doduc
1 – Muốn hiểu một tác phẩm nghệ thuật , bức tranh, bài thơ, truyện ngắn và to tát hơn là tiểu thuyết thì người xem , người đọc cũng phải học thì mới tiếp cận được
Học để biết đặc trưng ngôn ngữ của từng loại hình nghệ thuật, cách tạo dựng hình tượng, ngay cả tính cách nghệ sĩ cũng cần phải đọc được để hiểu, có người thô ráp, có người dịu dàng , Mỗi tính cách tạo ra một diện mạo tác phẩm khác nhau. Và Nghệ thuật chính là cái đẹp riêng biệt cửa những tính cách khác nhau. Nghệ thuật cũng chỉ quí ở những sáng tạo cá thể ấy. Kẻ ăn cắp trong nghệ thuật cóp pi, bắt chước làm cho nghệ thuật nghèo nàn nên bị ghét bỏ là vậy.
Xem tranh, nghe nhac, đọc sách, thưởng thức tác phẩm múa, ngắm nhìn tác phẩm kiến trúc nói gọn lại chính là bạn đang “đọc” tác phẩm nghệ thuật. Không biết , không hiểu ngôn ngữ cửa từng loại hình nghệ thuật thì sao đọc được, nghĩ sai đúng lẫn lộn, cuối cùng chỉ bằng lòng với cảm nhận nhạt nhòa không đưa lại nhận thức gì đáng kể., Đó là sự thiếu hụt đáng tiếc.
Học nhu tôi nói ở đây không có nghĩa là phải đến trường. Mặc dù mái trường phổ thông , nếu giáo khoa tốt thì cũng cung cấp được những kiến thức bam đầu có tính nguyên lý tối quan trọng. Học như tôi nói là đọc ở sách , nghe bạn bè trò chuyện mà quan trọng nhất là hỏi. Không biết thì hỏi, hỏi sẽ biết, và những cách học từ quán nước, buổi đi chơi, đọc sách nó bổ sung cho nhau, kiến thức dày lên lúc nào không biết.
2 – Hãy nghe một đoạn viết trên FB của bạn Hoai Duc Nguyen để biết thêm cái bi kịch của sự thiếu hiểu biết vầ ngôn ngữ âm nhạc nó thành vách ngăn nhận thức, làm cho kẻ giàu có tiền tài, ra vẻ ta đây gì thì cuối cùng cũng thành anh hề trong hưởng thụ nghệ thuật:
-“Ở hàng cafe . Anh cafe nâu đeo dây chuyền to nói với anh đen đá đang thêm đường :
– Hôm trước doanh số đạt, hãng bia mời tao đi Sing. Ngày chơi ngắm cảnh quốc đảo. Tối về họ cho đi xem phiên chợ Ba tư.
– Chợ đêm à?
– Khồng, ca nhạc chứ. Bảy giờ đã cơm nước quần áo chỉnh tề lên đường rồi. Vào xem thấy trên sân khấu cả một ban nhạc hoành tráng lắm. Có 32 người mặc comple và 18 váy. Nhạc nổi lên, con bé cùng đoàn bảo: – Lạc đà đang đến chợ.
Mẹ kiếp, toét cả mắt không thấy lạc đà đâu. Nhạc vẫn cứ rền lên. Chẳng có con lạc đà nào cả. Lại nghe tiếng con bé bên cạnh :
– Những kẻ hành khất đang cầu xin bố thí.
Giời ạ, con này điên rồi. Vẫn chỉ có 18 váy và 32 comple trên sân khấu chứ có đíu ai đâu mà phiên dịch láo thế là cùng. Con này chắc bệnh hoang tưởng.
Mình tựa vào vai ghế lim dim, lim dim rồi đánh một giấc.
– Công chúa xinh đẹp đang đến chợ.
Mình tỉnh cả ngủ, bật dậy. Công chúa đâu. Vẫn là 50 mống đang đánh đàn. Lần này thì không thể chịu nổi. Mình lao ra khỏi rạp. Nhạc vẫn dậm dật trên sân khấu. Hàng trăm người vẫn dán mắt lên xem công chúa mà làm chóa gì có ai. Sao coi thường khán giả du lịch thế nhỉ. Cái bọn Sing này nhá, chúng mày liệu thần hồn. Ông thề sẽ không bao giờ
xem môn lừa đảo này nữa.
Anh cafe nâu kể xong, anh đen đá gật gù : Ờ đúng là bọn lừa đảo quá. Thuê 50 đứa chơi nhạc mà không thuê nổi một đứa lên hát. Đúng là pó tay luôn. Sing ơi là Sing.”
Nếu không học, không có hiểu biết chỉ hưởng thụ theo bản năng thì bi kịch sẽ là như vậy.
