(Nhân đọc sách NHỮNG KIẾN TRÚC SƯ BẠN TÔI của Trần Trọng Chi)
Đỗ Đức
Tôi đọc xong cuốn “Những kiến trúc sư bạn tôi” của Trần Trọng Chi đến cả tháng, nó gợi cho tôi khá nhiều suy ngẫm.
Là người từng làm nghề biên tập, dựng sách ở nhà xuất bản, tôi thật vui khi cầm trong tay một cuốn sách được viết khá công phu . Cuốn sách giống như ngôi nhà đang ở: có phòng chờ, phòng khách, phòng ngủ, hành lang. Có bếp, kho, tủ sách và nơi thư giãn.
Là họa sĩ, nhưng tôi rất ít kiến thức về kiến trúc. Cuốn sách cho tôi tiếp cận và hiểu thêm khá nhiều điều về nghề và về những người làm nghề này, ở cả Việt Nam và thế giới.
Người đọc được gặp ở đây một số kiến trúc sư tiêu biểu. Không phải là một bản trích ngang lý lịch hay liệt kê thành tích, với bao nhiêu huân huy chương. Mà là sự sẻ chia, chiêm nghiệm, thậm chí tâm tình về những thân phận đồng nghiệp. Tác giả viết kĩ đến từng câu chữ, cân nhắc cả ngữ điệu để nêu bật những gì cần gửi gắm. Tôi đặc biệt tâm đắc với thái độ không né tránh, không xoa dịu, gắng bạch hóa tất cả những suy nghĩ trăn trở của cả một đời làm nghề, cho dù nó có động chạm đến ai. Một thái độ khắc kỷ cần thiết của người viết sách chân chính khiến người đọc phải kính nể.
Xin bạn hãy cùng tôi dạo quanh ngôi nhà Những kiến trúc sư bạn tôi để thấy được rõ hơn cái tầm của cuốn sách.
Tác gỉả bước ra từ lũy tre làng. Thật thú vị với khúc dạo đầu, khi Trần Trọng Chi quan sát ông phó Tu dựng cho gia đình mình một ngôi nhà tre ở làng chè Tân Cương (Thái Nguyên) trong thời chống Pháp. Vệc đó mở ra ước mơ về một nhà kiến trúc trong tương lai. Đúng là chuyện không thể ngờ!
Quá trình vào nghề đã khai sáng cho tác giả cả một thế giới huy hoàng của sự sáng tạo nghệ thuật và những thành quả của nó. Ở đây, ta nhận ra sự đa dạng, phong phú vô cùng của trí tưởng tượng kiến trúc ở khắp nơi trên thế giới. Hóa ra kiến trúc là một dạng nghệ thuật đa ngôn, không chấp nhận sự giáo điều. Kiến trúc là loài chim sải dài đôi cánh trên đại dương sống của con người với đủ kiểu dáng mà họ từng mơ ước và có thể tạo ra. Có những tác phẩm như một giấc mơ, vậy mà lại hiện thực hóa được trong đời sống. Tuyệt vời làm sao! Cuốn sách cho chúng ta hiểu rõ thêm về sứ mạng, vai trò của kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng và vị thế, trách nhiệm của các nhà quản lý, các nhà đầu tư. Đọc xong cuốn sách này, tôi bất chợt nhận ra rằng nghề kiến trúc vừa quen vừa lạ.
Oử ta, số đông người dân không có khái niệm về kiến trúc. Cho nên kiến trúc quen mà thành lạ. Tự nhiên kiến trúc trở nên giống như cây đa ở ngã ba đường, tỏa bóng mát cho muôn nhà, muôn nhà nương náu dưới gốc đa “kiến trúc” ấy. Ai cũng quen đa, nhưng chẳng ai biết gì về đa cả. Coi cây đa như là thứ đương nhiên chẳng ai cần tìm hiểu, không ai thấy cần biết ơn kiến trúc.
Xin bước vào tâm điểm của cuốn sách
Lướt qua gương mặt nhừng kiến trúc sư bạn tôi thấy có cả con nhà nòi bị o bế, con nhà quê lơ ngơ bị xem thường, Người bị rơi vào hố đen lý lịch, người nhất thời chịu cảnh làm ruồi muỗi khi đám trâu bò húc nhau. Nhưng qua cách kể của Trần Trọng Chi, ta lại thấy rằng với những tài năng đích thực thì điều đó chưa hẳn đã là tai vạ. Sự đày đọa cũng đồng thời là sự thử thách. Ai kiên trì sẽ thắng. Tài năng như mắt mầm náu trên thân cây, có cơ hội là vẫn biết nẩy ra cành đẹp!
