ĐỖ ĐỨC
Không bên phải thì bên trái, không phía trước thì phía sau, suốt ngày cộc cộc cạch cạch mọi thứ tiếng động hòa vào nhau thành một đống vữa âm thanh. Sống trong mớ âm thanh hỗn tạp đó người thính tai có thể bóc được ra tiếng xẻng xoèn xoẹt trộn xúc của thợ hồ, tiếng khoan bê tông cùng cục, tiếng đục tường chan chát của mấy em trai tráng. Người ta sửa lại cái cầu thang, chỉnh lại cái cửa chính cửa phụ, kể cả cửa sổ theo thước Lỗ Ban. Làng xóm, phố xá luôn sống lẫn trong bụi. Chả là trước đây làm nhà lại chưa biết đến cái số đo mà từ đó của cải sẽ tự tìm về, phúc chứa đầy nhà, tai họa thì dạt sang nhà khác. Có anh chàng nhà phơi bốn bề nắng gió, mùa hè nóng đến nhức mắt, vậy mà chỉ sau một đêm, chung cư to vật vã như núi Thái Hàng Vương Ốc ở bên Tàu, mọc lên như ma hiện trước nhà, chắn đi tất cả nắng gió và khí trời. Bỗng chốc căn nhà lùi vào bóng rợp của mùa đông, nhỏ như chuồng gà cứ như tụt vào giữa thung lũng. Đấy là chưa kể đến việc tách nhập các cơ quan sửa đổi văn phòng. Những vị mới nhậm chức đi xem phong thủy cho số kiếp mình rồi chỉ một lời phán của thày, về cơ quan đập sửa lại cổng, xoay lại hướng ngồi để có làm ăn cũng tránh mắc vòng lao lý. Vậy đấy, trên ba mươi năm thống nhất mà chẳng chỗ nào được yên. Cho đến cả người đã nằm yên trong lòng đất cũng bị họa khi có một dự án ăn đất chiếu tướng. Chết rồi cũng phải chạy là thế. Nàm yên mà vẫn bị họa như bỡn. Xem ra thời bình còn ồn ào tất bật hơn cả thời chiến.
Tưởng đó chỉ là chuyện riêng tư của ngành xây dựng. Nhưng hóa ra lại không phải thế. Ông chuyên viên ngành giáo dục công bố sách trắng từ thời cải cách chữ viết, bắt đầu bỏ nét cong sang sổ thẳng cho tới đận khai tâm cho các trò tò te cách phát âm đầu tiên trong đời từ A sang E. Có nghĩa là phát âm trong buổi đầu tiên đến lớp là be be lên như con dê. Nghe thế cũng đủ rùng rợn. Vậy mà không thấm tháp gì so với việc thay đổi sách giáo khoa xoành xoạch. Sách chất như một trái núi lên lưng bất cứ đứa trẻ nào lò dò đến trường. Vậy mà cả đống sách ấy chưa thể đuổi nổi cái dốt ra ngoài. Có khi vì thế mà dốt thêm. Có nhiều đứa còn bị ngộ độc cả với chồng sách vở cải cách đó. Người đa nghi thì bảo cải cách gì đâu, chẳng qua bày ra thế cho có việc để mà kiếm ăn. Nhiều dự án mù mờ, duyệt tắc trách nên mới xảy ra như thế. Chỉ toàn là chuyện đục nước béo cò..
Vểnh tai nghe hết mọi chuyện, bên làm chính sách pháp luật xông lên khoe là nơi phải tháo dỡ nhiều nhất chứ nhốn nháo như anh xây dựng cũng chưa là cái gì. Cày xới bới lật quanh năm, họp quanh năm, góp ý cả trăm lần mà bộ luật vừa thông qua xem ra đã lạc hậu đôi ba phần. Thế rồi lại dỡ ra làm lại. Luật lệ quái quỉ gì mà cứ hay vênh với cuộc sống đến thế! May mà dân ta chưa quen dùng luật, chỉ quen dùng tình để xử nên cũng đỡ. Nhưng bây giờ vào WATO rồi thì lại khác. Thế giới không phải cái làng của anh nên họ không biết dùng tình mà chỉ ưa luật, nên không sửa không xong.
Tư pháp và tòa án chỉ giở luật đối chiếu để hành sự tưởng sẽ trơn tru nhất. Vậy mà cũng không trơn tru tí nào. Cũng bắt bắt thả thả, cũng nhầm cũng sót. Có khi xử tù mười năm, tan cả sự nghiệp và danh giá người ta, rồi bỗng chốc lại phát hiện ra là không có tội. Có trường hợp giam đến năm rưỡi xét hỏi với cả đống chứng cứ tội lỗi, bỗng dưng lại tha bổng, lại là không tội. Đang tội lại thành ra có công, chẳng hiểu thế nào. Tư pháp tưởng làm theo luật vậy mà có lúc cũng chẳng cần theo!
Bây giờ ngó vào chỗ nào cũng thấy sang sửa và hoàn thiện nhưng cũng chẳng mấy khi thấy vừa lòng. Giống như ngành chỗ nào cũng có thâm niên rút kinh nghiệm, rút ra bài học sâu sắc mà rồi cuối cùng chẳng rút được gì, cũng như chẳng thuộc bài học nào. Xem ra rút kinh nghiệm và kiểm điểm sâu sắc cũng có một cái lợi là lại được tiếp tục ngồi nguyên chỗ hoặc dịch sang bên cạnh một chút, nhưng cũng vẫn là ngai là ghế cả.
Trên ba mươi năm đất nước thống nhất rồi. Đến bao giờ thì chuyện đào xới bới lật mới đến điểm dừng? 11/4/2008