Bản năng luôn là sự thiếu hụt. Bản năng không thay thế cho kiến thức được.
3 – Tôi là họa sĩ sáng tác, có nhiều tác phẩm được lưu giữ trong Bảo tàng mĩ thuật quốc gia ( 14 tranh), cũng có phần nào từng trải trong sáng tác, có thất bại và có thành công. Tôi cũng rút ra được chút căn cốt của nghề.
Với tôi, bức tranh nào cũng đi từ cái thực từ cuộc đời thực. không có chuyện bịa. Nhưng như vậy không có nghĩa là chép lại cuộc sống, mà những hình ảnh đó tôi chỉ mượn để gửi gắm cảm xúc và suy nghĩ của mình trước cuộc sống xã hôi, Nó là phương tiện chuyển tải cho nhãn quan nghệ thuật của mình thôi.
Tranh bịa nó như hình nhân bán khoán, thiếu hồn cốt nên không bao giờ có truyền cảm gì tới người xem.
Không có bột sao gột lên hồ. nguyên lý là vậy.
Tôi cũng là người viết báo viết văn. Tôi nhận ra viết tản văn, truyện ngắn, giống như vẽ. tản văn hay truyện dù vài trăm chữ hay vài ngàn vài vạn chữ chữ đều có những mẫu thật ở ngoài đời, không bịa được đâu. Nhưng mẫu đó chỉ như cái khung cốt của người làm tượng để họ đắp da thịt vào để hình thành nhân vật của nhà nghệ thuật..
Một ví dụ ngắn:
Viết Vàng lửa, kiếm sắc của Nguyễn Huy Thiệp, ông mượn hình tượng vua Quang Trung, người đã đạt đến tuyệt đỉnh vinh hoa phú quý để dựng hình tượng nhân vật của mình. Nhân vật đã ở vào tuyệt đỉnh vinh hoa mà vẫn thèm khát vinh hoa, thèm khát một bà Ngô Thị Vinh Hoa giả tưởng mà không với tới để khi chết vẫn không nhắm được mắt, nhân vật của ông tới đó đâu phải Nguyễn Huệ ! Nhưng nghe nói Nguyễn Huy Thiệp suýt bị Bình Định kiện vì tội “ Phỉ báng danh nhân” của họ!Cách đọc của mấy vị lãnh đạo Bình Định chỉ nhìn thấy nguyễn Huệ mà không thấy hình tượng. Các vị đang ở trình độ đọc báo lấy tin, chứ không phải đọc văn học nên nhà văn dễ bị hệ lụy khi người cầm quyền không có năng lực nhận biết và thẩm thấu văn học. Khi họ quy kết thì có trời cãi!
Còn có thể viện dẫn thêm nhiều tác phẩm bị cách đọc văn học méo mó gây sự như tác phẩm “ Sóng ở đáy sông” của Lê Lựu chẳng hạn, cũng bị một người Hải Phòng định kiện vì họ nhận thằng Sóng là hình ảnh người nhà họ bị bêu riếu trong truyện!
Cái chết dở là văn học trong nhà trường đã dạy không thấu đáo, rồi nhiều người học cũng không thấu đáo, không chịu nhớ. Ra đời không đọc sách, không chịu học thêm, sống theo thói quen đơn giản. Cái thiệt của họ là không bao giờ thưởng thức được trọn vẹn tác phẩm nghệ thuật, họ không “đọc được mạch ngầm văn bản ở sau văn” như Chế Lan Viên ddax từng nói. Nhưng nguy hại hơn là từ cái nhìn văn học nghệ thuật méo mó mà người đó ở vị trí có quyền lực phán xét thì sẽ là cửa tử cho Văn học- nghệ thuật!
Tác phẩm mĩ thuật cũng vậy. Khi người xem băn khoăn họa sĩ vẽ ai, ở đâu, và suy diễn tiếp : vẽ với dụng ý gì… thì họ đã bước chân ra ngoài sới thưởng thúc nghệ thuật, mà đang sống với sự tìm hiểu cái vỏ của nghệ thuật và đặt vấn các dấu hỏi . Những người vẽ siêu thực, biểu hiện thì càng bị nghi ngờ kinh hơn nữa.. Cái tai nạn của văn học nghệ thuật thường là có gốc gác từ đây.
Đó là cái nhìn méo mó không thấu đáo do không được giáo dục từ phổ thông về cách xem, cách đọc thì sẽ sinh ra thế. Họ sẽ nhìn nghệ thuật theo bản năng, và phán xét từ cảm tính mình thành ra chỉ có võ đoán chụp mũ, .Văn học nghệ thuật được nhờ gì từ môi trường ấy? 17/8/2015