Doduc
Lần đầu tiên tôi đặt chân lên Nặm Cậy, thôn đội 4, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà tỉnh Lao Kai. Buổi chiều ong nắng. Mới dứt cơn mưa sáng, đường có quãng lầy thụt ngập nửa bánh xe. Liên xã không có đường rải nhựa. Phong trào xây dựng nông thôn mới mở ra, chính phủ cho vật liệu xi măng cát, còn địa phương bỏ công sức ra cạp đường đổ bê tông. Những nhánh đường rẽ từ liên xã chui vào từng bản trước là rồng đất thì nay là rồng bê tông vững chãi. Xe máy chạy tưng tưng, bản làng cũng sáng ra cùng ánh sáng điện lưới.
Bỏ lại xe bên bờ suối, chúng tôi xắn quần, tháo giầy lội qua dòng nước đỏ ngầu phù sa nhằm đến một homstay ở giữa bản, một ngôi nhà sàn khá lớn chừng hai trăm mét vuông cao ráo nằm bên sườn đồi.
Con suối dài ngoằn ngoèo chảy theo chiều dốc len qua vùng trũng nhất của cánh đồng. Lúa đang vào vụ thu hoạch. Ở đây vừa qua trận mưa rừng lớn và trải cơn lũ rừng hung dữ. Cơn lũ đã cuốn từng đoạn con đường bê tông men theo mép suối mà dân bản mới xử dụng được 2 năm. Những tấm bê trông sập xuống lòng suối như sau trận bom, lũ sục vào gềnh bờ , khoét sâu vào hai bên dòng chảy, hai bên cánh đồng lúa. Tôi gặp ngẫu nhiên bà Vàng thi Yếu người của bản Nặm Cạy. Bà xót xa, : Năm nay lũ về to, lấy mất đường và ruộng của chúng tôi nhiều quá bác ơi…
Tôi dừng chân lội xuống lòng suối. Lúc này nước đã rút, chảy óc ách hiền hòa nhìn đám ruộng vừa bị lũ khoét, bất ngờ nhận ra: lớp đất trên mặt ruộng chỉ chừng gang tay, còn dưới đó là cát là đá to bé lổn nhổn: đá xanh cục lớn, cuội trắng bằng vốc tay, đá non gan gà và cát vàng như sa khoáng trộn lẫn. Mới nhận ra lượng đất trên ruộng mới mỏng manh làm sao, và gấy guộc làm sao. Thật sự đất quá bạc màu! Mới hiểu ra sao một sào lúa tôi ướm hỏi chỉ thu được hai ba tạ thóc. Những hạt thóc cũng gầy guộc,. Gié lúa vài chục hạt thì lép một phần ba. Năm nào lúa phơi màu bị gió mưa thì độ lép càng cao.
Tôi nhìn lên bốn bên là núi. Cánh đồng Nặm Cậy là một thung lũ hơi nghiêng về phía con suối, mới nhận ra sự hình thành của đất rưộng này chắc trải hàng ngàn năm mới có được. Những dải rừng lớn sau những cơn mưa, lá cây mục, đất trên cao trôi theo dòng chảy hòa trộn dần tạo lớp phủ bì dày lên vùng đất trũng, thành ruộng để người dân trồng cây lúa. Suối cũng hình thành ở chỗ trũng nhất và ngoằn ngoèo theo địa hình cao thấp. Hẳn nào, đi núi chưa bao giờ thấy một dòng suối thẳng băng, mà luôn ngoằn ngoèo theo thế đất. Đó là thứ thước livo tự nhiên xác lập nên đồng ruộng và sông suối. Thế mới biết châu thổ Sông Hồng, vựa lúa Bắc Bộ cũng được phù sa ngàn đời bồi đắp từ thuở hồng hoang được phù sa từ ngọn nguồn sông suối đưa về, khi mà thiên nhiên tự tạo thành chưa có bàn tay con người can thiệp.Thì ra ông Trời là thế, là những quy luật vật lý mà sau này nghiên cứu người ta nhận ra, gọi là “ phát hiện”! Đó thực ra là sự nhận biết thôi.
Trở lại cánh đồng Nặm Cậy, gặp vợ chồng trẻ Vàng a Dưng, người Tày đang tuốt lúa bằng máy tuốt điện. Điện kéo từ nhà xuống chạy máy. Anh cho biết rượng đất ở đây không nhiều, đất xấu, một năm chỉ làm vụ mùa. Chiêm thiếu nước, người ta lên nương hoặc làm chè, còn để cho đất nghỉ. Giống lúa y mèo bản địa hạt tròn, gạo thơm ngon nhưng năng suất thấp. Thấp nhưng dân ở đây vẫn giữ giống cũ để lại vì nhớ nó đã nuôi đời ông đời cha họ.Thấp vậy, nhưng co kéo thì năm dù một vụ vẫn đủ thóc ăn. Vậy cần gì nhiều giống mới! Thóc lép thì chăn gà vịt cũng vẫn lớn, cái lý thật giản dị dễ bị quy là bảo thủ. Như quê tôi dưới Thái Nguyên mấy chục năm về trước cũng vậy.
Tôi đứng ngẩn ngơ trên cánh đồng, nghĩ về đất và sự hình thành bền bỉ của đất ruộng càng thấy sự sâu lắng của đất và quý từng nắm đất cho cây lúa bén rễ để nuôi sống con người. Có đất thì có cuộc sống bình yên. Giữ được đất là giữ được miếng ăn, thì lúc ấy mới có hạnh phúc. Càng đi sâu về thôn bản, càng thấy tình cảm của con người sâu xa gắn bó với đất. Tất cả có cái lý của nó, nên đừng coi thường đất đai. Người ta tranh giành đất khi chưa hiểu sự hình thành của nó thì lòng tham vô lối đó có ngày bị trừng phạt!
6/10/2020