuộc. Ta để ý mảng tranh châm biếm, những bức tranh như trê cóc, đám cưới chuột, đánh ghen, hứng dừa cách nay vài trăm năm đến những tranh trai tứ khóai, gái bảy nghề vẽ về thói sinh hoạt đàng điếm của đám trai gái thành thị thời thực dân Pháp đến các tranh vẽ người Pháp văn minh tiến bộ, phong tục cải lương cách đây sáu bảy mươi năm tự nhiên đóng vai trò phản biện xã hội với con mắt phê phán khá sắc cạnh ở nhũng điểm nóng.Thế mới biết nghệ nhân quan sát cuộc sống và hiểu cuộc sống khá kĩ lưỡng. Có thể nói đó là loại tranh biếm xuất hiện rất sớm ở Việt Nam, chứ đâu phải tranh biếm mới xuất hiên thời báo chí cách mạng, như có người mong ta mấy chục năm nữa cũng được tiến tới kỉ niệm 100 năm biếm họa như Hàn Quốc đang sắp làm!. Đã thế tranh Biếm của Đông Hồ lại xuất hiện ở tư thế độc lập, cao cấp in màu tử tế và được xã hội chấp nhân, giũ gìn. Nếu không những đám cưới chuột, trê cóc, đánh ghen hứng dừa…sao còn đến ngày nay.
Tranh Đám cưới chuột quá nổi tiêng, ai cũng biết nhà chuột trong buổi nghinh hôn phải lo lễ lạt cho bề trên là ông miêu để được vênh vang rước dâu. Nhưng vào thời mua quan bán tước, nghệ nhân ta chế lại hai chữ nghinh hôn thành tiến sĩ . Cảnh rước dâu thành cảnh rước tiến sĩ vinh quy, cũng lễ lạt cho mèo để được danh phận. Ai cũng biết tranh đôi đánh ghen chê cười cảnh lẽ mọn, ông chồn dụt dè can ngăn vợ cả: Thôi thôi bớt giận là lành…còn hứng dừa thì đấy trèo- đây hứng quả là ngoạn mục của đỉnh điểm hứng tình. Nhưng lại có một dị bản đánh ghen hứng dừa nữa của thế hệ sau gần chúng ta hơn, khá đặc biệt với chú thích mới: tranh đánh ghen, cảnh ông già đang lộn xộn trong cảnh tranh chấp vợ cả vợ bé, ông tuyên bố gân guốc với bà cả nhân lão tâm bất lão (người già nhưng lòng chưa già!), quyết tâm giữ bà hai. Còn hứng dừa thì đi xa hơn trong phồn thực với chú thích lẩy từ câu Kiều có sửa đi đôi chút : trong như ngọc, trắng như ngà, chẳng phải là anh chồng đang nói về cô vợ “tú nuy” sao .
Tranh đôi phong tục cải lương-văn minh tiến bộ vẽ ông tây- bà đầm đi “picnic”, một bên chú thích là Phong tục cải lương moa tăng phú, còn bên kia :Văn minh tiến bộ tọa tăng xương, phớt lờ cuộc sống của người khác, ních túi mình cho đầy. Bộ tranh đôi trai tứ khoái- gái bảy nghề, nghệ nhân đã rất khéo đổi câu vè quen thuộc trong dân gian chê các cô gái hư hỏng : Ngồi lê là một, dựa cột (lười nhác) là hai/ theo giai là ba/ ăn quà là bốn/ trốn việc là năm/ hay nằm là sáu/ đánh cháu là bảy thành “ đăng sê( nhảy đầm) là một/ theo mốt là hai/ đánh bài là ba/ đàn ca là bốn/ trốn nhà là năm/ đi săm ( nhà chứa) là sáu/ Mang cháu( chửa hoang) là bảy. Bộc lộ sự phê phán riết róng cái việc đánh mất thuần phong để đi vào bại tục. Chỉ một góc nhỏ thôi trong tranh Đông Hồ đã cho ta thấy nghệ nhân với trách nhiệm xã hội đã đóng vai trò phê phán quyết liệt nhũng thói xấu từ quan trường đến đời sống dân sự, Họ là nghệ nhân nhung cũng là những nhà báo trứ danh đó chứ!.20/6/2006