Hãy nhìn con đường chuân chuyên của Đặng Việt Nga. Có may mắn là con gái một Tổng bí thư, nhưng cuộc đời đâu đã suôn sẻ! Một ngôi nhà trăm mái trước chị đã bị phá tan tành, và ngôi nhà điên của chị cũng suýt bị phá nốt.
Một Trần Gia Khiêm từng lận đận vì cái lý lịch bố Hoa mẹ ta nên phải một lần lênh đênh cả nhà hút chết.Vậy mà sau cơn bĩ cực, ông đã vẽ nên được nhiều tòa nhà có giá trên đất Mĩ, đến cả ngài Tổng thống cũng phải ngỏ lời khen. Có vẻ như đây là một trường hợp tái ông thất mã khá điển hình.
Như Nguyễn Khôi Nguyên vượt lên số phận của một kĩ thuật viên trung cấp để vững vàng đứng vào hàng ngũ những người làm nghề có uy tín.
Như Tôn Thất Đại dù chịu bao áp lực từ lí lịch gia đình mà vẫn tỏa sáng ở một miền đất xa xôi.
Một Lê Hiệp tài ba chỉ chờ thời cơ là phát sáng.
Một Hoàng Hữu Phê vươn lên từ cậu bé học trò thời đạn bom Quảng Trị, chịu tầm thầy khắp đông tây học đạo để nay trở thành chuyên gia hạt giống vững vàng và đầy triển vọng.
Nhìn qua từng gương mặt, ta hiểu thêm điều nhân quả: trời không cho ai tất cả, nhưng cũng không để ai phải trắng tay.
Cái gốc sâu thẳm của thành công chính là tình yêu – một tình yêu nghề bền bỉ luôn cháy sáng trong tâm hồn mối kiến trúc sư. Nhờ đó mà họ có thể tự đào tạo để khi cơ hội đến là có thể sẵn sàng nắm bắt và bùng cháy lên!
.
Cuốn sách này như một ngôi nhà chứa nhiều tri thức kiến trúc, và cũng dính đến nhiều số phận. Đi suốt cuốn sách ta lại có thêm được một điều chiêm nghiệm: chúng ta xưa nay thường khen chê không trên một cơ sở nào cả, chỉ dựa theo thói quen dễ dãi cộng với hiểu biết khá què quặt của mình. Mỗi người đều tự coi mình như một thứ thước riêng, dài ngắn khác nhau. Trước những cái ta quan sát bằng mắt, nghe bằng tai, sờ bằng tay, ta đều đem thước đó ra ướm thử và phán xét luôn. Nếu người đó ở cương vị ra quyết định thì càng tai hại. Khi viết những dòng này, tôi nhận ra rằng chính mình cũng từng mắc những lỗi sơ đẳng ấy dù chỉ trong những việc nho nhỏ chẳng phương hại đến ai. Đó là sự thiếu chuyên nghiệp rất nặng nề trong môi trường xã hội ta từ lãnh đạo đến người dân.
Nhân đây tôi muốn được nhắc đến câu chuyện giữa danh họa Picasso với một bà khách người Nhật. Sau khi xem tranh ông, bà nói với ông qua người phiên dịch rằng: người ta nói tranh ông đẹp, nhưng tôi không nghĩ thế. Ngài nghĩ sao về ý kiến của tôi. Nhà danh họa với thái độ bình thản đã trả lời rằng: bà xem tranh của tôi và tìm hiểu nó qua người phiên dịch nên bà thấy thế. Bà hãy học thiếng Pháp đi, hãy nghe và nói bằng tiếng Pháp. Lúc ấy tôi cam đoan là bà sẽ thấy tranh tôi đẹp và sẽ biết nó đẹp ở chỗ nào.
Vâng, Cũng như vây, muốn hiểu kiến trúc thì cũng phải học bằng đọc bằng nghe và bằng xem nữa.
Tôi biết ơn tác giả Trần Trọng Chi vì cuốn sách này, bởi nó không chỉ đem đến cho tôi nhiều hiểu biết hơn về kiến trúc, về đội ngũ các kiến trúc sư của ta, mà còn hơn thế, nó cho ta hiểu sâu hơn về cách nhìn những quy luật khách quan của vòng đời. Một thứ nằm ngoài sự kiểm soát của con người, của những cơ chế khắc kỉ do con người đẻ ra mà ở đó con người vẫn có thể vươn lên khi hội đủ tình yêu và nghị lực. Họ sẽ tồn tại và chiến thắng!
Nếu đó là mục tiêu của cuốn sách thì, xin chúc mừng!
Vì tác giả đã thành công. 6/2015
(Sách dày 320 trang/khuôn khổ 20.5×23,5, ấn thành tháng 4.2015- mhaf xuật bản mĩ thuật)